Giải pháp phòng chống trộm cắp điện ở các tỉnh phía Nam: Truy cập dữ liệu từ xa để phòng ngừa, giám sát

Thời gian gần đây, tại các tỉnh phía Nam, số lượng các vụ vi phạm trộm cắp điện gia tăng, với nhiều thủ đoạn trộm cắp tinh vi, phức tạp. Đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, và giải pháp nào để xử lý? PV Thế giới điện đã có cuộc trao đổi với ông Lâm Hoàng Phước - Trưởng Ban Kiểm tra, Giám sát mua bán điện Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) về vấn đề này.



Ông Lâm Hoàng Phước

PV: Xin ông cho biết một số thông tin về thực trạng cũng như các thủ đoạn trộm cắp điện thường gặp?

Ông Lâm Hoàng Phước: Trong 9 tháng năm 2014, trên địa bàn 21 tỉnh phía Nam (từ Ninh Thuận đến Cà Mau, trừ thành phố Hồ Chí Minh), các công ty điện lực thuộc EVN SPC đã kiểm tra phát hiện và lập biên bản 1.228 vụ vi phạm trộm cắp điện. Qua thực tế xử lý, các thủ đoạn ăn cắp điện thường thấy là: Tác động câu trực tiếp trước công tơ không qua hệ thống đo đếm; Can thiệp trực tiếp vào bên trong công tơ làm làm sai lệch hệ thống đo đếm; Dùng thiết bị bên ngoài: Đảo sơ đồ đấu dây, dùng máy tạo dòng, dùng nam châm cực mạnh để can thiệp tác động gây ảnh hưởng không đo đủ sản lượng điện năng qua hệ thống đo đếm.

PV: EVN SPC gặp khó khăn gì trong giải quyết vấn đề này, thưa ông?

Ông Lâm Hoàng Phước: Thời gian gần đây, thủ đoạn ăn cắp điện ngày càng tinh vi, tình trạng sử dụng chì giả và nam châm điện ngày càng gia tăng. Điều này gây khó cho việc phát hiện, xử lý trộm cắp điện vì nam châm là vật chứng vi phạm rất dễ phi tang, còn chì giả rất khó phát hiện bằng quan sát mắt thường. Đó là chưa kể tới việc nam châm hiện nay bán tự do trên thị trường, kẻ gian rất dễ tiếp cận.

Mặc dù trộm cắp điện là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng trong quá trình xử lý các vụ việc, vẫn chưa có sự ràng buộc hoặc quy định cụ thể về nhiệm vụ phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước (cấp xã/phường, quận/huyện) với đoàn kiểm tra của Công ty Điện lực… để thực hiện việc chứng kiến (làm chứng) quá trình kiểm tra xử lý khách hàng trộm cắp điện.
Bên cạnh đó, về mặt pháp lý, việc khởi tố các trường hợp trộm cắp điện gặp trở ngại trong khâu giám định tư pháp, định lượng điện năng bị trộm cắp nhằm xác định tính chất và mức độ vi phạm để xử lý hình sự.

PV: Để hạn chế, xóa bỏ tình trạng trộm cắp điện, EVN SPC có những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Lâm Hoàng Phước: Do địa bàn quản lý rất rộng, nên Tổng công ty chủ trương chú trọng phòng chống trước tiên. Các Công ty Điện lực phối hợp với chính quyền các cấp, các Ban ngành, Đoàn thể tại địa phương trong công tác phối hợp kiểm tra, xử lý, đặc biệt là thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan việc xử lý trộm cắp điện nhằm nâng cao nhận thức của người dân.

Bên cạnh đó, các Điện lực đều có bộ phận chuyên trách kiểm tra sử dụng điện, được đào tạo về nghiệp vụ phát hiện trộm cắp điện và trình tự xử lý theo quy định, có kỹ năng tuyên truyền sử dụng điện đúng quy định và tiết kiệm. Tổng công ty cũng đã cấp các thiết bị phục vụ công tác kiểm tra phát hiện vi phạm trộm cắp điện, đồng thời áp dụng các giải pháp truy cập dữ liệu từ xa để giám sát sử dụng điện của khách hàng.

PV:  Xin cảm ơn ông!

Trong 9 tháng năm 2014, trên địa bàn 21 tỉnh phía Nam (từ Ninh Thuận đến Cà Mau, trừ thành phố Hồ Chí Minh), các công ty điện lực thuộc EVN SPC đã:

- Kiểm tra phát hiện và lập biên bản 1.228 vụ vi phạm trộm cắp điện, sản lượng điện năng bồi thường: 4.589.013 kWh, tổng số tiền thu hồi: Hơn 12,9 tỷ đồng.

- Xử lý 1.199 vụ với điện năng bồi thường 4.215.760 kWh, tương ứng số tiền hơn 11,8 tỷ đồng.

Những địa phương hiện đang là điểm nóng về nạn trộm cắp điện là: Tỉnh Đồng Nai, TP. Cần Thơ, tỉnh Cà Mau…

 

Một số vụ trộm cắp điện điển hình đã bị EVN SPC phát hiện và xử lý thời gian gần đây:

- Khách hàng Nguyễn Thị Kim Thơ (TP Cần Thơ): Khoan lỗ công tơ để trộm cắp điện. Điện năng bồi thường 12.441 kWh, tương ứng số tiền 32.830.555 đồng.

- Khách hàng Trần Văn Thịnh (TP Cần Thơ): Lật nghiêng làm công tơ không đo đủ sản lượng điện năng. Điện năng bồi thường 11.060 kWh, tương ứng số tiền 30.658.320 đồng.

- Khách hàng Lê Văn Đồng (tỉnh Đồng Nai): Phá chì kiểm định, tác động vào công tơ đo đếm bên trong làm sai lệch hệ thống đo đếm, sau đó niêm lai chì giả. Điện năng bồi thường 9.776 kWh, tương ứng số tiền 25.797.886 đồng.

- Khách hàng Lê Trung Tín (tỉnh Đồng Nai): Dùng máy tạo dòng tác động công tơ điện. Điện năng bồi thường 5.758 kWh, tương ứng số tiền 23.701.080 đồng.


 


  • 11/11/2014 03:21
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 5774


Gửi nhận xét