Chuyên gia WB: Giá điện thấp, Việt Nam thuộc top tiêu thụ nhiều điện nhất Đông Á

Ông Franz Gerner - Trưởng nhóm Năng lượng (Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam – WB) cho rằng giá điện tại Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Indonesia...

Ngày 1/12, Bộ Công Thương đã quyết định điều chỉnh giá điện bình quân tăng 6,08%, từ mức 1.622 đồng/kWh lên 1.720 đồng/kWh. Đây là lần tăng giá điện duy nhất trong 3 năm trở lại đây.

Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Franz Gerner, Trưởng nhóm Năng lượng (Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam – WB) về vấn đề này.

PV: Ông đánh giá như thế nào về quyết định gần đây của Bộ Công Thương về tăng giá điện thêm 6,08%?

Ông Franz Gerner: Vấn đề chính mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang phải đối mặt hiện nay là không thể nâng giá điện tiêu dùng theo mức tăng chi phí.

Hiện EVN đang hoạt động với chi phí thấp nhưng giá bán điện thấp đã làm cho tình hình tài chính của doanh nghiệp không khả quan. Giá điện đã bị đóng băng kể từ 2015 ở mức 0,076 USD/kWh, trong khi tổng giá thành là 0,113 USD/kWh năm 2017.

Do vậy, đợt tăng giá này sẽ giúp đưa giá điện về gần hơn với mức phản ánh đầy đủ chi phí sản xuất mà mọi người sử dụng đều có thể chi trả được và đồng thời bảo vệ được người tiêu dùng thu nhập thấp thông qua mạng lưới an sinh sẵn có.

PV: Ông có cho rằng lộ trình tăng giá điện hiện nay là phù hợp không? Giá điện hiện nay cao hay thấp? Việt Nam so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới thì như thế nào? 

Ông Franz Gerner: Giá điện hiện nay thấp hơn mức giá mà EVN phải bỏ ra để mua điện từ các nguồn trong tương lai, kể cả năng lượng tái tạo và nhiệt điện. Nhu cầu đầu tư sản xuất điện tăng nhanh nhằm đáp ứng tốc độ tăng cầu về điện. Muốn thỏa mãn nhu cầu đó thì giá điện phải lên tới mức 0,143 USD/kWh vào năm 2021.

Mỗi nước đều có tiềm năng về năng lượng và giá thành sản xuất điện khác nhau. Trong trường hợp Việt Nam, lượng điện có thể sản xuất từ các nguồn rẻ tiền như thủy điện, than, khí đã bị khai thác tới hạn; tất cả sản lượng điện sản xuất mới từ than nhập khẩu và trữ lượng khí trong nước đều sẽ có giá thành cao hơn.

Tuy mức giá thành khác nhau như vậy nhưng giá điện sinh hoạt, giá điện kinh doanh và giá điện công nghiệp bán ra tại Việt Nam hiện nay tương đối thấp so với các nước có cùng trình độ phát triển (GDP/người) trong khu vực và trên thế giới. Ví dụ, giá điện tại Campuchia, Lào, Philippines và Indonesia lần lượt là 19 US cent/kWh, 9 US cent/kWh, 14,6 US cent/kWh, và 7,3 US cent/kWh.

PV: Lượng điện tiêu thụ tại Việt Nam dự báo tăng với mức 2 con số trong giai đoạn 2016-2020. Vậy mỗi năm Việt Nam cần đầu tư bao nhiêu vào các dự án sản xuất điện mới? Mức giá hiện nay có hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài không?

Ông Franz Gerner: Do kinh tế phát triển nhanh nên nhu cầu về điện tại Việt Nam tăng nhanh, khoảng 8%/năm từ nay cho tới năm 2020. Với tốc độ đó, tổng vốn đầu tư cần thiết sẽ vào khoảng 12,8 tỉ USD (11 tỷ USD đầu tư vào sản xuất điện và 1,8 tỷ USD đầu tư vào truyền tải và phân phối điện) trong khoảng thời gian 2016-2020. 

Mô hình cấp vốn ngành Điện trước đây của Việt Nam dựa chủ yếu vào đầu tư công nhưng hiện nay sẽ không khả thi nữa do chính phủ sẽ không tiếp tục bảo lãnh cho EVN đi vay vốn từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính quốc tế.

Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ nhiều điện nhất khu vực Đông Á Thái Bình Dương; do vậy tăng cường tiết kiệm sử dụng điện là cách rẻ tiền nhất để tránh phải nâng cao công suất phát điện trong tình hình nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Trong tình hình này, Ngân hàng Thế giới có một gói hỗ trợ tổng thể về tài chính và kỹ thuật huớng tới tăng cường tiết kiệm sử dụng điện trong các nhà máy.

PV: Theo Bộ Công Thương, đợt tăng giá này sẽ làm CPI tăng 0,08% trong năm 2017, 0,1% năm 2018 và giảm mức tăng GDP 0,166%. Ông có ý kiến gì về điều này?

Ông Franz Gerner: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tác động của tăng giá điện lên tỉ lệ lạm phát là khá thấp, nhất là khi áp dụng tăng giá từ từ. Đợt tăng giá này có thể làm cho giá cả tăng mạnh hơn xu thế lạm phát thông thường nhưng tác động chỉ mang tính nhất thời và không đáng kể. 

Nguyên nhân là chi tiền điện chỉ chiếm 2,5% giỏ hàng tiêu dùng mặc dù tác động đó có thể còn lan truyền đôi chút sang các loại hàng hóa và dịch vụ  khác có tiêu thụ điện trong sản xuất. Hiện nay lạm phát khá thấp. Đây chính là điều kiện thuận lợi để tăng giá điện.

Về tăng trưởng GDP thì có hai hiệu ứng trái ngược. Một mặt giá điện tăng sẽ giúp các công ty sản xuất điện cải thiện tình hình tài chính. Nhờ vậy chính phủ cũng có thể cắt giảm hỗ trợ cho các doanh nghiệp này, và vẫn có thể đầu tư vào nâng cao năng lực sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Điều đó tất nhiên sẽ góp phần thúc đẩy tăng GDP. Nhưng mặt khác, giá điện tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất, nhất là những ngành tiêu thụ nhiều điện năng, ví dụ ngành công nghiệp chế tạo và một bộ phận nông nghiệp.

Các ngành này sẽ chịu một số tác động ngắn hạn, nhưng về lâu dài tăng giá điện sẽ buộc các khách hàng điều chỉnh các sử dụng điện của mình. Họ sẽ chuyển sang sử dụng điện lệch giờ cao điểm để được hưởng giá thấp hơn hay áp dụng các biện pháp tăng cường tiết kiệm điện. Như vậy sẽ góp phần tăng năng suất lao động. 

Kinh nghiệm chung trên thế giới là quy định mức giá phản ánh đúng chi phí và hợp lý chính là chính sách kinh tế đúng đắn. Qua đó sẽ đảm bảo rằng cả nhà sản xuất và người tiêu dùng đều hướng tới tiết kiệm năng lượng và đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng hơn.

PV: Chính phủ đã khẳng định cần tăng giá điện theo giá đầu vào, trong khi đó thì giá một số vật tư đầu vào vẫn bị quản lý chứ không theo giá thị trường. Cần làm gì để tránh mua than đắt chỉ với mục đích cứu ngành than? Như vậy có công bằng với ngành Điện không?

Ông Franz Gerner: Trước đây Việt Nam đã phát triển thành công các nguồn sản xuất điện bằng than, khí và thủy điện với giá thành thấp. Nhưng nay do cầu về điện tăng nên các nguồn trong nước không đủ đáp ứng nữa. Ngoài ra, các nguồn mới như than và điện nhập từ Lào và Trung Quốc và các nguồn trong nước như các mỏ khí mới, điện gió, điện mặt trời đều có giá thành cao hơn trước đây.

Vì vậy giá thành sản xuất điện, và giá bán lẻ sẽ phải tăng thì mới đảm bảo phát triển ngành Điện bền vững và cấp điện ổn định.

Hiện nay, điện gió và điện mặt trời đang phát triển tại Việt Nam với giá thành ngày càng hạ, vì vậy các công nghệ này, cùng với chi phí tích điện ngày càng hạ, sẽ cạnh tranh được với các nguồn truyền thống như than và thuỷ điện và có thể cấp được công suất tải tối thiểu. Ngoài ra, Việt Nam cần giảm sự phụ thuộc vào than đá thì mới có thể hoàn thành cam kết NDC (đóng góp quốc gia) về thúc đẩy năng lượng thay thế.

PV: Giá điện, khí, xăng đều tăng trong thời gian gần đây. Ông có cho rằng các doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam có thể theo kịp hàng loạt sự tăng giá như vậy không?

Ông Franz Gerner: Chính phủ tăng giá điện là thể hiện điều kiện trên thị trường và làm như vậy sẽ có tác dụng làm tăng hiệu quả phân bổ nguồn lực mà thôi; đồng thời, khi trả mức giá đó người tiêu dùng cũng sẽ tìm cách tối ưu hóa cung cách tiêu dùng của mình và sẽ hưởng lợi từ đó. 

Nhiều nền kinh tế mới nổi đã trải qua các thời kỳ tương tự trong quá trình phát triển kinh tế (tỉ lệ GDP/người tăng) của mình, và họ cũng có các mạng lưới an sinh nhằm bảo vệ các nhóm thu nhập thấp trước các cú sốc tăng giá. Hiện nay thì Việt Nam đã có các mạng lưới như vậy và chúng hoạt động rất hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông! 


  • 14/12/2017 10:39
  • Theo vneconomy.vn
  • 9687