Chung tay đảm bảo điện cho miền Nam

Theo tính toán của Bộ Công Thương, nếu các dự án nguồn điện tại chỗ không kịp hoàn thành đến năm 2018, các tỉnh phía Nam dự kiến sẽ thiếu hụt sản lượng 2,7 tỷ kWh. Nhận thức rõ điều này, EVN và các cơ quan liên quan đang tập chung cho các giải pháp nhằm đảm bảo "Điện cho miền Nam" trong năm 2014 và các năm tiếp theo. Ghi nhận của nhóm Phóng viên evn.com.vn:

Ông Cát Quang Dương – Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án, công trình trọng điểm

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động nắm bắt nhu cầu của EVN nói riêng và ngành Điện nói chung, tìm hướng tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án điện. Cụ thể, ngành Ngân hàng sẽ ưu tiên bố trí đủ vốn vay cho các dự án, công trình trọng điểm cấp bách và đảm bảo điện cho miền Nam như: Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3, Dự án Cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải, đường dây 220 kV tới Trung tâm Điện lực Duyên Hải – Trà Vinh…

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, tiếp tục chỉ đạo thu xếp vốn cho các dự án điện thuộc các lĩnh vực sản xuất, truyền tải, phân phối, đặc biệt là các dự án điện cấp bách, quan trọng cấp quốc gia và công trình trọng điểm cấp điện cho khu vực phía Nam… tạo điều kiện cho EVN và ngành Điện thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc Ban quản lý Dự án các công trình điện miền Trung (AMT): Cam kết hoàn thành đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông đúng hạn.

Đối với các đơn vị truyền tải nói chung, Ban AMT nói riêng, việc đảm bảo hoàn thành tiến độ về đích đúng hẹn của các dự án chính là cách thiết thực nhất để góp phần đảm bảo điện cho miền Nam. Đặc biệt, công trình đường dây 500kV Pleiku  - Mỹ Phước - Cầu Bông là một trong những công trình được Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia xác định là công trình trọng điểm và quan tâm chỉ đạo sâu sát.

Theo kế hoạch, tháng 4/2014 công trình sẽ hoàn thành và đóng điện, vận hành. Và để hoàn thành nhiệm vụ này, Ban AMT cũng như các đơn vị xây lắp, thi công trên toàn tuyến đã làm việc liên tục cả trong các dịp lễ, đón Tết cổ truyền ngay trên công trường... Các giải pháp thi công "cuốn chiếu" - giải phóng mặt bằng đến đâu, thi công đến đó cũng đã được áp dụng nhằm đẩy nhanh tiến độ. Mặc dù trong suốt quá trình thi công, các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do công tác đền bù giải phóng mặt bằng, điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt... nhưng với  sự nỗ lực, quyết tâm của các đơn vị thi công, tiến độ chung toàn tuyến vẫn được đảm bảo. Nhiều hạng mục công trình đồng bộ thậm chí còn được rút ngắn so với kế hoạch.

Ông Đỗ Tiến Hùng – Phó trưởng ban Quản lý đầu tư (EVN): Không thể truyền tải điện từ Bắc vào miền Nam lâu dài

Trong năm 2014, ở phía Nam nguồn điện được bổ sung vào lưới điện quốc gia gần như không đáng kể. Để đảm bảo điện cho miền Nam, trước mắt, đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông chắc chắn phải hoàn thành vào tháng 4/2014, để truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam. Có thể nói, dự án này chính là “xương sống” trong việc đảm bảo điện cho miền Nam trong năm nay.

Những năm tiếp theo, chúng ta không thể cứ tiếp tục phương án truyền tải điện từ Bắc vào miền Nam được. Để đảm bảo nguồn điện, trong những năm qua EVN đã triển khai xây dựng nhiều dự án nguồn điện tại khu vực phía Nam. Theo tính toán, 3 năm sau (năm 2017), nguồn điện miền Nam sẽ được cung cấp ổn định hơn khi đưa vào vận hành thương mại một số nhà máy nhiệt điện lớn thuộc Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải và một số dự án khác, đồng thời một số dự án nhiệt điện của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam ở khu vực phía Nam cũng sẽ hòa lưới điện quốc gia.

 

Ông Hồ Quang Ái – Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam: Phát huy sức mạnh nội lực của đơn vị…

Trong năm nay, khu vực miền Nam chỉ có 2 tổ máy của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đưa vào vận hành với tổng công suất là 1.200 MW và cũng do không được bổ sung thêm nguồn mới nên tình hình vận hành lưới điện sẽ rất căng thẳng. Miền Nam không tự cân đối được công suất nội miền và luôn phải nhận thêm công suất từ miền Bắc và miền Trung. Mặc dù các máy biến áp 500 kV Phú Lâm, Tân Định, Sông Mây và các đường dây 500 kV Pleiku – Di Linh – Tân Định, Đắc Nông – Phú Lâm luôn truyền tải với công suất cao, tính cả khả năng truyền tải trên đường dây 220 kV Đắc Nông – Phước Long – Bình Long và việc đưa thêm đường dây 500 kV mạch 3 Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông vào vận hành sẽ làm tăng khả năng truyền tải vào miền Nam nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối cung cầu tại một số thời điểm trong năm.

Trong bối cảnh đó, Tổng công ty Điện lực miền Nam các đơn vị thành viên đã và đang chủ động thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn trên hệ thống lưới điện 110 kV cũng như lưới điện phân phối đồng bộ với các dự án của EVN để sẵn sàng nhận công suất từ miền Bắc và miền Trung.

Thêm vào đó, EVN SPC cũng xây dựng chương trình tiết kiệm điện năm 2014 , tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao ý thức tiết kiệm điện trong xã hội. Đồng thời, chúng tôi làm việc với các khách hàng lớn về các giải pháp cung cấp điện, điều hòa phụ tải và tiết kiệm điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục.

Khi mùa khô đang diễn ra, mùa nắng nóng đang đến gần với diễn biến ngày càng bất thường của thời tiết, thì nhiệm vụ "Điện cho miền Nam" vẫn là ưu tiên hàng đầu của EVN. Vì vậy, các đơn vị vẫn đang "căng mình" từng ngày, nỗ lực đảm bảo cho 21 tỉnh thành miền Nam có đủ điện phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.

 


  • 29/04/2014 11:16
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3464


Gửi nhận xét