Minh bạch và công khai
Trả lời câu hỏi của cộng đồng doanh nghiệp về vấn đề minh bạch trong sản xuất kinh doanh điện năng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Về vấn đề công khai, minh bạch trong xây dựng giá điện theo giá thị trường và cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2009 - 2012 thực hiện đúng quy định tại Luật Điện lực năm 2004, Bộ Công Thương cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán điện, cơ cấu biểu giá, quy định về kiểm tra và công khai giá thành sản xuất kinh doanh điện hàng năm...
Ngoài việc ban hành các văn bản hướng dẫn, Bộ Công Thương cũng thành lập Tổ công tác kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2010, năm 2011 và năm 2012 của EVN và một số đơn vị thành viên. Căn cứ vào kết quả kiểm tra của Tổ công tác, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo, công bố công khai, minh bạch các nội dung về giá thành sãn xuất kinh doanh điện năm 2010, 2011, 2012 của EVN.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh trao đổi với các doanh nghiệp bên lề Hội nghị
|
Từ ngày 1/7/2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực có hiệu lực thi hành, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng mới, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về điều tiết giá điện và vận hành thị trường điện nhằm tiếp tục nâng cao tính công khai minh bạch trong hoạt động kinh doanh điện.
Một trong những động thái mới đây nhất đó là ngày 22/4/2014, ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT về việc tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu. Theo đó, đối với lĩnh vực điện, EVN cũng như các đơn vị có liên quan, phải khẩn trương công khai, minh bạch các hoạt động sản xuất kinh doanh điện, nhất là về giá bán điện, các yếu tố hình thành giá, các cơ chế liên quan đến điều hành giá bán điện…
Tháo gỡ khó khăn cho thủy điện nhỏ
Về kiến nghị của đại diện Hiệp hội doanh nghiệp xem xét, điều chỉnh việc tính thời gian mùa mưa, mùa khô, đối với các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Lào Cai được hưởng 3 tháng mùa mưa và 9 tháng mùa khô như các nhà máy có công suất trên 30MW (hiện các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đang phải chịu 4 tháng mùa mưa và 8 tháng mùa khô).
Bộ Công Thương cho hay, tại Quyết định số 18/2008/QĐ-BCT ngày 18/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương đã quy định về biểu giá chi phí tránh được cho các nhà máy điện nhỏ sử dụng năng lượng tái tạo, mùa mưa được tính từ ngày 1/7 đến ngày 31/10, mùa khô được tính từ ngày 1/11 đến ngày 30/6 năm sau. Như vậy, các nhà máy thủy điện nhỏ được áp dụng tính 4 tháng mùa mưa và 8 tháng mùa khô.
Tiếp đó, ngày 13/6/2012, tại văn bản số 5079/BCT-ĐTĐL của Cục Điều tiết Điện lực đã hướng dẫn chi tiết việc áp dụng từ ngày 1/6 năm 2012 đối với các dự án thủy điện nhỏ. Theo đó, trong khoảng thời gian từ 4h00 đến 22h00 các ngày thứ Hai đến thứ Bảy của mùa khô thì cho phép áp dụng giá giờ cao điểm mùa khô theo Biểu giá chi phí tránh được đối với các đơn vị thủy điện nhỏ trên toàn quốc theo nguyên tắc đảm bảo tối đa 5 giờ được áp dụng mức giá này, các giờ còn lại được tính theo giá giờ bình thường...
Bên cạnh đó, các đơn vị của EVN đã tăng cường giám sát, lập kế hoạch mua điện từ Trung Quốc trên cơ sở tối ưu hóa chi phí đồng thời tận dụng tối đa sản lượng điện mua từ các nhà máy thủy điện nhỏ ở khu vực phía Bắc. Về lưới điện truyền tải đã được EVN NPC và EVN NPT đẩy nhanh tiến độ xây dựng đưa vào vận hành các công trình lưới điện từ 110 kV đến 220kV để đảm bảo tiếp nhận lượng điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ trong khu vực nối với lưới điện phía Trung Quốc cấp về hệ thống điện Việt Nam.