'Không phải thủy điện nào cũng có thể chống lũ'

Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê - nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, người gắn bó cả cuộc đời với các công trình thủy điện đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với Tạp chí Điện lực về vai trò chống hạn, xả lũ của các nhà máy thủy điện.

Anh hùng lao động Thái Phụng Nê

PV: Trong suy nghĩ của không ít người, thủy điện nào cũng giống nhau, mục đích là để sản xuất điện năng, quan niệm như vậy có đúng không, thưa ông?

AHLĐ Thái Phụng Nê: Đúng là công trình thủy điện nào cũng có nhiệm vụ, chức năng sản xuất điện, đảm bảo năng lượng cho đất nước, nhưng không phải thủy điện nào cũng chỉ có một chức năng đó. 

Ngoài những công trình thủy điện có chức năng thuần túy là phát điện, chúng ta còn có những nhà máy thủy điện đa mục tiêu, với nhiều chức năng. Với thủy điện đa mục tiêu, nhiệm vụ cấp điện là quan trọng, nhiệm vụ chống lũ là cấp bách và nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân cũng có ý nghĩa rất lớn, không thể thay thế. Ngoài ra, các nhà máy thủy điện đa mục tiêu còn góp phần cải thiện điều kiện giao thông thủy, tạo cảnh quan du lịch và nuôi trồng thủy sản. 

PV: Thưa ông, như vậy việc xác định mục tiêu của công trình thủy điện do chủ đầu tư hay cấp nào quyết định? 

AHLĐ Thái Phụng Nê: Tùy theo quy mô của công trình mà cấp phê duyệt khác nhau. Ví như với những công trình thủy điện quy mô lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên hệ thống sông Hồng như Thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang… thì thẩm quyền phê duyệt là Chính phủ sau khi được Quốc hội thông qua về chủ trương đầu tư. 

Trước đó, việc quy hoạch bậc thang thủy điện trên hệ thống sông này cũng phải trình Quốc hội. Những tranh cãi về phương án Sơn La cao, Sơn La thấp đã xảy ra. Tóm lại, trước khi quyết định xây dựng công trình thủy điện đều có những khảo sát, nghiên cứu, tính toán rất kỹ lưỡng về lợi ích kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng... 

PV: Xin ông cho biết, các công trình thủy điện đa mục tiêu như: Hòa Bình, Sơn La… nhiệm vụ chống lũ được coi trọng tới mức nào?

AHLĐ Thái Phụng Nê: Từ năm 1959, nước ta đã thành lập Ủy ban khai thác và trị thủy sông Hồng do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Duy Trinh làm chủ nhiệm; Bộ trưởng Bộ Thủy lợi là Phó Chủ nhiệm thường trực. Sau khi thành lập Văn phòng Ủy ban sông Hồng, tôi cũng đã từng làm việc ở đó hơn 2 năm. Từ việc thành lập Ủy ban này có thể thấy nhiệm vụ chống lũ cho đồng bằng sông Hồng, trong đó có thủ đô Hà Nội được đặc biệt quan tâm, thậm chí còn được coi là nhiệm vụ số 1.

Chúng ta đề ra mục tiêu, các hồ thủy điện trên hệ thống sông Hồng phải chống được lũ có tần suất 500 năm xảy ra một lần. Đây là yêu cầu rất cao, gần như tuyệt đối, vì thực tế rất khó xuất hiện lũ lớn đến như vậy. Theo số liệu quan trắc, năm 1945, trên sông Hồng đã xuất hiện trận lũ lớn nhất có tần suất hơn 100 năm xảy ra một lần; năm 1996, xuất hiện trận lũ lớn nhất trên sông Đà, có tần suất 150 năm xảy ra một lần. 

Cũng theo tính toán, nếu trên sông Đà chỉ xây dựng hồ Hòa Bình thì chỉ chống được lũ có tần suất 125 năm, có thêm hồ Sơn La sẽ chống được lũ tần suất 300 năm và khi chúng ta xây dựng hồ thủy điện trên sông Gâm, sông Chảy thì mục tiêu chống lũ có tần suất 500 năm sẽ đạt được. 

Đó là kết quả của nhiều phương án với hàng trăm tổ hợp phức tạp. Thực tế, sau khi các hồ thủy điện trên hệ thống sông Hồng được xây dựng, cùng với nhiệm vụ cấp điện, chức năng chống lũ, giảm lũ của thủy điện đã được chứng minh rõ rệt; các hồ này cũng khẳng định vai trò đặc biệt trong việc cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.  

PV: Thực tế trong nhiều năm qua, các thủy điện ở phía Bắc đã làm tốt nhiệm vụ phòng chống lũ, vậy sao các công trình thủy điện ở miền Trung, miền Nam lại ít khi được nhắc đến vai trò này, thưa ông?  

AHLĐ Thái Phụng Nê: Như tôi đã nói, không phải thủy điện nào cũng có chức năng chống lũ. Muốn cắt lũ, giảm lũ, dung tích hồ phải lớn. Ở phía Bắc, chúng ta vừa có các con sông lớn như sông Đà, sông Gâm, sông Chảy, lại vừa có địa hình rất phù hợp để tạo ra các đập cao hàng trăm mét. Khi dung tích hồ lớn thì khả năng phòng chống lũ cũng cao. 

Ở miền Trung, sông nhỏ và ngắn, không có địa hình phù hợp để xây dựng các hồ chứa lớn như các hồ thủy điện miền Bắc. Giả thiết, nếu chúng ta “cứ cố” xây dựng đập thủy điện lớn ở miền Trung thì cần phải xây đập rất cao, vùng gây ngập sẽ rất nhiều, thiệt hại sẽ lớn hơn lợi ích. 

Cũng như vậy với miền Nam, sông Mê kông đổ vào nước ta cũng khá lớn, nhưng không thể xây đập thủy điện vì đó là hạ lưu của sông. Như vậy có thể hiểu, không thể xây dựng thủy điện lớn khi không có hồ chứa lớn. Không có hồ chứa lớn thì rất khó cắt lũ, vì vậy các thủy điện ở khu vực miền Trung, miền Nam không thể đảm đương vai trò cắt lũ như các thủy điện lớn phía Bắc, có chăng chỉ có thể làm giảm lũ, chậm lũ. 

PV: Thưa ông, khi lượng nước về hồ lớn, để bảo vệ đập, các thủy điện sẽ phải tiến hành điều tiết, xả lũ. Vậy việc quyết định xả hay không xả do ai quyết định và phải tuân theo nguyên tắc như thế nào?  

AHLĐ Thái Phụng Nê: Để tránh nguy cơ vỡ đập, hồ đầy thì phải xả nước. Đó là nguyên tắc đã được tính toán xây dựng trong quy trình vận hành hồ chứa từ trước đó, chứ không phải đến khi lũ về mới tính. 

Nhiều người vẫn nghĩ, nhà máy thủy điện tự quyết định xả lũ, nhưng thực ra quyền xả lũ không thuộc về chủ đầu tư hay chủ hồ. Khi nào xả, xả bao nhiêu được thực hiện theo Quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ quyết định và do Chủ tịch UBND địa phương được quy định trong Quy trình hoặc Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai Trung ương điều hành, ra lệnh, tùy theo quy mô công trình thủy điện lớn hay nhỏ. Như vậy, chủ hồ không được tự quyết định xả lũ hay không. 

PV: Có ý kiến cho rằng, trước mùa mưa, các hồ thủy điện nên tháo kiệt để tăng khả năng chống lũ, ông nghĩ sao về việc này? 

AHLĐ Thái Phụng Nê: Nếu tháo kiệt mà không có mưa thì sao? Chúng ta thử hình dung, trước mùa mưa thủy điện Hòa Bình được tháo kiệt trơ đáy, nhưng qua mùa mưa mà hồ vẫn cạn thì nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân vùng hạ du, trong đó có thủ đô Hà Nội sẽ không bảo đảm được. Hậu quả sẽ vô cùng lớn. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm? 

Thực tế, với hồ thủy điện nhỏ thì dẫu có tháo kiệt cũng chẳng giúp chống lũ được là bao. Vì vậy, mọi quyết định chúng ta đều cần tính toán, cân nhắc rất kỹ. Giữ nước hay xả nước đều được tính toán khách quan, khoa học, vì lợi ích chung của cộng đồng chứ không dựa trên cảm tính, quyết định thiếu thận trọng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê:

- Nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng; 

- Phái viên của Thủ tướng Chính phủ; 

- Phó trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Thủy điện Sơn La - Lai Châu. 

- Đã được Đảng, Nhà nước trao tặng: Danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Hồ Chí Minh... 

- Năm 2013, ông Thái Phụng Nê được trao Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh cấp bậc Hiệp sỹ - Huân chương cao quý nhất của Cộng hòa Pháp. 


  • 21/09/2017 11:08
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 10983