Cấp điện cho các hộ di cư tự do tại Đắk Lắk: Tìm lời giải cho “bài toán khó”

Trong giai đoạn 2005 - 2014, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 1.529 hộ dân di cư tự do đến sinh sống tại các xã, huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, rừng đầu nguồn. Giải pháp nào đưa điện đến với người dân ở đây, giúp  họ sớm an cư, lạc nghiệp là “bài toán khó” mà Công ty Điện lực Đắk Lắk đang phải tìm lời giải.

Khó khăn nối tiếp

Từ sau năm 1975, Đắk Lắk là một trong những vùng trọng điểm phân bổ lực lượng lao động và dân cư trên phạm vi cả nước. Ngoài việc tiếp nhận hàng chục nghìn hộ dân của các tỉnh đến xây dựng vùng kinh tế mới, Đắk Lắk còn là nơi thu hút mạnh dân di cư tự do. Vì vậy, Chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong quản lý và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Từ năm 2005 đến 2014, đã có 1.529 hộ dân di cư tự do đến cư trú tại 10 huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 96%. Đáng chú ý là dân di cư tự do người Mông (chiếm 80%) thường di cư theo cả gia đình và dòng họ, sống tương đối biệt lập với dân tộc khác, chủ yếu theo đạo Tin lành, tỷ lệ sinh đẻ cao. Để từng bước ổn định đời sống cho người dân, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan sắp xếp vào các khu dân cư đã được quy hoạch, hoặc bố trí tại chỗ, lồng ghép với các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (chương trình 132, 134…). Đồng thời, xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó đầu tư 2 trạm biến áp với 11,3 km đường dây trung, hạ thế cấp điện cho các hộ dân.

Điện về thay đổi đời sống của người dân huyện M'Đrăk, Đắk Lắk. Ảnh: P. Trang

Ông Lê Hoài Nhơn – Phó giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk cho biết, các hộ dân di cư tự do đến Đắk Lắk tập trung chủ yếu tại các xã, huyện, vùng sâu, vùng xa, biên giới, các khu rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn để đốt nương, làm rẫy. Một số hộ dân tách ra từ các thôn, buôn cũ và tập hợp lại dần dần hình thành thôn mới, buôn mới… Việc đưa điện đến các hộ dân khu vực này đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, nếu không có các dự án của Nhà nước, của tỉnh, thì riêng ngành Điện khó đủ sức xây dựng kết cấu hạ tầng cung cấp điện.

Bên cạnh đó, thời gian đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng điện phục vụ các dự án sắp xếp các hộ dân di cư tự do thường phải phải kéo dài nhiều năm. Trong lúc đang thực hiện dự án, các hộ dân tiếp tục di cư làm cho tình hình trở lên khó khăn hơn. Hiện nay, tại khu vực thôn Sông Chò và thôn EaKrông, thuộc xã Cư San, huyện M’Đrăk, khoảng 20 hộ dân sinh sống tại khu vực cách khá xa trạm biến áp hạ thế đã tự kéo điện về sử dụng. Ông Trần Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Cư San, cho biết: UBND xã đã nhiều lần vận động các hộ dân ở đây chuyển về gần khu vực trung tâm xã để sinh sống, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng thuận. Vì vậy, việc quản lý dân cư trên địa bàn xã cực kỳ khó khăn không chỉ đối với Chính quyền địa phương mà còn gây áp lực không nhỏ cho công tác quản lý điện năng của Điện lực M’Đrăk.

Đi tìm lời giải…

Tính đến cuối năm 2014, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 100% số xã và hơn 97% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Đây là nỗ lực rất lớn của Công ty Điện lực Đắk Lắk những năm qua, song điều mà Công ty còn trăn trở là làm thế nào để tiếp tục đưa điện đến các hộ dân chưa có điện trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là với các hộ dân di cư tự do.

Hiện nay, Công ty Điện lực Đắk Lắk đang phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan lập hồ sơ triển khai giai đoạn 2 Dự án cấp điện cho đồng bào các thôn, bản Tây Nguyên chưa có điện với tổng cộng 164 thôn, buôn. Dự án này được triển khai với 85% vốn ngân sách nhà nước và 15% vốn đối ứng của ngành Điện. Đầu tháng 3/2015, Chính phủ đã quyết định giao cho Chính quyền địa phương làm chủ đầu tư, chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách (85%) triển khai Dự án, sau đó bàn giao cho ngành Điện quản lý.

Điện về thay đổi cuộc sống của người dân, đặc biệt là khu vực miền núi, di dân tự do trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Nguyễn Hà

Theo Phó giám đốc PC Đắk Lắk - Lê Hoài Nhơn, việc cung cấp đủ điện cho các hộ dân chưa có điện, đặc biệt là dân di cư tự do có ý nghĩa quan trọng, góp phần ổn định đời sống người dân, thúc đẩy phát triển bền vững tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Vì vậy, Chính quyền địa phương cùng với các sở, ban, ngành liên quan cần sớm đưa các hộ dân di cư tự do vào đề án cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện với mục tiêu đến năm 2020 hầu hết số hộ dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung được sử dụng điện.

Phó Chủ tịch UBND xã Cư San, huyện M’Đrăk – ông Trần Thanh Bình cho biết: Đến cuối năm 2015, phấn đấu 98% số hộ dân trên địa bàn xã có điện. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Điện với chính quyền địa phương, lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án trên cùng địa bàn, bố trí vốn phù hợp với tiến độ của dự án đã được phê duyệt để giải quyết cơ bản, kịp thời nhu cầu về hạ tầng thiết yếu, trong đó có hạ tầng về điện theo định hướng xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho người dân định cư, ổn định đời sống, phát triển sản xuất.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã phê duyệt 15/17 dự án quy hoạch bố trí, sắp xếp dân di cư tự do kết hợp với việc xây dựng kết cấu hạ tầng để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, vấn đề ổn định dân di cư tự do được xác định là một chương trình mang tính lâu dài, cần phải có sự tham gia quyết liệt của các cấp, các ngành. Vì vậy, UBND Tỉnh cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương có dân di cư tự do đưa ra những giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này, không phá vỡ quy hoạch cũng như làm ảnh hưởng đến tình hình cung cấp điện trên địa bàn.


  • 30/06/2015 03:32
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 2611


Gửi nhận xét