Cháy chợ: Vì đâu nên nỗi?

Mỗi năm có đến 20 vụ cháy chợ, gây thiệt hại rất lớn về tài sản và tính mạng của người dân. Mặc dù cơ quan phòng cháy chữa cháy đã rất nỗ lực trong công tác phòng chống, nhưng tình trạng này vẫn có chiều hướng gia tăng. Vì sao?

Do thiếu an toàn khi sử dụng điện,vụ cháy chợ Quảng Ngãi năm 2012 đã gây thiệt hại lớn về tài sản   Ảnh: CTV

Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, hiện cả nước có 3.000 chợ và trung tâm thương mại với tổng giá trị hàng hóa và tài sản cố định gần 300.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng đáng kể trong cán cân kinh tế của đất nước. Điều đáng nói là số vụ cháy xảy ra ngày càng nhiều, trung bình mỗi năm có khoảng 20 vụ. 80% tổng số vụ cháy xảy ra vào ban đêm và ngoài giờ hoạt động của chợ.

Trong các nguyên nhân xảy ra cháy thì 47% vụ cháy là do sự cố chập điện và việc sử dụng thiết bị điện không đảm bảo an toàn PCCC, còn lại 33,3% do thắp nến, hương để thờ cúng.

Sở dĩ tình trạng trên tồn tại trong thời gian dài và có chiều hướng gia tăng, một phần do Ban quản lý tại các chợ chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC, thiếu sự quan tâm hoặc coi nhẹ, thậm chí cố tình vi phạm quy định về PCCC. Mặt khác, việc quy hoạch, xây dựng chợ chưa kiên cố, chưa đảm bảo an toàn về PCCC, chưa tính tới số lượng chợ tạm chiếm tới 60% tổng số chợ trên cả nước, thì 90% số chợ đang hoạt động chưa được cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt về PCCC. Ngoài việc thiếu nguồn nước chữa cháy tại chỗ, nhiều chợ còn không có chỗ để xe cứu hỏa tiếp cận chữa cháy.

Bên cạnh đó, nhận thức về PCCC cũng như ý thức về phòng chống cháy nổ của nhiều hộ kinh doanh còn hạn chế như: Thắp hương trong chợ; kinh doanh xăng dầu, gas; xếp hàng lấn chiếm lối đi, cửa thoát nạn; cơi nới mái che bằng các vật liệu dễ cháy. Khi lực lượng chức năng nhắc nhở, các hộ kinh doanh này thường đưa ra nhiều lý do trì hoãn, không nghiêm túc thực hiện.

Không đảm bảo an toàn điện, các khu chợ rất dễ bị cháy nổ do chập điện    Ảnh: CTV

Hạn chế nguy cơ cháy nổ

Để hạn chế mức thấp nhất nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra tại các khu chợ và trung tâm thương mại, mới đây, Cục cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) đã đưa ra các giải pháp chính sau:

Cơ quan chủ quản:

- Rà soát, xây dựng kế hoạch sửa chữa, cải tạo đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC đối với chợ như hệ thống điện, hệ thống báo cháy, chữa cháy, nguồn nước...

- Thực hiện nghiêm các quy định về PCCC,

- Thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra và tự kiểm tra việc thực hiện những quy định về PCCC để có các biện pháp khắc phục kịp thời những thiếu sót có thể gây ra cháy.

Ban quản lý chợ :

- Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC cho các hộ kinh doanh và khách mua hàng thông qua hệ thống truyền thanh nội bộ;

- Nhắc nhở công tác bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ trong việc sử dụng điện, gas, lửa trần (thắp đèn dầu, hương, nến) nhất là vào giờ cao điểm có đông khách hàng và thời điểm chợ chuẩn bị đóng cửa

- Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định, nội quy PCCC.

Các hộ kinh doanh và người tham gia giao thương: 

- Không được hút thuốc lá và sử dụng lửa bừa bãi trong chợ;

- Không lấn chiếm lối đi để bày bán hàng hoá hay cơi nới, che chắn làm cản trở lối đi, lối thoát nạn và đường cơ động của xe chữa cháy...

- Tự trang bị bình chữa cháy xách tay, nước, chăn... để chữa cháy.

Lực lượng Cảnh sát PCCC địa phương:

- Nâng cao vai trò tham mưu cho UBND về các giải pháp PCCC;

- Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn cơ sở thực hiện các giải pháp, biện pháp cụ thể phù hợp điều kiện thực tế;

- Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về PCCC.

Một số vụ cháy chợ điển hình gây thiệt hại lớn do chập điện:

- Năm 2003, cháy chợ Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) gây thiệt hại trên 11 tỷ đồng.

- Năm 2005 cháy chợ Nghệ (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

- Năm 2010, cháy chợ tạm Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thiệt hại hàng tỷ đồng.

- Năm 2010, cháy chợ Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

- Năm 2011, cháy chợ Vinh (Nghệ An), thiệt hại 10 tỷ đồng.

- Năm 2012, cháy chợ Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), thiệt hại 200 tỷ đồng.

 


  • 11/07/2012 10:21
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới Điện
  • 522333


Gửi nhận xét