Hệ thống lưới điện cao áp 110 kV trên địa bàn tỉnh Yên Bái gồm 7 đường dây 110 kV và các nhánh rẽ với tổng chiều dài gần 275 km, trong đó có 119,46 km mạch đơn và 154,6 km mạch kép. Nhiều năm qua, CBCN Đội Quản lý đường dây thuộc Chi nhánh Lưới điện Cao thế Yên Bái luôn tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ HLATLĐCA, hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố có thể xảy ra.
5 năm qua, số điểm vi phạm HLATLĐCA đã giảm nhiều. Những vi phạm còn lại chủ yếu là cây trồng trong hành lang bảo vệ an toàn, công trình nằm dưới đường dây, kết cấu nhà và công trình không đủ điều kiện tồn tại trong HLATLĐCA. Tuy nhiên, những vụ vi phạm khoảng cách an toàn do các hộ dân tự ý xây nhà, san lấp mặt bằng trong hành lang an toàn lưới điện, làm giảm khoảng cách an toàn, gây nguy hiểm cho người và phương tiện lại có chiều hướng gia tăng.
Công ty CP Môi trường & Năng lượng Nam Thành đã san gạt mặt bằng, xây tường rào Nhà máy Xử lý rác thải tại xã Văn Tiến nằm ngay phía dưới đường dây 110 kV. Toàn bộ HLATLĐ lưới điện 110 kV nằm trong tường rào của Nhà máy, dẫn đến việc quản lý vận hành, sửa chữa đường dây của Chi nhánh Lưới điện Cao thế Yên Bái gặp rất nhiều khó khăn. Đáng nói là, hơn 1.000 m2 diện tích xây tường rào của Công ty Nam Thành lại được UBND tỉnh Yên Bái cấp phép xây dựng, nên việc giải tỏa điểm vi phạm này thêm phần phức tạp.
Vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp tại Nhà máy Xử lý rác Nam Thành
|
Hằng năm, Chi nhánh Lưới điện Cao thế Yên Bái luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi giới thiệu các nghị định của Chính phủ về nhiệm vụ bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, giúp người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm khi sống trong khu vực hành lang an toàn lưới điện cao áp. Đồng thời, tuyên truyền đến cán bộ chủ chốt của địa phương, giúp họ nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của mình trong việc quản lý, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm an toàn lưới điện cao áp và hiểu rõ hơn trách nhiệm quản lý, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện không chỉ là của ngành Điện mà là của tất cả các cơ quan, ban ngành và của toàn xã hội. Đồng thời, Đội đường dây của Chi nhánh thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, phát quang, chặt tỉa cây cao, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, lực lượng công an và chính quyền địa phương (nơi có đường dây cao áp đi qua) tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động bảo vệ lưới điện cao áp.
Tuy nhiên, việc đảm bảo hành lang an toàn lưới điện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đa số lưới điện cao áp đều đi qua các khu dân cư, đồi núi, rừng tự nhiên và rừng trồng nên rất khó kiểm tra, giám sát. Tình trạng mất an toàn lưới điện vẫn xảy ra. Theo ông Lò Văn Chiêm - Giám đốc Chi nhánh Lưới điện Cao thế Yên Bái, hầu như năm nào đơn vị cũng phát hiện có hàng chục trường hợp vi phạm HLATLĐCA như ném cây lên đường dây, bắn súng hơi làm vỡ sứ, thả diều dính vào dây điện... Xử lý các vi phạm về an toàn điện, nhất là vi phạm HLATLĐCA là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng địa phương và ý thức tự giác tuân thủ luật pháp của người dân.