Chuyện cắt lũ ở Thủy điện Hòa Bình

Từ khi đi vào vận hành (năm 1988) đến nay, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã cắt được 44 trận lũ. Với những người từng là chỉ huy cao nhất của nhà máy, việc vận hành một nhà máy lớn như Thủy điện Hòa Bình trong mùa mưa lũ thực sự là những tình huống "cân não".

Ông Bùi Thức Khiết – Giám đốc đầu tiên của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình cho biết, mỗi công trình thủy điện, ngay trong quá trình xây dựng đã xác định được những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó NMTĐ Hòa Bình có 4 chức năng chủ yếu là: Chống lũ, phát điện, chống hạn và đảm bảo giao thông đường thủy.

Nhiệm vụ chống lũ của Thủy điện Hòa Bình được đặt lên hàng đầu. Trước khi có Thủy điện Hòa Bình, đồng bằng Bắc bộ thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa, ảnh hưởng đến hàng chục triệu hộ dân, cũng như sản lượng lương thực phía Bắc. Thủy điện Hòa Bình phải cắt được những trận lũ lớn, đảm bảo cho mực nước sông Hồng ở Hà Nội không vượt quá 13,4 m (mực nước uy hiếp cho hệ thống đê điều của TP. Hà Nội). 

“Không ai bảo rằng, những công trình Thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Lai Châu tạo ra lũ. Những người ở thế hệ chúng tôi đều biết, khi chưa có thủy điện, vào những năm 1945, 1969, 1971, đỉnh lũ lên đến trên 21.000m3/s, khiến toàn bộ các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ ngập lụt, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân”, ông Bùi Thức Khiết nhớ lại.

Nhưng từ khi có Thủy điện Hòa Bình, công trình đã cắt được hàng chục trận lũ lớn. Trong đó điển hình nhất là vào năm 1996, lưu lượng nước lũ về hồ lên tới 22.650 m3/s - lớn nhất từ trước tới nay, nhưng hồ Hòa Bình đã cắt được trên 9.000 m3/s, xả xuống hạ lưu 13.000m3/s. Nhờ vậy, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đã không vượt ngưỡng nguy hiểm. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu năm đó không có hồ Hòa Bình thì mực nước sông Hồng tại Hà Nội có thể đạt 13,46 m, vượt ngưỡng an toàn. Như vậy toàn bộ Thủ đô Hà Nội và đồng bằng Bắc bộ bị đe dọa, có nguy cơ vỡ đê ở vị trí xung yếu. Riêng thị xã Hòa Bình lúc đó chắc chắn sẽ bị ngập trong nước. 

Trong câu chuyện của mình, ông Nguyễn Văn Thành - Nguyên Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, người đã có gần 10 năm làm Chỉ huy Nhà máy và gần nửa đời người gắn bó với thủy điện cho biết, ông cũng đã quá quen với cảnh trắng đêm, căng mình chống bão lũ. Trong ký ức của ông, có những thời khắc đã trở thành định mệnh, bởi chỉ bằng một quyết định trong tích tắc, có thể cứu hoặc nhấm chìm toàn bộ vùng hạ du Thủy điện Hòa Bình.

Ông Thành nhớ lại, vào cuối năm 2007 (*), dù đã bước sang tháng 10, mà vẫn còn có bão lớn, lại đổ bộ trực tiếp vào miền Bắc. Bão lớn kèm theo mưa to kéo dài, cộng với nước hồ Hòa Bình đã tích từ trước làm cho nước trong hồ không ngừng dâng cao, đe dọa an toàn đập và hoạt động của Nhà máy. Vì vậy, ngày 4/10, có 6 cửa xả đáy đã được mở. Điểm quyết định cuối cùng là cửa xả số 7 có được mở hay không sẽ là quyết định mang tính sống còn với Nhà máy hoặc với một phần hạ du gắn liền với sinh mạng hàng ngàn người cùng với tài sản người dân.

Làm thế nào vừa đảm bảo an toàn cho hồ đập cũng như vận hành của Nhà máy, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho hạ du, trong khi đó, hạ du đã có nhiều vùng bị ngập do mưa lớn kéo dài? Câu hỏi đó thực sự là một thách thức buộc người chỉ huy phải bình tĩnh, sáng suốt lựa chọn nhanh phương án. 

Đứng trước một quyết định quan trọng như vậy, mà thời gian không cho phép do dự, ông Thành vừa quyết định cho cán bộ, kỹ sư đi kiểm tra các tổ máy, các công trình đầu mối, vừa theo dõi chặt các bản tin dự báo thời tiết, bản tin cảnh báo lũ, liên tục gọi điện cho các chuyên gia thủy điện giàu kinh nghiệm nhờ tư vấn. 

Có chuyên gia cho rằng: “Phải xả ngay nếu không muốn phá hỏng Nhà máy và gây vỡ đập”, trong khi có chuyên gia khác lại khuyên: “Phải rất thận trọng vì nếu xả trong tình hình này, rất có thể sẽ nhấn chìm cả thành phố Hòa Bình”. Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu bằng mọi giá phải bảo vệ an toàn Nhà máy, hồ chứa cũng như đảm bảo an toàn hạ du, đồng thời vẫn phải đảm bảo đủ nước cho nhiệm vụ phát điện năm sau.

Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, sau khi cân nhắc kỹ, tổng hợp nhiều ý kiến tư vấn, ông Thành đã đưa ra quyết định để đời “không mở cửa xả số 7” để bảo vệ an toàn cho hạ du. “Và đúng như dự đoán, sau đó mưa bắt đầu giảm, nước rút từ từ. Nhà máy được đảm bảo an toàn, đặc biệt là thành phố Hòa Bình không bị ngập nước, hàng ngàn người dân được bảo vệ. Suốt 2 ngày đêm thức trắng gồng mình chống lũ, cuối cùng tôi và hơn 700 cán bộ nhân viên Công ty đã thở phào nhẹ nhõm”, ông Thành nhớ lại. 

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình:

- Sản xuất khoảng 10 tỷ kWh/năm.

- Cung cấp từ 2 - 3,2 tỷ m3 nước/năm phục vụ đổ ải và gieo cấy vụ Đông Xuân cho khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ vào mùa khô, chiếm 65 - 70% tổng lưu lượng xả từ các hồ.

- Đóng góp từ 1.000 - 1.400 tỷ đồng/năm vào ngân sách tỉnh Hòa Bình, chiếm khoảng 50% tổng thu ngân sách của tỉnh.

- Ngày 20/1/2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 99/QĐ-TTg công nhận Nhà máy Thủy điện Hòa Bình là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.


  • 27/09/2017 11:26
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 21675