Công ty CP Dịch vụ Sửa chữa Nhiệt điện miền Bắc (NPS): Rộng mở tiềm năng phát triển

Sự ra đời của NPS xuất phát từ chủ trương của Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) về việc chuyển đổi mô hình sửa chữa phân tán nhỏ lẻ từng nhà máy sang tập trung nguồn lực, chuyên môn hóa trong lĩnh vực sửa chữa thiết bị, phù hợp với quy mô phát triển nguồn nhiệt điện, đồng thời mở ra tiềm năng phát triển cho loại hình dịch vụ kỹ thuật đặc thù này.

Sau gần 8 năm nghiên cứu, khảo sát ở trong và ngoài nước, đến tháng 4/2007, HĐQT Tập đoàn Điện lực VIệt Nam đã có Nghị quyết phê duyệt Đề án Thành lập Công ty CP Dịch vụ Sửa chữa Nhiệt điện miền Bắc. Ngày 29/6/2007, Đại hội đồng cổ đông thành lập NPS được tổ chức với 9 cổ đông sáng lập (EVN góp vốn 35%) và vốn điều lệ là 50 tỷ đồng. Ngày 17/7/2007, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cấp giấy phép kinh doanh cho Công ty, đặt mốc chính thức cho sự ra đời của NPS.

Khó khăn ngày khởi nghiệp

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hằng – Tổng giám đốc NPS cho biết: Yếu tố thuận lợi cơ bản khi Công ty đi vào hoạt động, trước hết là tập hợp được một đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề, có kinh nghiệm trên 20 năm về bảo trì, sửa chữa thiết bị nhà máy nhiệt điện từ Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại chuyển sang, trong đó có trên 200 thợ lành nghề bậc cao và gần 100 kỹ sư với các chuyên ngành khác nhau. Đồng thời là sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại - đơn vị tiền thân khai sinh ra Công ty, về cơ sở vật chất, kỹ thuật và nguồn việc ban đầu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít khó khăn, thách thức. Đó là đơn vị vừa phải hoàn thiện cơ cấu tổ chức, vừa phải sản xuất, thâm nhập thị trường, đảm bảo công ăn việc làm cho trên 700 CBCNV. Mặc dù tiềm năng phát triển cho dịch vụ bảo trì, sửa chữa các nhà máy nhiệt điện khá rộng mở vì theo Quy hoạch điện VI, công suất nguồn nhiệt điện than chiếm tỷ lệ rất lớn trong cơ cấu nguồn điện, nhưng vào thời điểm mới “chào đời” của NPS, đa số các nhà máy nhiệt điện này mới đang trong giai đoạn đầu tư hoặc đang vận hành thử nghiệm nên thị trường ban đầu còn hạn hẹp.

Ngoài ra, trong những ngày khởi nghiệp, cơ sở vật chất kỹ thuật của Công ty còn thiếu thốn, trụ sở làm việc, nhà xưởng còn phải thuê, mượn. Đội ngũ quản lý tuy có kinh nghiệm, nhưng do thuyên chuyển từ môi trường quản lý theo cơ chế bao cấp, sang doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, nên còn phải mất thời gian nhất định để thích nghi với cơ chế mới. Đó là chưa kể sự ảnh hưởng của khủng hoảng tiền tệ và suy thoái kinh tế thế giới cũng tác động một phần tới hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị… Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng sẵn có, trong 2 năm qua, Công ty đã nỗ lực đảm bảo sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bước đầu xây dựng được niềm tin đối với khách hàng.

Khẳng định hướng đi đúng

Chỉ trong thời gian 2 năm, NPS đã khẳng định sự nỗ lực vượt bậc cũng như tầm nhìn chiến lược của mình thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh sôi động, tạo dựng các mối quan hệ, liên kết chặt chẽ với các đối tác trong và ngoài nước - nền móng vững vàng cho sự phát triển bền vững, dài lâu. Công ty đã bám sát công tác bảo trì, sửa chữa 2 dây chuyền của Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại, đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt, tiến độ nhanh; tổ chức xây lắp hệ thống công nghệ cấp nguyên liệu cho dây chuyền sản xuất tro bay Sơn La tại Phả Lại; khắc phục kịp thời sự cố cho Nhiệt điện Cao Ngạn; chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng tiếp cận, cung cấp dịch vụ bảo trì, sửa chữa cho các tổ máy 300 MW mới thuộc EVN như Quảng Ninh, Hải Phòng và Nhiệt điện Cẩm Phả, Sơn Động thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV)...

Đội ngũ cán bộ kỹ sư của Công ty đang sửa chữa phục hồi thiết bị nhà máy điện

Năm 2009, Công ty đang cung cấp dịch vụ xây lắp điện, điều khiển cho Nhà máy Xi măng Hạ Long; hoàn thành việc thành lập xí nghiệp dịch vụ sửa chữa nhiệt điện tại Uông Bí với đội ngũ khoảng 100 CBCNV, sẵn sàng đảm nhận công tác bảo trì, sửa chữa ngay sau khi nhà thầu bàn giao Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí Mở rộng (300 MW) cho EVN…

Bên cạnh đó, Công ty đã đẩy mạnh hợp tác liên danh, liên kết với nhiều đối tác trong và ngoài nước, như: Công ty Cơ khí Hà Nội (HAMECO) để xây dựng tổ hợp liên danh NPS-HAPECO chế tạo, phục hồi các chi tiết, thiết bị cơ - nhiệt - điện phục vụ công tác bảo trì, sửa chữa, thay thế thiết bị cho nhà máy nhiệt điện, giảm tối đa phụ thuộc nước ngoài; hợp tác với Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Điện lực Dầu khí (PVN) về tham gia dịch vụ kỹ thuật bảo trì, sửa chữa. Đối với đối tác nước ngoài, Công ty đã thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Năng lượng Power Machines (Nga), Tập đoàn Hitachi (Nhật Bản), Công ty Chế tạo van Fang Chung Thiết Linh (Trung Quốc) về cung cấp dịch vụ và thiết bị bảo trì, thay thế cho nhà máy nhiệt điện...

2 năm kể từ khi thành lập, Công ty đã và đang từng bước khẳng định vị trí, thương hiệu NPS trên thị trường dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa các nhà máy điện và đặc biệt là khẳng định được sự đúng đắn, sáng suốt của EVN, cũng như xu thế phát triển tất yếu của việc xây dựng mô hình bảo trì, sửa chữa tập trung, chuyên môn hóa các nhà máy nhiệt điện ở nước ta.

Mục tiêu phát triển bền vững

Với mục tiêu phấn đấu mức doanh thu năm sau cao hơn năm trước, phát triển bền vững, Công ty xác định chiến lược phát triển là: Giữ vững thị trường dịch vụ kỹ thuật bảo trì, sửa chữa truyền thống trong và ngoài ngành, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo tiến độ, tiết kiệm chi phí và mức giá dịch vụ hợp lý, cạnh tranh; chuẩn bị tốt nguồn lực tiếp cận các nguồn nhiệt điện mới đi vào vận hành của EVN. Đồng thời, nghiên cứu mở rộng thị trường tới các nhà máy nhiệt điện than thuộc TKV, PVN tại khu vực phía Bắc; đẩy mạnh liên danh, liên kết, hợp tác trong và ngoài nước ở nhiều lĩnh vực dịch vụ khác nhau nhằm mở rộng thị phần và tăng sức cạnh tranh. Công ty cũng xác định cần chú trọng đầu tư phát triển sản xuất, góp vốn đầu tư, cân đối tăng vốn điều lệ trong từng thời kỳ với phương châm tranh thủ thời cơ, đảm bảo bảo toàn nguồn vốn, hạn chế tối đa rủi ro.

Để có thể thực hiện chiến lược đó, ngoài sự phát huy nội lực, Công ty rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện hơn nữa của EVN và sự hợp tác chặt chẽ, thường xuyên của các nhà máy điện trong và ngoài ngành. Công ty cam kết cung cấp dịch vụ cho các nhà máy điện với chất lượng hàng đầu, mọi lúc, mọi nơi, góp phần quan trọng đảm bảo các tổ máy nhiệt điện vận hành an toàn, ổn định, kinh tế.

 

Công ty CP Dịch vụ Sửa chữa Nhiệt điện miền Bắc

Vốn điều lệ:  50  tỷ đồng, tương ứng 5 triệu cổ phần.

Lĩnh vực kinh doanh:

1.     Sửa chữa, bảo dưỡng, thí nghiệm hiệu chỉnh các thiết bị nhà máy điện và các thiết bị công nghiệp khác tương đương;

2.     Lắp đặt chuyển giao công nghệ thiết bị nhiệt, thiết bị điện;

3.     Tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng, tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát thi công xây lắp các công trình của nhà máy điện;

4.     Mua bán vật tư, thiết bị phục vụ cho sản xuất công nghiệp.

5.     Sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; sản xuất phụ gia bê tông từ tro bay.

6.     Chế tạo và phục hồi các chi tiết, thiết bị, vật tư phụ tùng thay thế thuộc thiết bị các nhà máy điện và các thiết bị công nghiệp khác…

 

 


  • 24/12/2009 04:09
  • Theo Kỷ yếu Điện lực Việt Nam 2009
  • 18271


Gửi nhận xét