Lãng phí năng lượng trong ngành Thép: Vì sao?

Ngành Thép là một trong những ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng nhất ở Việt Nam do việc đầu tư đổi mới công nghệ chưa được nghĩ đến. Phải chăng vì thiếu vốn?

Công nghệ lạc hậu…

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho biết, so với trước đây, sử dụng năng lượng hiệu quả ở ngành thép đã có bước chuyển biến tích cực. Trước đây để sản xuất một tấn thép cần 700-750 kWh điện, nay đã giảm xuống còn 500-600 kWh. Tuy nhiên, so với nhiều nước trên thế giới sử dụng 350-400 kWh/tấn phôi thép thì con số của Việt Nam vẫn còn rất cao. Tiềm năng TKNL ở các khâu trong dây chuyền sản xuất thép vẫn còn rất lớn: Khâu luyện gang từ 30-40%, luyện thép 15-20% và cán thép khoảng 10%.

Thực tế, ngoài một số nhà máy mới xây dựng và một số nhà máy lớn được đầu tư công nghệ hiện đại, hiệu suất sử dụng năng lượng cao, còn hơn một nửa các nhà máy thép, đặc biệt là những nhà máy được xây dựng cách đây 20 - 30 năm, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng.

Ảnh minh họa

Thiếu vốn và còn thờ ơ

Tuy đã ý thức được tầm quan trọng của TKNL, nhưng đa phần các doanh nghiệp ngành thép mới thực hiện một số giải pháp mang tính chất nghiệp vụ đơn thuần như: Quản lý hành chính, cải tạo hệ thống chiếu sáng, thành lập nhóm quản lý năng lượng... Việc đầu tư đổi mới công nghệ để TKNL cần vốn lớn nên các DN thép chưa thể thực hiện.
Lãnh đạo Công ty TNHH Đúc thép Thắng lợi chia sẻ, Công ty đang áp dụng giải pháp giao khoán định mức sử dụng điện cho từng phân xưởng, qua đó nâng cao nhận thức của người lao động trong sử dụng năng lượng tiết kiệm. Còn việc đầu tư đổi mới công nghệ, công ty chưa… nghĩ đến vì thiếu vốn.

Lý giải thực trạng này, ông Sưa cho biết, để đầu tư công nghệ mới, doanh nghiệp ngành thép phải bỏ ra từ hàng chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tuy có chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp, nhưng số vốn hỗ trợ quá ít so với tổng vốn đầu tư cần có, việc tiếp cận nguồn vốn lại rất khó khăn. Với những nhà máy nhỏ, việc đổi mới công nghệ vượt quá tầm tay.

Đáng buồn hơn, lãnh đạo một số doanh nghiệp vẫn rất thờ ơ và chưa hiểu được tầm quan trọng của TKNL. “Có những hội thảo, chúng tôi mời các doanh nghiệp tham gia, trao đổi với các chuyên gia trong và ngoài nước, nhưng rất ít đơn vị hưởng ứng”, ông Sưa chia sẻ.  

Theo Quy hoạch phát ngành thép đến năm 2020, có xét đến năm 2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, từ năm 2013, không cấp phép đầu tư các dự án thép có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng. Đến năm 2020, sẽ loại bỏ các nhà máy sản xuất gang, phôi thép, dây chuyền cán thép có công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu và năng lượng, gây ô nhiễm môi trường… Như vậy, theo Quy hoạch này, nếu các nhà máy thép không chịu đầu tư đổi mới công nghệ, sẽ rất khó để tồn tại chứ chưa nói đến cạnh tranh để phát triển và mở rộng thị trường.

Việt Nam hiện có:

- Hơn 65 dự án sản xuất gang, thép
- Tổng công suất trên 100.000 tấn/năm
- Tiêu thụ khoảng 3,5 tỷ kWh/ năm, chiếm khoảng 6% tổng năng lượng tiêu thụ của toàn ngành công nghiệp.
- 32 dự án do các địa phương tự cấp phép nằm ngoài Quy hoạch phát triển ngành Thép đã được phê duyệt.
- Công suất thép xây dựng dư thừa khoảng 1,5- 2 lần so với nhu cầu sử dụng trong nước.


 


  • 03/10/2014 10:22
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 5147


Gửi nhận xét