Ông Nguyễn Văn Hợp
|
Phóng viên (PV): Ông có thể đánh giá khái quát về Chương trình Hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay đèn tròn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm do Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) phát động trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Văn Hợp: Ngay sau lễ phát động, các công ty Điện lực đã hướng dẫn các hộ trồng thanh long phương thức triển khai đăng ký thay đèn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện. Nhưng trong quá trình triển khai chương trình, nhận thấy thủ tục còn phức tạp, Tổng công ty đã có những điều chỉnh về việc đơn giản phương thức triển khai và mở rộng hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay đèn tiết kiệm điện.
Ngoài ra, các công ty Điện lực Bình Thuận, Tiền Giang, Long An cũng đã thực hiện công tác đào tạo cho lực lượng Đoàn viên Thanh niên về việc đấu nối an toàn tham gia thực hiện chương trình theo ký kết thỏa thuận hợp tác. Thống nhất các nội dung phối hợp với Hội nông dân và Đoàn Thanh niên trong triển khai chương trình. Cấp phát tờ rơi, đĩa CD thông tin đến bà con nông dân nội dung chương trình, hướng dẫn đăng ký mua đèn…
PV: Như vậy, so với mục tiêu thay 2 triệu bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact, kết quả trên là chưa cao, vậy khó khăn đơn vị gặp phải là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hợp: Dù đã có các giải pháp tuyên truyền nhân rộng mô hình sử dụng đèn compact chong thanh long, thực tế bà con nông dân đã áp dụng thành công, nhưng còn nhiều hộ dân vẫn giữ tập quán canh tác cũ và còn đắn đo về hiệu quả dùng đèn compact thay đèn sợi đốt.
Tại tỉnh Tiền Giang, hiện xuất hiện dịch vụ chong đèn thuê. Những người cung cấp dịch vụ này hoàn toàn dùng đèn sợi đốt để chong vì họ không phải trả tiền điện (Theo thỏa thuận của 2 bên, chủ vườn sẽ chi trả toàn bộ chi phí tiền điện trong dịp chong đèn). Mặt khác, nhà cung cấp dịch vụ vẫn có tâm lý tin tưởng dùng đèn sợi đốt sẽ đảm bảo được hợp đồng ký kết với chủ vườn như, giữ được số lượng, chất lượng của hoa và trái.
Nếu nhìn vào số lượng bóng đèn đăng ký và đèn đã đổi của các hộ dân thì số lượng này chưa cao, nhưng xét theo tổng thể của cả chương trình lượng bóng đèn này là một thành công đáng ghi nhận. Qua những tác động của chương trình, giá bán bóng đèn compact hiện đã giảm 13%. Thời điểm trước khi phát động chương trình giá đèn là 34.000 đồng/bóng, hiện tại thì giá đã giảm xuống còn 29.280 đồng/bóng (giá bán trực tiếp), và 30.500 đồng/bóng với giá bán trả chậm. Theo số liệu của nhà cung cấp Rạng Đông và Điện Quang, lượng bóng đèn mua mới không qua chương trình chiếm hơn 1 triệu bóng.
Việc các hộ dân mua bóng đèn mới không qua chương trình đã cho thấy ý thức tiết kiệm điện của họ đã được nâng cao. Đây cũng là mục tiêu chính của chương trình.
Các hộ dân trồng thanh long tại tỉnh Bình Thuận trao đổi với nhau những kiến thức về đèn compact khi dùng chong đèn cho thanh long ra hoa trái vụ. Ảnh: Minh Phương
|
PV: Để tiếp tục vận động các hộ dân trồng thanh long chuyển hẳn sang sử dụng đèn compact tiết kiệm điện thay thế cho đèn tròn sợi đốt, thời gian tới EVN SPC sẽ có những giải pháp gì?
Ông Nguyễn Văn Hợp: Nhằm vận động các hộ dân trồng thanh long giảm tỷ trọng đèn sợi đốt trong việc chong thanh long, dần tiến tới xóa bỏ hẳn đèn sợi đốt, thời gian tới, Tổng công ty Điện lực miền Nam sẽ mở rộng hoạt động truyền thông, để cho các hộ dân hiểu rõ hơn lợi ích thiết thực của chương trình. EVN SPC cũng sẽ thay đổi phương thức, tạo điều kiện thuận lợi, linh hoạt trong vận dụng cơ chế để người dân tự thay đổi đèn theo chương trình, Điện lực khi đó chỉ giữ vai trò giám sát.
EVN SPC sẽ có những giải pháp tuyên truyền nhân rộng mô hình sử dụng đèn compact chong thanh long đã phát huy tác dụng. Có tác động đến nhà sản xuất bóng đèn compact tiếp tục giảm giá bán đèn để kích thích các hộ trồng thanh long.
EVN SPC cũng đề xuất với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có những cơ chế, chính sách hỗ trợ thích hợp để khuyến khích các hộ trồng thanh long đang còn sử dụng đèn sợi đốt chuyển đổi sang dùng đèn compact tiết kiệm điện.
PV: Xin cảm ơn ông!
Chương trình “Hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay đèn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện 2014-2015”:
- Do Tổng công ty Điện lực miền Nam triển khai, trên phạm vi 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang.
- Sẽ có 2 triệu bóng đèn tròn được thay bằng đèn tiết kiệm điện.
- Giá trị hỗ trợ thay bóng đèn tròn khoảng 14.000 đồng/bóng thực hiện theo hình thức trả chậm hoặc 15.220 đồng/bóng thực hiện theo hình thức trả ngay.
- Toàn bộ chi phí hỗ trợ tương đương 30 tỷ đồng.
- Giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp mỗi năm khoảng 53 triệu kWh giờ, tương đương 80 tỷ đồng tiền điện.
Tính đến hết tháng 12/2014, số lượng đèn đăng ký đổi của các hộ nông dân tại 3 tỉnh là 114.030 bóng, số lượng đèn đã đổi là 74.310 bóng. Tỉnh Bình Thuận có số lượng bóng đăng ký đổi và số lượng bóng đổi được nhiều nhất, 87.360 bóng đăng ký đổi và 63.190 bóng đã đổi.
|