Chuyện đưa điện lưới về làng Anh hùng Núp

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc. Một trong những yếu tố then chốt làm nên sự “thay da đổi thịt” trên quê hương Anh hùng Núp chính là quyết tâm đưa điện lưới quốc gia đến với Stơr từ năm 1996 của UBND tỉnh Gia Lai.

Trong quá trình tìm hiểu câu chuyện đưa “ánh sáng văn minh” đến với quê hương Anh hùng Núp, chúng tôi may mắn gặp ông Nguyễn Quang Hiền, nguyên Phó Giám đốc Điện lực Gia Lai, người đã tham dự lễ khánh thành lưới điện Tơ Tung. Ông Hiền cũng là “kho tư liệu sống” về lịch sử, văn hóa vùng đất Gia Lai mà chúng tôi thường tìm đến xin thông tin và hình ảnh tư liệu.

Sinh thời, Anh hùng Núp được Nhà nước quan tâm đưa ra miền Bắc học tập và được đi tham quan nhiều nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Vậy nên, ông hiểu rõ ánh sáng văn minh và sự cần thiết của điện lưới đối với sự phát triển kinh tế-xã hội trên quê hương. Khi quê hương giải phóng, bok Núp mong mỏi được nhìn thấy ánh điện tỏa sáng trong ngôi làng của mình.

Nghỉ hưu, ông không ở Pleiku mà trở về quê hương sinh sống trong ngôi nhà cũ bên bờ suối Tơ Tung. Năm 1994, bok Núp ốm nặng. Ông được Đảng và Nhà nước đưa ra Bệnh viện Quân y 108 để chữa trị. Sau khi bệnh tình thuyên giảm, ông trở lại Pleiku để dưỡng bệnh. Thời gian sau này, sức khỏe ông giảm sút rõ rệt, thường xuyên bị cao huyết áp, phải chuyển vào điều trị nội trú tại Khoa Nội 4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Lễ khánh thành lưới điện xã Tơ Tung đưa điện về quê hương Anh hùng Núp (ảnh ông Nguyễn Quang Hiền cung cấp).

Khi các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến thăm, ông vẫn không quên đề nghị UBND tỉnh quan tâm xây dựng lưới điện trên quê hương mình. Thực hiện nguyện vọng của Anh hùng Núp, ông Nguyễn Vĩ Hà (Chủ tịch UBND tỉnh lúc bấy giờ) đã ký quyết định đầu tư kinh phí, thực hiện Dự án xây dựng lưới điện tại xã Tơ Tung, huyện Kbang. Công ty Xây lắp điện Tuy Phước (Bình Định) đã trúng thầu. Đầu tháng 7/1996, công trình lưới điện xã Tơ Tung được triển khai thực hiện với tổng kinh phí đầu tư 1,7 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: lắp đặt đường dây 22 kV, đường dây 0,4 kV và các trạm biến áp phụ tải.

Ông Hiền kể: Tháng 7/1996, do ảnh hưởng bởi cơn bão số 6, trời Tây Nguyên mưa như trút nước, đường vào Tơ Tung ngập trong bùn đất, xe cộ đi lại rất khó khăn, nhưng công nhân vẫn miệt mài làm việc. Sau 3 tháng thi công, ngày 21/10/1996, công trình hoàn thành, tiến hành nghiệm thu đưa vào sử dụng. Điện lưới quốc gia chính thức được đưa về vùng quê giàu truyền thống cách mạng này. Hôm diễn ra lễ khánh thành công trình, chúng tôi cùng với vợ chồng bok Núp về dự và chung vui cùng dân làng Stơr.

Ngày đó, chưa có đường Trường Sơn Đông trải nhựa phẳng lì như bây giờ, từ quốc lộ 19 đi vào Tơ Tung là con đường lởm chởm đá hộc. Trên đường đi, mọi người trong đoàn đều lo cho sức khỏe của bok Núp. Khi đoàn xe đi đến đoạn đường lầy lội dẫn vào làng, chiếc xe Mitsubishi của tỉnh chở bok Núp bị sa lầy không đi được, các anh trong đoàn phải chuyển vợ chồng bok Núp sang xe U oát để di chuyển tiếp.

Sau một thời gian ì ạch bò trên đường, chiếc U oát cũng đến được làng Stơr. Sự hiện diện của bok Núp làm cho buổi lễ khánh thành công trình càng thêm long trọng và ý nghĩa. Bok Núp ngồi đó, không nói gì, nhưng với ánh mắt vui mừng nhìn lên lưới điện rồi lại nhìn dân làng, như muốn nói với bà con rằng ông đã hoàn thành tâm nguyện của mình với quê hương. Buổi lễ kết thúc, bà con dân làng vây quanh vợ chồng bok Núp hỏi thăm sức khỏe, kể chuyện làng và uống rượu cần. Bok Núp cùng dân làng uống rượu. Nhiều người đã bật khóc.

Đối với xã Tơ Tung nói chung, làng Stơr nói riêng, công trình điện thắp sáng được kéo về làng là một sự kiện trọng đại. Thực tế đã cho thấy, sau gần 30 năm có điện lưới, cùng với công cuộc xây dựng nông thôn mới, Tơ Tung như khoác lên mình một tấm áo mới. Làng kháng chiến Stơr đã bừng sáng, thu hút du khách trên mọi miền đất nước về tìm hiểu vùng đất và con người nơi đây, đặc biệt là tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Anh hùng Núp.

Link gốc 


  • 10/11/2024 08:41
  • Theo baogialai.com.vn
  • 255