Công trường Thủy điện Lai Châu ngăn sông đợt 2

Sau hơn 1 tiếng bay từ Hà Nội đến Điện Biên, đi tiếp khoảng 150 km bằng ô tô, chúng tôi đã đến công trường Thuỷ điện Lai Châu, bậc thang thủy điện trên cùng của sông Đà hùng vĩ tại xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, do Tập đoàn Điện lực Viêt Nam làm chủ đầu tư đang trong giai đoạn khẩn trương thi công.

Tham gia Đoàn công tác gồm các cán bộ của Vụ Kinh tế xây dựng, Viện Kinh tế (Bộ Xây Dựng); Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương); Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1, Tổng công ty Xây dựng Sông Đà - những người mới ngày nào còn cùng nhau nghiên cứu, thẩm định dự án đầu tư, thiết kế, tổng dự toán công trình Thủy điện Lai Châu, nay đều hết sức ngỡ ngàng trước quy mô hoành tráng của công trình thủy điện lớn đang từng bước hình thành trên vùng Tây Bắc Tổ quốc.

Thật may mắn, chuyến công tác này chúng tôi được tận mắt chứng kiến không khí thi đua lao động sôi nổi trên khắp công trường cho đợt ngăn sông thứ 2. Đây là mốc quan trọng của Công trình, chuyển dòng chảy Sông Đà từ kênh qua cống dẫn dòng để thi công đập dâng vai phải, làm tiền đề cho đóng cống, tích nước dự kiến vào tháng 6/2015, phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm 2015 sớm hơn một năm so với tiến độ được duyệt.

Trao đổi với anh em thi công trên công trường, tôi được biết, khó khăn lớn nhất của việc ngăn sông lần này là phải đắp lăng trụ đất đá trong mùa tích nước hồ Thuỷ điện Sơn La với chiều sâu khoảng 15m, dòng chảy thu hẹp, lưu tốc lớn. Đặc biệt là công tác chống thấm sau đắp đảm bảo cho các công việc khoan phun gia cố vai phải, khoan phun chống thấm và thi công bê tông RCC đập dâng phần vai phải với khối lượng khoảng trên 550.000 m3.

Đến thời điểm này, với bàn tay và khối óc của những người thợ từng trải, giàu kinh nghiệm từ các tổng công ty lớn như Sông Đà, Trường Sơn, Licogi, Lilama… cộng với  sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ban QLDA NMTĐ Sơn La và các đơn vị Tư vấn giám sát, công trình đã hoàn thành đào đắp trên 15 triệu m3 đất đá, đổ bê tông trên 2,2 triệu m3 (đạt 75% khối lượng), khoan phun chống thấm nền, vai đập trên 62.000 m (60% khối lượng), lắp đặt hoàn thành 10.000/33.000 tấn thiết bị các loại. Dự án  đang vượt tiến độ khoảng 3 tháng.

Xe thi công đổ đất đá chặn dòng

Có được những thành tích như trên trong khoảng thời gian không dài là sự nỗ lực lao động quên mình của tập thể những người thợ xây dựng Điện Việt Nam. Thật xúc động khi gặp bác Thái Phụng Nê, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực thủy công, cánh chim đầu đàn trong ngành thủy Điện Việt Nam. Mặc dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng hàng ngày vẫn thường trực trên công trường, không trực tiếp điều hành chỉ đạo như ngày xưa, nhưng với kinh nghiệm, tâm huyết với nghề, Bác Nê là chỗ dựa vững chắc cả chuyên môn và  tinh thần cho lớp trẻ.

Đối với Tổng thầu xây dựng, xác định rõ đây là mốc tiến độ quan trọng, có nhiều khó khăn và tiềm ẩn những rủi ro chưa thể lường trước, vì thế, những ngày này Tổng công ty Xây dựng Sông Đà đã điều động PTGĐ Nguyễn Kim Tới - người đã có rất nhiều kinh nghiệm trong xây dựng thuỷ điện đang điều hành dự án bên nước bạn Lào về tăng cường cho công tác đắp đê quai, chặn dòng đợt 2. Nhìn những người thợ Sông Đà trực tiếp vận hành đổ từng xe đá lấn dòng với ánh mắt suy tư, kinh nghiệm dõi theo dòng chảy, chúng tôi thêm vững tin vào ngày ngăn sông thành công.   

Sau đợt ngăn sông thành công, sẽ còn bộn bề công việc như, xử lý chống thấm đê quây để khoan phun chống thấm lòng, mái  kênh, chuẩn bị đổ bê tông RCC đoạn lòng kênh và vai phải đập đến cao trình thiết kế, hoàn thành thi công tràn xả mặt, lắp đặt thiết bị các tổ máy v.v...

Nhìn ánh lửa hàn vẫn bừng sáng trong đêm trên công trường rộn ràng tiếng máy, bất giác tôi nhớ đến những ánh pháo hoa đang rực cháy trên bầu trời Thủ đô nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng. Chỉ một năm nữa thôi, năng lượng từ ánh đèn hàn đêm nay sẽ hoà vào lưới điện quốc gia, đến với mọi miền của Tổ Quốc.


  • 21/10/2014 04:32
  • Lê Minh Tuấn
  • 3373


Gửi nhận xét