15 năm điện khí hóa nông thôn: Thành công của mô hình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”

Thành công của chương trình điện khí hóa nông thôn là kết quả từ việc phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương và toàn thể người dân. Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm điện khí hóa nông thôn Việt Nam (1998 – 2013).

Tổng hòa các yếu tố

Trong những năm 1996 - 1998, điện nông thôn nước ta đứng trước những yêu cầu và thách thức to lớn. Hàng ngàn xã, huyện với hàng triệu hộ dân nông thôn mong chờ từng ngày có điện lưới quốc gia. Tỷ lệ tổn thất điện năng do các HTX, tổ chức quản lý điện ở địa phương luôn ở mức cao từ 35 - 45%, nhiều nơi lên đến 75%. Giá bán điện đến hộ dân nông thôn cao gấp 5 - 7 lần giá bán điện của Chính phủ quy định.

Năm 1995, Tổng công ty Điện lực Việt Nam được thành lập (đến năm 2006 chuyển thành Tập đoàn Điện lực Việt Nam), là đơn vị nòng cốt thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn.

Trong 3 năm (1995 - 1998), bên cạnh việc vay vốn đầu tư các dự án nguồn và lưới điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, EVN đã triển khai thí điểm điện khí hóa nông thôn tại 8 xã của các tỉnh trên cả nước. Từ kết quả đạt được, hàng năm EVN đã dành nguồn vốn khấu hao cơ bản hơn 400 tỷ đồng để đầu tư có trọng tâm, với mục tiêu trước mắt là đưa điện đến trung tâm huyện, trung tâm xã với khoảng 60% hộ dân trong xã.

Chủ tịch HĐTV EVN Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm điện khí hóa nông thôn

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khẳng định: “Trong thời gian đầu, việc triển khai chương trình điện khí hóa nông thôn gặp rất nhiều khó khăn về vốn, cơ sở vật chất - kỹ thuật, đội ngũ cán bộ quản lý, thiếu các quy chuẩn kỹ thuật, quy trình vận hành, phương pháp quản lý đến các mô hình quản lý… Các công trình điện nông thôn cũng hết sức khó khăn trong việc hoàn vốn về kinh tế. Trong khi đó, ngành Điện nói chung và giá bán điện thời điểm đó hoàn toàn được bao cấp, kiến thức về điện đối với người dân nông thôn cũng chưa được phổ biến rộng rãi”.

Thành công của chương trình điện khía hóa nông thôn có đóng góp quan trọng của EVN và các công ty điện lực. Với vai trò nòng cốt, EVN và các đơn vị không chỉ đầu tư, mở rộng các dự án nguồn và lưới điện truyền tải, mà còn tích cực đưa điện về các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, trong điều kiện nguồn vốn hết sức khó khăn.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta mới chỉ đảm bảo được mục tiêu có điện, còn chất lượng cung cấp điện, độ an toàn cho lưới điện và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đối với các khách hàng nông thôn chưa được đảm bảo. Vì vậy, trong thời gian tới, việc tiếp tục phát triển lưới điện hiện có của ngành Điện Việt Nam đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của EVN và các đơn vị thành viên. 

(trích phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải)

 

Trước những khó khăn, thách thức đó, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, Trung ương và địa phương cùng làm”, chương trình điện khí hóa nông thôn đã huy động động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xã hội và người dân. Sự nghiệp Điện khí hóa nông thôn được gắn liền với các chương trình phát triển kinh tế xã hội 5 năm, 10 năm của đất nước và được cụ thể hóa bằng các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong giai đoạn 1998 – 2007, sau một ngày nước ta có thêm một xã được cấp điện với khoảng 1.700 hộ dân nông thôn được sử dụng điện.

Với sự cam kết của Chính phủ, EVN cũng đã tiếp cận và làm việc với các nhà tài trợ quốc tế, đồng thời xây dựng cơ chế chính sách, tổ chức quản lý và tăng cường lực lượng để đảm nhận vai trò chủ đầu tư. Tổng số vốn vay ODA mà các tổ chức quốc tế cam kết có giá trị gần 2,0 tỷ USD cho chương trình điện khí hóa nông thôn ở Việt Nam..

Trong 15 năm qua, EVN còn thực hiện trách nhiệm đưa điện tới các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và biên giới, hải đảo, nhằm góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự xã hội.

Tổng số vốn đầu tư là 5.356 tỷ đồng theo cơ chế đặc biệt của chính phủ, trong đó vốn ngân sách cấp 85% (4.600 tỷ đồng) và vốn của EVN 15% (756 tỷ đồng). Đồng thời, EVN còn tiếp nhận, quản lý và vận hành lưới điện trung áp và hạ áp nông thôn, chủ động đưa lực lượng CBCNV chuyên nghiệp xuống các xã giúp củng cố, chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn, giảm tổn thất điện năng, giảm giá bán điện đến hộ dân nông thôn.

Đẩy nhanh hơn nữa tốc độ điện khí hóa nông thôn

Theo Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo đến năm 2020 thực hiện tại 48 tỉnh/thành phố trên cả nước, mục tiêu đến năm 2015 về cơ bản các xã trên toàn quốc có điện đưa đến trung tâm xã, đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

Tuy nhiên, theo thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, chương trình điện khí hóa nông thôn thời gian tới sẽ còn gặp nhiều nhiều khó khăn, thách thức. Trước mắt, khoảng 12.000 thôn bản chưa có điện và các thôn bản có chất lượng điện năng quá kém đều là những khu vực đặc biệt khó khăn về địa hình, giao thông, mật độ dân cư thưa thớt, suất đầu tư cấp điện nông thôn rất cao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải trao bằng khen cho các tập thể đóng góp tích cực cho chương trình điện khí hóa nông thôn

Hiện nay, hầu hết lưới điện nông thôn trong cả nước đã và đang bàn giao cho EVN quản lý, vận hành và bán điện trực tiếp tới hộ dân. Mặc dù nhiều nơi đã có điện, nhưng cũng thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, việc đầu tư cải tạo, nâng câp lưới điện đòi hỏi chi phí lớn, hiệu quả tài chính thấp. Dự kiến, việc cải tạo, nâng cấp và mở rộng lưới điện nông thôn (bao gồm cả cao áp và trung áp) để đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định cho khoảng 7 triệu hộ dân nông thôn đòi hỏi tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định: “Để thực hiện nhiệm vụ này, bên cạnh những giải pháp đã thực hiện trong thời gian qua, cần có sự quan tâm chỉ đạo hơn nữa của Chính phủ, công tác điều phối của Bộ Công Thương, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, sự đồng thuận của nhân dân và sự chủ động, tích cực của ngành Điện. Đồng thời, giai đoạn 2014 - 2020, cũng rất cần sự giúp đỡ của các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng quốc tế, để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ điện khí hóa nông thôn”. 

* Một số dự án cung cấp điện EVN đã thực hiện trong thời gian qua:

- Dự án “Cấp điện cho các thôn bản chưa có điện 5 tỉnh Tây Nguyên”, cấp điện cho 1331 thôn buôn với tổng số hơn 116.000 hộ dân, đưa tỷ lệ số hộ dân có điện 5 tỉnh Tây Nguyên từ 84 – 93%.

Dự án “Cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer” khu vực Tây Nam Bộ các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang cấp điện cho 91.591 hộ dân, đưa tỷ lệ có điện từ 86 – 93%.

- Dự án “Cấp điện cho các hộ dân chưa có điện” khu vực Tây Bắc các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn Là với 52.725 hộ dân, đưa tỷ lệ hộ có điện từ 78 – 86,83%.

- Dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang) với tổng số vốn đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng cho 17.600 hộ dân.

* Từ năm 1999, EVN tiếp nhận, quản lý vận hành và hoàn trả vốn lưới điện trung áp:

- 18.475 công trình,

- 22.078 km đường dây trung áp

- 28.442 trạm biến áp

* Từ năm 2008, EVN:

- Tiếp nhận và hoàn trả vốn lưới điện hạ áp tại 4.786 xã

- Bán điện trực tiếp thêm cho 7,4 triệu hộ dân nông thôn.

 


  • 26/04/2014 04:54
  • Phan Trang
  • 4365


Gửi nhận xét