Nếu như trong thời gian thí điểm, các đơn vị tham gia VCGM chủ yếu là “thăm dò”, thì nay, đã xác định được đây là bước phát triển tất yếu của ngành Điện.
“Hầu hết các nhà máy đều nghiêm túc thực hiện các quy định của thị trường và quen dần với các phần mềm chào giá. Chất lượng chào giá của các đơn vị dần được cải thiện. Giá điện thị trường được thiết lập qua cơ chế cạnh tranh đang dần phản ánh đúng quan hệ cung cầu, đó là giá điện thị trường các giờ cao điểm cao hơn các giờ thấp điểm…” – ông Vũ Xuân Khu – Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) đánh giá.
Tất nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong tiến trình hoàn thiện cơ chế quản lý thị trường phát điện cạnh tranh, nhưng những thành công bước đầu sau một năm đi vào vận hành chính thức VCGM là điều không thể phủ nhận. Những tồn tại, vướng mắc sẽ dần dần được khắc phục, mang lại sự cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả cho các đơn vị tham gia.
Chiến lược chào giá tốt là ưu thế để gia tăng lợi nhuận khi tham gia VCGM - Ảnh: Vũ Lam
|
TS. Hoàng Xuân Quốc - Giám đốc Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (PV Power NT2) - một trong những đơn vị đã có những thành công trên VCGM cho rằng, khi tham gia VCGM, kết quả sản xuất, kinh doanh (SXKD) được tính từng giờ và phụ thuộc vào khả năng tổng hợp thông tin, nhận định thị trường..., đặc biệt phải theo dõi tình hình thời tiết vùng, miền để dự báo giá hợp lý và đưa ra bản chào giá hợp lý nhất. “Nếu phân tích xử lý thông tin không tốt sẽ dẫn đến sai lầm khi chào giá, hậu quả là tổ máy sẽ bị phát sản lượng thấp, máy khởi động nhiều lần gây ảnh hưởng đến thiết bị và làm tăng chi phí”– Ông Hoàng Xuân Quốc phân tích. Bên cạnh đó, còn có những rủi ro và lỗi chủ quan hay khách quan do sự cố tổ máy, sự cố lưới điện và hệ thống cung cấp khí, đánh giá không chính xác ảnh hưởng của thời tiết, mưa, lũ dẫn đến phụ tải và cơ cấu nguồn điện thay đổi nhanh chóng, làm cho bản chào giá không hợp lý.
Kinh nghiệm từ các đơn vị tham gia VCGM cho thấy, để có thể thu được lợi nhuận, ngoài các “lợi thế tự nhiên”, bản thân mỗi đơn vị phải có sự chuẩn bị kỹ về nhân lực, vật tư, đặc biệt phải chú trọng đầu tư công nghệ thông tin, đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt. Điều quan trọng là phải minh bạch và nhạy bén trong nhận định và đánh giá chính xác diễn biến thị trường phát điện. Từ đó, có được bản chào giá hợp lý cho từng thời điểm.
Chính thức tham gia VCGM từ tháng 7/2012, cho đến nay, PV Power NT2 luôn thực hiện việc chào giá ngày tới theo đúng quy định của VCGM với mục tiêu vận hành ổn định, đảm bảo sản lượng kế hoạch và cố gắng tối đa hóa lợi nhuận. Thực tế, để đạt được kết quả này, ngoài nền tảng về công nghệ hiện đại, PVPower NT2 còn thành lập Tổ thị trường điện và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về thị trường điện từ rất sớm, ngay khi nhà máy còn trong giai đoạn chạy thử. Lực lượng này đã thực hiện tốt công tác chào giá, thanh toán cũng như hỗ trợ công tác thị trường điện.
Bên cạnh đó, tại PVPower NT2 luôn có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ phận chức năng trong quá trình phân tích, đánh giá diễn biến thị trường điện, từ đó xây dựng các bản chào giá theo tình trạng từng tổ máy, dựa trên biểu đồ vận hành và chu kì sửa chữa các tổ máy.
Kinh nghiệm của Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD) cũng cho thấy, việc có được chiến lược chào giá tốt chính là ưu thế lớn để gia tăng lợi nhuận khi tham gia VCGM.
Ông Đỗ Minh Lộc – Phó tổng giám đốc DHD cho biết, công tác chào giá trên VCGM bước đầu vẫn còn một số vướng mắc. Cụ thể như các phần mềm chào giá, hỗ trợ tính toán thanh toán chưa được cập nhật kịp thời và đồng bộ giữa đơn vị vận hành thị trường và đơn vị tham gia thị trường dẫn đến mất nhiều thời gian để đối chiếu kết quả. Bên cạnh đó, các số liệu về thuỷ văn của các hồ chứa được đơn vị vận hành thị trường dự báo để đưa ra quy định giới hạn mực nước hồ hàng tuần chưa phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho việc tính toán chào giá…
Trong điều kiện đó, để tham gia thị trường đạt hiệu quả, theo ông Lộc, đơn vị tham gia VCGM cần phải có đội ngũ nhân lực chuyên trách, có kiến thức và am hiểu các quy định của thị trường; có khả năng phân tích hệ thống và nắm vững các đặc tính vận hành hồ chứa, tình hình thuỷ văn cũng như thiết bị tại các nhà máy tham gia thị trường. Ngoài ra, các nhà máy khi tham gia thị trường phải luôn sẵn sàng đáp ứng công suất theo yêu của đơn vị vận hành thị trường. Mặt khác, các đơn vị phải luôn theo dõi các thông tin vận hành thị trường, các điều kiện vận hành tổ máy để kịp thời bổ sung hiệu chỉnh bản chào theo đúng các quy định thị trường nhằm đảm bảo được doanh thu cao nhất.
Một số lỗi thường gặp trong công tác chào giá:
- Chào giá không phù hợp với tình hình khả năng hoạt động của tổ máy.
- Chào giá chưa phù hợp dẫn tới không đảm bảo yêu cầu cung cấp nước cho hạ du.
- Chào giá chưa phù hợp dẫn tới không đủ nước để huy động hoặc phải xả thừa nước.
- Chào giá lỗi hoặc không đúng thời gian quy định…
|