Cấp nước cho nông nghiệp từ các hồ thủy điện: 4 năm nhìn lại

Nhiều năm qua, hàng tỉ m3 nước của các hồ thủy điện phía Bắc đã được cấp cho sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành thuộc Trung du và Đồng bằng Bắc bộ. Đặc biệt có những năm hạn hán khốc liệt, việc vận hành hệ thống điện quốc gia phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng vẫn đảm bảo cấp nước đổ ải. Kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của EVN.

Xác định rõ trách nhiệm
 
Những năm qua, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan đã làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Đặc biệt từ năm 2013, hạn hán kéo dài trên diện rộng, lưu lượng dòng chảy của hệ thống sông chính đều thấp hơn từ 15% đến 30 % so với trung bình nhiều năm (TBNN), thậm chí có nơi lên đến 40 – 50%.
 
Xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, hàng năm Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cùng các địa phương thống nhất lịch và phương thức xả nước phục vụ nông nghiệp. Nếu như trong năm 2011 – 2012 chỉ có 2 đợt xả thì từ năm 2013 đến nay, lịch xả nước được chia thành 3 đợt phù hợp với phong tục và tập quán canh tác của các địa phương. 
 
Thời gian tiến hành các đợt xả nước cũng được điều chỉnh tăng/giảm phù hợp với tình hình thực tế sản xuất nông nghiệp. Sau khi kết thúc các đợt xả, mực nước các hồ thủy điện giảm đáng kể, buộc EVN và các đơn vị phải có các phương án sẵn sàng đảm bảo cung cấp điện trong điều kiện thiếu nước. 
 

Hồ Thủy điện Hòa Bình là 1 trong 4 hồ thủy điện phía Bắc tham gia cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân 2015 - 2016

 
Diện tích nông nghiệp không tăng, lượng nước xả vẫn tăng…
 
Từ năm 2013 đến 2015, trong khi diện tích đất nông nghiệp tại các tỉnh, thành khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ không tăng, chỉ vào khoảng 630.000 ha, nhưng tổng lượng nước xả từ các hồ thủy điện lại có xu hướng tăng qua từng năm. Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Tỉnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, năm 2014 vào thời điểm lấy nước gieo cấy vụ Đông Xuân, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, mưa rất ít, dẫn đến khối lượng nước xả từ các hồ thủy điện tăng từ 20 – 30%. Bên cạnh đó, hệ thống sông dẫn nước cũng đã bị xói mòn. 
 
Từ năm 2000 đến nay, đáy sông Hồng xói sâu khoảng 20%, sông Đuống là 40%. Trước các đợt xả nước, mực nước sông Hồng tụt khoảng 0,2 – 0,4 m, nên phải bổ sung lượng nước đệm rất lớn mới đảm bảo mực nước sông Hồng tại Hà Nội đạt trên 2,2 m. 
 
“Có thể khẳng định, những năm vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam với các hồ thủy điện lớn ở phía Bắc đã đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho hạ du tại các tỉnh, thành khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ”, ông Nguyễn Văn Tỉnh khẳng định.
 
2016 - Tiếp tục góp phần đảm bảo an ninh lương thực 
Ông Vũ Xuân Khu – Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của El Nino, ngoài việc thiếu nước tại các hồ thủy điện, nhu cầu sử dụng điện cũng tăng lên đáng kể. Hiện tại, có 81 nhà máy thủy điện (công suất từ 30 MW trở lên) đang vận hành với tổng công suất đặt 15.570 MW, chiếm 40,4% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Tổng dung tích hữu ích của các hồ chứa thủy điện là 33,88 tỷ m3 (với điều kiện tích nước đầy hồ) và có thể sản xuất ra sản lượng điện 14,51 tỷ kWh. 
 
Thực tế, tổng lượng nước hiện có trong các hồ thủy điện lớn thấp hơn nhiều so với TBNN. Đơn cử như hồ Thủy điện Ialy với dung tích hữu ích là 1 tỷ m3, nhưng lượng nước tích được chỉ chiếm khoảng 46% dung tích hồ. Hồ Thủy điện Đồng Nai 3 cũng chỉ tích được 55% lượng nước. Hồ Thủy điện Trị An lượng nước cũng chỉ đạt 65%. Hồ Thủy điện Hàm Thuận đạt 76%, trong khi nhu cầu nước cho tỉnh Bình Thuận rất lớn và thời gian phục vụ kéo dài đến hết tháng 7, tháng 8 hàng năm. 
 
Do lượng nước thiếu hụt lớn, thời gian qua, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia và các đơn vị đã có các giải pháp điều hành hệ thống điện linh hoạt, hợp lý, sử dụng nguồn nước hết sức tiết kiệm và chủ yếu đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các địa phương. Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương và EVN, thời gian tiến hành 3 đợt xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2016 đã được rút ngắn hơn so với dự kiến. 
 
Đáng chú ý, vụ Đông Xuân 2016, nhờ sự phối hợp tích cực, hiệu quả, tổng lượng nước xả từ các hồ Thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang đạt hơn 3 tỷ m3, đã đáp ứng đủ nước gieo cấy, đồng thời tiết kiệm đáng kể nguồn nước để chuẩn bị cho kế hoạch cấp điện trong các tháng mùa khô 2016. 
 
Đến nay, có thể khẳng định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giải quyết một cách hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp với việc thực hiện nhiệm trách nhiệm xã hội, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. 
 

Năm

Tổng lượng nước xả (tỷ m3)

Thời gian xả theo kế hoạch (ngày)

Kết quả so với thời gian dự kiến

Số đợt xả

2011

2,925

17

Tăng 1 ngày

2

2012

3,964

20

Tăng 5,5 ngày

2

2013

4,699

19,5

Giảm 3,5 ngày

3

2014

5,770

23

Giảm 2 ngày

3

2015

5,060

21,5

Giảm 1,5 ngày

3

2016

3,030

11,25

Giảm 9,75 ngày

2

 


  • 04/04/2016 04:24
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 6239


Gửi nhận xét