Kinh nghiệm giải phóng mặt bằng từ ĐD 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông

Một trong những "điểm nghẽn" gây khó khăn nhiều nhất cho việc thi công các công trình điện đã được "hóa giải" thành công trong dự án đường dây 500 kV Plieku - Mỹ Phước - Cầu Bông . Bí quyết là từ đâu? Sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hay sự vận dụng mềm dẻo, linh hoạt các giải pháp? Những người trong cuộc đã chia sẻ điều này với evn.com.vn.

Ông Trần Quốc Lẫm - Phó  Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVN NPT): 

Sức mạnh tổng lực cho bài toán "Tổng mặt bằng"

Ông Trần Quốc Lẫm  - Phó TGĐ EVN NPT

"Tổng mặt bằng" là một trong "3  bài toán tổng" của bất kỳ công trình truyền tải nào, đặc biệt là với những công trình lớn như đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, công tác giải phóng mặt bằng đóng vai trò quan trọng. Có thể khẳng định, nếu không làm tốt được công đoạn này, tổng tiến độ và chất lượng công trình sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.   

Vì vậy, đối với đường dây 500 kV Pleiku -Mỹ Phước - Cầu Bông, ngay từ đầu,Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo EVN NPT tập trung toàn lực cho công tác GPMB. Do đặc thù công trình  trải dài trên địa bàn 5 tỉnh,đi qua các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh có diện tích cây cao su nhiều như Bình Dương, Bình Phước, nên thời gian đầu việc đền bù GPMB đã gặp không ít khó khăn.

EVN NPT đã được sự chỉ đạo sát sao Chính phủ, Bộ Công Thương, của EVN. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các địa phương 5 tỉnh thành phải nhanh chóng dứt điểm khâu GPMB. Đích thân Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã nhiều lần họp với lãnh đạo các tỉnh, quán triệt tinh thần chỉ đạo này.

Từ đó, công trình cũng nhận được sự phối hợp nhịp nhàng hiệu quả của chính quyền địa phương các cấp. Ngoài ra, bản thân anh em làm công tác đền bù GPMB của Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung (AMT) cũng là những người rất có kinh nghiệm nên đã từng bước tháo gỡ được các khó khăn.

Có thể khẳng định, ngoài sự nỗ lực của chủ đầu tư, thành công trong công tác GPMB đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông chính là sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị và các đơn vị liên quan tham gia xây dựng công trình. 

Ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung (AMT):

Linh hoạt, mềm dẻo vận dụng các cơ chế chính sách

Ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc AMT

Mặc dù nguyên tắc lớn nhất của công tác đền bù GPMB là luôn phải đảm bảo quyền lợi cho người dân nơi công trình đi qua theo đúng chế độ, chính sách, quy định chung của Nhà nước, nhưng trên thực tế không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện. Hay nói đúng hơn, chủ đầu tư thường phải vận dụng linh hoạt, mềm dẻo các cơ chế chính sách này và hầu hết là chịu phần thiệt thòi cho mình. 

Cụ thể ở Dự án này, chúng tôi đã phải vận dụng hết sức linh hoạt các giải pháp riêng với từng địa phương khác nhau. Đối với các tỉnh Tây Nguyên là địa bàn đồng bào dân tộc sinh sống, thì kinh nghiệm chính là "dựa vào lòng dân". Cán bộ GPM của Ban AMT đã phải "3 cùng" với dân để giải thích, vận động đồng bào hiểu và đồng thuận.

Còn đối với các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước - nơi có nhiều diện tích cây cao su có giá trị kinh tế cao, một số hộ dân không chấp nhận di dời, thì chúng tôi lại phải dựa vào sức mạnh, sử ủng hộ của chính quyền địa phương các cấp. Đặc biệt, địa bàn Củ Chi (thuộc thành phố Hồ  Chí Minh) - nơi công tác GPMB khó khăn nhất vì "tấc đất tấc vàng", thì sự linh hoạt của chính quyền địa phương chính là "bí quyết" của thành công. Nhiều cơ chế, chính sách "chưa từng có tiền lệ" đã được UBND Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng, đã tạo điều kiện phá "thế bế tắc" cho mặt bằng của công trình. 

Nói chung, mỗi công trình sẽ là một bài học kinh nghiệm lớn về công tác đền bù GPMB, nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi, thì sự mềm dẻo, linh hoạt bao giờ cũng phát huy cao hiệu quả. 

Ông Bùi Viết Hội - Chủ tịch UBND huyện Chư PRông (Gia Lai):

Làm công tác GPMB phải giỏi dân vận và tuyên truyền

Ông Bùi Viết Hội - Chủ tịch UBND Huyện Chư PRông

(Tỉnh Gia Lai)

Chư PRông là địa phương có chiều dài đường dây đi qua nhiều nhất trong toàn tỉnh Gia Lai, nhưng cũng là địa phương hoàn trả "mặt bằng sạch" sớm nhất cho chủ đầu tư. Một trong những kinh nghiệm của chính quyền địa phương chúng tôi chính là dân vận và tuyên truyền thật tốt. 

Cụ thể, ngoài sự vào cuộc, chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp, thì người trực tiếp làm công tác đền bù GPMB phải là người giỏi dân vận, giỏi tuyên truyền. Muốn làm được điều đó, trước hết phải nói được tiếng dân tộc, hiểu văn hóa  dân tộc, để từ đó có thể lựa chọn cách thức dân vận, tuyên truyền nào phù hợp nhất. Nói chuyện với đồng bào tốt nhất nên bằng tình cảm, sự chân tình, chứ không thể đưa "thông tư, nghị định" này nọ ra được. Vì họ không hiểu và cũng sẽ không muốn hiểu, không thích nghe các quy định mà  theo họ là "rất dài và khó nhớ"... 

Cá nhân tôi tuy là chủ tịch UBND Huyện, nhưng trong những trường hợp cần thiết, tôi cũng sẵn sàng đứng ra, trực tiếp nói chuyện với đồng bào bằng chính ngôn ngữ của họ, kiên trì, giải thích, thuyết phục và nếu cần vẫn cứng rắn "kiểu đồng bào". Có như vậy mới thu phục được lòng dân, để dân tự nguyện di dời cho công trình được thi công trong vui vẻ, không hề miền cưỡng. 

Tôi cũng đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của Ban AMT trong công tác này tại địa phương chúng tôi. Cán bộ của AMT làm chuyên môn nhưng cũng rất giỏi tuyên truyền, dân vận, và nhất là chịu khó gần dân. Tôi nghĩ đây là bài học lớn mà các dự án nói chung chứ không riêng gì ngành điện, có thể áp dụng.

 

                    

Anh Kapa Yăng - Người dân xã Ia Băng - huyện Chư PRông, tỉnh Gia Lai: 

"Gia đình mình cũng thuộc diện phải di dời, nhường đất cho đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông đi qua. Mình đã chấp hành nghiêm chỉnh và thấy rất hài lòng với chính sách đền bù. Cán bộ điện cũng giải thích rất dễ hiểu. Vì vậy, mình cũng tham gia giúp cán bộ điện tuyên truyền, vận động các hộ gia đình khác đồng tình di dời để công trình điện thi công phục vụ ánh sáng cho mọi người".

 


  • 10/05/2014 02:41
  • Vĩnh Long
  • 4305


Gửi nhận xét