Chiến sĩ Bộ tư lệnh Thủ đô kể chuyện cứu nạn vụ cháy tòa nhà EVN

Sau 25 phút nhận được tin báo xảy ra cháy tại công trình tòa nhà tháp đôi EVN (trụ sở của Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đang xây dựng, 70 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn kiểm soát quân sự 103, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã có mặt tại hiện trường vụ cháy để tham gia cứu hộ, cứu nạn và cứu hỏa.

Trung tá Hoàng Văn Quy, Tiểu đoàn Trưởng tiểu đoàn kiểm soát quân sự 103, người trực tiếp chỉ huy tại hiện trường cho biết: "Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 15/10/2011, nhận được tin báo cháy tại công trình tòa nhà tháp đôi EVN, số 11 phố Cửa Bắc, quận Ba Đình, chúng tôi nhanh chóng họp hội ý rồi triển khai lực lượng, 70 cán bộ, chiến sỹ cùng phương tiện cứu hộ, cứu nạn và cứu hỏa được điều động đến hiện trường. Sau 25 phút nhận được lệnh, đơn vị đã có mặt tại nơi xảy ra vụ cháy".

Tại hiện trường, Trung tá Hoàng Văn Quy nhanh chóng chia đơn vị thành hai lực lượng: Lực lượng đầu gồm 20 đồng chí, kết hợp cùng công an phân luồng giao thông và chốt chặt ở các ngã ba, ngã tư quanh khu vực. 50 đồng chí còn lại, tiếp cận khu vực cháy, xác định các vị trí và phát hiện những người bị kẹt trong tòa nhà, từ đó dùng ròng rọc hiện có tại công trường để đưa các công nhân mắc kẹt tại các tầng trên tòa nhà đưa đi cấp cứu. Chính sự dũng cảm, mưu trí của các chiến sỹ trong Tiểu đoàn mà công tác cứu hỏa, cứu nạn, cứu hộ được thực hiện nhanh chóng, kịp thời và quan trọng hơn là không để xảy ra trường hợp nào từ vong vì hỏa hoạn.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Kiếm soát quân sự 103 - Bộ Tư lệnh Thủ đô tham gia giải cứu nạn nhân trong vụ cháy - Ảnh: H.V

Được giao nhiệm vụ phân luồng giao thông cùng với lực lượng cảnh sát giao thông, chiến sỹ Đỗ Đức Đạo (23 tuổi, quê xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội) kể lại: "Đám cháy xảy ra đúng vào giờ tan tầm, lưu lượng xe qua khu vực đó rất đông. Cùng với đó, nhiều người dân hiếu kỳ đã dừng lại để xem gây nên ách tắc giao thông rất nghiêm trọng. Tôi cùng với các chiến sỹ cảnh sát giao thông phải hết sức vất vả để phân luồng giao thông. Mỗi khi có dấu hiệu các xe cứu hỏa hay xe cứu thương chuẩn bị xuất phát hoặc chuẩn bị đến, tôi nhanh chóng chạy ra trước thổi còi, gạt gậy báo hiệu cho các phương tiện giao thông khác dừng xe, nhường đường để các xe ưu tiên làm nhiệm vụ. Sau hơn 2 tiếng làm nhiệm vụ phân luồng giao thông, vừa nói, vừa thổi còi, đến nay dù đã sau hơn 1 tuần, cổ họng tôi vẫn còn rát” - chiến sỹ Đạo vừa kể vừa cười với giọng khàn khàn.

Ngày 19/12, Ban Quản lý đầu tư và kinh doanh tòa nhà EVN đã trao thưởng số tiền 30 triệu đồng cho Tiểu đoàn kiểm soát quân sự 103 – Bộ Tư lệnh Thủ đô vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác cứu nạn, cứu hộ tại tòa nhà của EVN vào chiều tối ngày 15/12/2011.

Bộ tư lệnh Thủ đô cũng đã khen thưởng 9 cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn kiểm soát quân sự 103 có thành tích xuất sắc tham gia giải cứu người mắc kẹt trong vụ cháy tòa nhà của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Được phân công trực tiếp tham gia công tác đưa công nhân từ tòa nhà xuống, chiến sỹ Đỗ Kiến Mận (20 tuổi, quê xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, Hà Nội), không giấu được niềm hạnh phúc khi kể lại, bởi anh cho biết, đã đưa được rất nhiều người xuống mặt đất để đi cấp cứu kịp thời.

Anh Mận kể lại: "Khi nhận nhiệm vụ đến hỗ trợ các lực lượng chức năng cứu nạn, cứu hộ tại vụ cháy tòa nhà EVN, tôi đã cùng các chiến sỹ trong đơn vị dùng chiếc ròng rọc của thợ kính làm việc tại tòa nhà nhanh chóng leo lên các tầng 19, 23, 33  để đưa người xuống. Đây là những tầng có nhiều công nhân đang làm việc nhất. Hầu hết những công nhân đang bị mắc kẹt ở các tầng đều rất hoảng loạn, một số do hít phải khí bụi đã choáng váng, không được tỉnh táo, những người này chúng tôi phải cõng ra tận ròng rọc để đưa xuống. Những người còn lại được chúng tôi dìu ra. Do ròng rọc nhỏ, mỗi lần chỉ có thể đưa được 2-3 người xuống nên công tác đưa người xuống mất khá nhiều thời gian"

Đại úy Nguyễn Trọng Bằng, Chính trị viên Tiểu đoàn nhớ lại: “12 giờ đêm, khi đám cháy đã được dập tắt và công tác cứu nạn, cứu hộ hoàn tất, thực hiện lệnh của Bộ tư lệnh Thủ đô, 40 cán bộ chiến sỹ chúng tôi tiếp tục dùng đèn pin, bịt khẩu trang bắt đầu rà soát lại toàn bộ từng tầng từ tầng 1 đến tầng 33 của cả hai tòa nhà để xem còn nạn nhân nào kẹt bên trong không. Sau khi rà soát xong, chúng tôi bàn giao lại toàn bộ hiện trường cho Ban quản lý tòa nhà. Lúc đó mới rút quân ra về”.

Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, bệnh viện Xanh Pôn cho biết: Những người được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện đa phần trong độ tuổi lao động (từ 22 đến 35 tuổi). Không có ai bị bỏng do cháy, chủ yếu là do bị ngạt khí. Tuy nhiên, do nhanh chóng được đưa ra khỏi khu vực có khí nóng tại tòa nhà và được cứu chữa kịp thời nên đa số nạn nhân đều bị thương nhẹ, tình trạng ổn định, không còn người trong tình trạng nguy kịch.

Hai chiến sĩ Đỗ Kiến Mận và Đỗ Đức Đạo nhận Bằng khen của Bộ Tư lệnh Thủ đô - Ảnh: N. Tuấn.

Hành động dũng cảm cứu người bị nạn trong hỏa hoạn của chiến sĩ Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103 một lần nữa khẳng định, trong thời chiến cũng như trong thời bình, lực lượng vũ trang luôn là chỗ dựa vững chắc của nhân dân.

 


  • 22/12/2011 11:30
  • Xuân Tiến - Ngọc Tuấn
  • 3703


Gửi nhận xét