15 năm điện khí hóa nông thôn Việt Nam là bài học cho nhiều quốc gia trên thế giới

Không nhiều nước trên thế giới đảm bảo được tốc độ tăng trưởng điện từ 10 - 15%/năm, đồng thời giảm tỷ lệ tổn thất điện năng từ 30% xuống còn 10% như Việt Nam đã thực hiện. Đó là nhận xét của các tổ chức tài chính quốc tế về thành công trong 15 năm (1998 – 2013) tiến hành điện khí hóa nông thôn Việt Nam. Đây cũng là bài học cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Hơn 2,5 tỷ USD vốn ODA

Từ năm 1994, sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam, các tổ chức tín dụng quốc tế bắt đầu cung cấp nhiều gói hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam phát triển các ngành kinh tế, trong đó có ngành Điện.

Ngân hàng Thế giới (WB) là một trong những tổ chức tín dụng quốc tế đầu tiên đầu tư vào ngành Điện từ năm 1995. Trong giai đoạn 1998 – 2013, WB đã tài trợ cho Việt Nam khoảng 12 dự án liên quan đến phát triển điện nông thôn, với tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 2 tỷ USD. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang: “Đây thực sự là sự hỗ trợ quý báu, tạo đà cho công tác điện khí hóa nông thôn Việt Nam”.

Hàng loạt dự án điện nông thôn đã được triển khai trong vòng 15 năm qua (1998 - 2013) - Ảnh: PT

Cùng với WB, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tài trợ 4 dự án với tổng số vốn hơn 250 triệu USD. Bên cạnh việc cải tạo lưới điện phân phối và mở rộng lưới điện đến khu vực vùng sâu, vùng xa, ADB còn quan tâm đến phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi lưới điện quốc gia khó có điều kiện tiếp cận.

Sự nghiệp điện khí hóa nông thôn Việt Nam còn nhận được sự tài trợ của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) với số tiền tài trợ 152 triệu USD, trong đó 121 triệu USD dành cho Dự án phát triển lưới điện truyền tải và phân phối. Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) cũng dành 152,96 triệu USD cho Dự án nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn…

Với vai trò là đơn vị chủ đạo trong chương trình điện khí hóa nông thôn, EVN cũng luôn chủ động tìm kiếm đối tác, nguồn vốn đầu tư như hợp tác với Chính phủ Thụy Điển và Phần Lan thực hiện các dự án cải tạo, mở rộng lưới điện phân phối và điện nông thôn tại một số địa phương như: Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định, Lạng Sơn, Nam Định, Hà Nam… “Sự nỗ lực này đã mang lại hiệu quả rất lớn cho các địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và đều vượt mục tiêu ban đầu đề ra, tạo niềm tin cho các nhà tài trợ và tạo tiền đề tiếp tục triển khai các dự án khác”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định.

Thực tế cho thấy, sự tham gia của các tổ chức tín dụng quốc tế cùng với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu trên thế giới trong công tác điện khí hóa nông thôn, đưa tỷ lệ số hộ dân có điện đạt 98,2%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt trên 97%, tương đương khoảng 15,2 triệu hộ dân nông thôn được sử dụng điện vào cuối năm 2013.

Chương trình điện khí hóa nông thôn đã góp phần thay đổi "diện mạo" nông thôn Việt Nam - Ảnh: PT

Tiếp tục hỗ trợ vốn đầu tư

Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc WB tại Việt Nam cho biết: “Trong suốt thời gian 15 năm qua, rất ít quốc gia trên thế giới với điều kiện kinh tế tương tự như Việt Nam đảm bảo được tốc độ tăng trưởng điện năng từ 10 – 15%/năm, đồng thời giảm tỷ lệ tổn thất từ 30% xuống còn 10% như hiện nay, cùng với những con số ấn tượng về tỷ lệ đưa điện về nông thôn”.

Mục tiêu từ nay đến năm 2020, điện khí hóa nông thôn Việt Nam phải giải quyết 2 nhiệm chính đó là cấp điện cho khoảng 3% hộ dân nông thôn còn lại chưa có điện chủ yếu ở vùng núi, hải đảo. Đồng thời, nâng cấp hệ thống lưới điện xây dựng từ những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ XX,  giảm tổn thất và nâng cao chất lượng điện năng.

Bà Victoria Kwakwa khẳng định: “Việc mở rộng cung cấp điện cho những khu vực chưa có điện từ nay đến năm 2020 là thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Vì vậy, WB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về vốn để thực hiện chương trình điện khí hóa những năm tiếp theo”.

Phó trưởng đại diện Ngân hàng KfW tại Việt Nam - bà Katja Trinks cũng nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, tùy từng dự án cụ thể, Ngân hàng Tái thiết Đức có thể cung cấp vốn vay ưu đãi và giúp đỡ kỹ thuật cho các dự án điện nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ Việt Nam mở rộng mạng lưới điện nông thôn ở cả 3 miền của đất nước, giảm tổn thất điện năng trên lưới điện đã cũ”.

Một số dự án điện nông thôn vay vốn:

Ngân hàng Thế giới:

Dự án Năng lượng nông thôn II (REII): 420 triệu USD, thực hiện nâng cấp cải tạo mở rộng lưới điện tại 1.977 xã

Dự án “Lưới điện phân phối nông thôn”: 150 triệu USD

Dự án “Phân phối hiệu quả”: 486 triệu USD

Ngân hàng Phát triển châu Á:

- Dự án “Năng lượng tái tạo và cải tạo, mở rộng cung cấp điện cho các xã nghèo vùng sâu vùng xa”: 151 triệu USD cấp điện cho khoảng 210.500 hộ dân

Ngân hàng Tái thiết Đức:

- Dự án “Nâng cao hiệu quả lưới điện nông thôn”: 120 triệu EUR, cải tạo và mở rộng lưới điện tại 1.509 xã

Dự án “Giảm cường độ phát thải trong cung cấp năng lượng điện”: 120 triệu EUR để nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp điện khu vực nông thôn.

 


  • 08/05/2014 11:10
  • Phan Trang
  • 4170


Gửi nhận xét