Theo đó, ngày 15/9, sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc tại khu vực biển gần Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân xuất hiện tình trạng nước màu đỏ, cá chết và sò nổi trên cát, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã chủ trì phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Bình Thuận), Công an huyện Tuy Phong, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường và một số người dân làm nghề lặn tiến hành khảo sát thực tế tại khu vực miệng xả nước làm mát của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4.
Khảo sát thực tế cho thấy nước biển tại khu vực miệng xả của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đục, phạm vi lan tỏa có bán kính khoảng 400 m, không phát hiện nước biển có màu vàng, màu đen và cá tự nhiên chết như phản ánh. Để đánh giá chất lượng nguồn nước tại khu vực, Đoàn kiểm tra đã lấy 3 mẫu nước biển ven bờ để phân tích các thông số môi trường.
Kết quả phân tích nhanh 5 thông số môi trường (pH, oxy hòa tan-DO, tổng chất rắn lơ lửng-TSS, phosphat, sắt-Fe) so sánh với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển ven bờ cho thấy, các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép.
Theo kết quả quan trắc hiện trạng môi trường do Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Thuận thực hiện, nước biển ven bờ tại khu vực Tuy Phong vào quý 3, quý 4 hàng năm, hàm lượng chất rắn lơ lửng (TSS) thường vượt quy chuẩn cho phép.
Ngày 23/9, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận tiếp tục chủ trì phối hợp với Chi cục Thủy sản, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Bình Thuận), Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuy Phong cùng một số hộ dân hành nghề lặn biển của xã Phước Thể, xã Vĩnh Hảo sử dụng hai tàu khảo sát thực tế khu vực vùng biển ven bờ từ xã Phước Thể đến Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.
Qua khảo sát cho thấy, hiện tượng nước biển tầng mặt tại xã Phước Thể hơi đục, tại khu vực xã Vĩnh Hảo và xã Vĩnh Tân đến Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân nước bình thường, không có hiện tượng nước đục, không có cá chết trôi nổi.
Tại thời điểm khảo sát, khu vực nước biển tầng đáy đục, không thể ghi lại hình ảnh dưới đáy biển. Khảo sát các hộ dân nuôi cá lồng bè ở cách Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân khoảng 2-3 km, cá nuôi lòng bè vẫn phát triển bình thường, không có hiện tượng cá chết hàng loạt. Tuy nhiên, các hộ dân phản ánh thỉnh thoảng tại khu vực nước biển có màu đục.
Đoàn công tác đã làm việc trực tiếp với Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân để trích xuất dữ liệu quan trắc tự động các thông số (pH, DO, Cl, nhiệt độ) tại kênh thải nước làm mát của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 từ ngày 10 đến ngày 23/9. Qua kết quả truy xuất số liệu lưu trữ kết quả quan trắc tự động, so sánh với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp cho thấy, các thông số nằm trong giới hạn cho phép.
Việc nước dưới đáy biển bị đục, có bùn lắng là do trong tháng 9/2017 ảnh hưởng của bão số 10, khu vực Vĩnh Tân có mưa lớn, kéo dài làm giảm độ mặn và cuốn theo bùn, cát từ đất liền góp phần làm ảnh hưởng đến đời sống thủy sinh. Hiện tượng cá, sò lờ đờ hoặc chết rải rác ven bờ như phản ánh của các ngư dân là do mưa lớn trong tháng 9 dẫn đến nước biển giảm độ mặn, gia tăng độ đục ảnh hưởng đến đời sống thủy sinh.
Kết quả khảo sát, lấy mẫu đánh giá ban đầu cho thấy nồng độ chất rắn lơ lửng trong nước biển ven bờ tương đối cao, độ pH thấp cũng ảnh hưởng đến đời sống thủy sinh tại khu vực này. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, địa phương của tỉnh Bình Thuận nắm bắt thông tin và theo dõi diễn biến chất lượng môi trường nước biển tại khu vực trên.