Chia niềm vui có điện với bà con vùng cao Lâm Đồng

Trở lại thôn Nao Quang (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) sau 1 năm bà con ở đây được cấp điện, chúng tôi cảm nhận được nhiều sự thay đổi: Tiện nghi và “không còn buồn như ngày xưa”.

Khó quên ngày đưa điện xuống với bà con

“Anh thợ điện ơi, cái công tắc nhà tui bị hư rồi. Anh xem giúp với nào” - bà K’Tiếu, ngồi trong nhà gọi với ra khi thấy đoàn công tác của Điện lực Bảo Lâm đi ngang. Anh Nguyễn Xuân Cảnh - Đội trưởng Đội quản lý vận hành (Điện lực Bảo Lâm) dừng xe lại, không chỉ kiểm tra lại công tắc, anh còn kiểm tra lại hệ thống điện của gia đình, hướng dẫn bà con gọi vào Tổng đài chăm sóc khách hàng 19001006 hoặc 19009000 để báo khi gặp sự cố về điện.

“Khi bà con gọi lên đây là tụi con xuống xử lý ngay, để không phải chờ đợi có các anh thợ điện đi ngang nữa nha”, anh Cảnh vừa nói vừa đưa tờ rơi và cẩn thận khoanh tròn số Tổng đài được in đậm.

Thôn Nao Quang là một trong 7 thôn cuối cùng của tỉnh Lâm Đồng được cấp điện vào đầu năm 2018. Nhớ lại những ngày đầu đưa điện xuống với bà con, trên khuôn mặt anh Cảnh lộ rõ niềm vui: “Lúc đó đã giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất rồi, không khí càng thêm rộn ràng. Chúng tôi kéo điện đến đâu, bà con đi cùng hàng đoàn. Địa hình đồi núi, nhà dân lại cách nhau khá xa, nếu không có sự hỗ trợ của bà con, chắc chúng tôi sẽ vất vả nhiều”.

Theo lời anh Cảnh, Tết đến ai cũng bận rộn, vậy nhưng bà con vẫn lo cơm nước, mọi người vác thang, phụ từ sáng sớm đến tối mịt, khi nào thợ điện nghỉ, bà con mới về nhà. “Làm xong bà con còn mổ heo mời anh em ở lại ăn cơm. Lúc đóng điện xong thì còn mấy ngày nữa là đến Tết”, anh Cảnh xúc động.

Sau khi đóng điện, để cho bà con làm quen với việc sử dụng các thiết bị điện, Điện lực Bảo Lâm thường xuyên cử đoàn công tác xuống hướng dẫn. Là huyện vùng cao, nhiều bà con dân tộc thiểu số sinh sống, nên để tuyên truyền hiệu quả, công nhân Điện lực Bảo Lâm phải “cầm tay chỉ việc”, cụ thể, chi tiết.

“Bà con mà thấy cây cối đụng dây điện cũng gọi điện lên Tổng đài bảo tụi con xuống chặt đi. Khi ngắt cầu dao rồi nhưng cũng phải dùng bút thử điện để kiểm tra cho cẩn thận nha”, anh Cảnh chỉ dẫn tỉ mỉ. Bà cụ K’Tiếu cười hiền lành: “Ừ, ta nhớ rồi”.

“Có điện rồi, đi làm không lo về sớm nữa”

“Trước đây, đi rẫy, cứ hơn 3h chiều là tui phải về ngay. Về còn nấu cơm nữa. Ở lại lâu, mặt trời lặn đi rồi, đi về sợ lắm mà về nhà lại không thấy đường để nấu cơm, nấu canh”, chị K’Rép mỉm cười, nói về lợi ích của gia đình từ khi nhà chị được kéo điện.

Theo lời chị K’Rép, bây giờ có điện rồi làm cái gì cũng nhanh. Nấu ấm nước bằng điện, nấu nồi cơm bằng điện, trời nóng bật cái quạt điện... nên chị có thời gian mà tắm rửa, lo cho các con. Đặc biệt, từ ngày có điện, gia đình chị mua tivi về xem, con nít được xem phim hoạt hình, chồng chị xem thời sự, dự báo thời tiết, chị và mẹ thì xem phim Hàn Quốc, phim Việt Nam dài tập “hay lắm!”.

“Đường trong thôn cũng có điện, nhà ai cũng mắc điện trước sân nên bây giờ đi ra ngoài không còn sợ như trước nữa. Nhưng mà giờ nhà ai cũng có tivi hết nên cũng ít tụ tập lại với nhau như ngày trước, có hơi buồn chút”, chị K’Rép thật tình. Sau đó, chị lại cười: “Nhưng mà bù lại, giờ mình làm cái gì cũng thuận tiện. Tưới nước, tưới cây, dùng điện mà bơm, không phải gánh như trước, khỏe hơn nhiều. Vườn cà phê nhờ thế cũng nhiều trái hơn”.

Trong tháng 11/2017, Công ty Điện lực Lâm Đồng (thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam) đã khởi công dự án “Cấp điện cho các thôn chưa có điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.

7 thôn được cấp điện gồm: Thôn Vĩnh Ninh, thôn 3, thôn 4 (xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên), thôn Nao Quang (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm), thôn R’Hang Trụ, thôn Phúc Cát (xã Phúc Thọ), thôn Phúc Thạch (xã Liên Hà), huyện Lâm Hà. 


  • 15/11/2018 10:15
  • Theo Lao Động Online
  • 18834