Công ty Điện lưc Cao Bằng: Cần đổi mới quản lý, nâng tầm doanh nghiệp

“Cần có tư duy mới để điều hành doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo Luật  trong cơ chế thị trường là yêu cầu tiên quyết của đội ngũ lãnh đạo Công ty Điện lực Cao Bằng và các Điện lực trực thuộc, đáp ứng nhiệm vụ của EVN trong tình hình mới” Đó là phát biểu chỉ đạo của Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh tại buổi làm việc với Công ty Điện lực Cao Bằng sáng ngày 16/8/2013.

Đảm bảo điện nơi biên giới quốc gia

Theo báo cáo của Giám đốc Công ty Điện lực Cao Bằng Lương Đức Danh,  Cao Bằng có đặc thù là một tỉnh miền núi, có nhiều dân tộc sinh sống trên địa bàn trong điều kiện kết cấu hạ tầng chưa phát triển. Thu nhập bình quân của tỉnh hiện mới đạt khoáng 720 UDS/người/năm. Tỉnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện, có 119 xã phương thị trấn và trên 322 km đường biên giới với nước bạn Trung Quốc. Đến nay, Công ty Điện lực Cao Bằng đã cấp điện lưới quốc gia tới 105.363 hộ dùng điện (đạt 85,5%),  số hộ nông thôn có điện trên toàn tỉnh đạt 80,45%. Hiện tại còn 7 xã và các thôn bản chưa có điện. Trong kế hoạch cuối năm nay sẽ hoàn thành đóng điện thêm 5 xã theo dự án REE II.

Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh kiểm tra tại phòng GDKH Điện lực Hà Quảng - Ảnh: Văn Lương

 Với điều kiện khó khăn, nhưng nhiều năm liên tục đội ngũ CBCNV của Công ty Điện lực Cao Bằng đã thực hiện công tác quản lý vận hành lưới điện an toàn, liên tục đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh.

Cao Bằng có sản lượng điện điện thương phẩm hàng năm ở mức thấp, chưa đến 300 triệu kWh. Với trên 110 ngàn khách hàng mua điện trực tiếp từ Công ty, công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng đã được quan tâm thực hiện bám sát yêu cầu của EVN trong năm 2013. Hoàn thiện chương trình quản lý kinh doanh trên hệ thống CMIS 2.0 nhờ đó nâng cao được nghiệp vụ quản lý. Nội dung, các quy trình kinh doanh được triển khai từ cấp Công ty đến cơ sở, trong đó có việc quản lý thiết bị đo đếm, quy trình kiểm soát hóa đơn; giao thu nôp tiền điện; quy định kiểm tra kinh doanh điện năng… Hệ thống trang website được duy trì cập nhật các dịch vụ trực tuyến để thuận lợi cho khách hàng. 6 tháng đầu năm 2013, Công ty thực hiện gửi tin nhắn dịch vụ tới 5.000 khách hàng qua hệ thống SMS; Hoàn thiện 5/14 phòng giao dịch khách hàng tại Điện lực trực thuộc…

Về việc chuyển đổi các Điện lực trực thuộc, tính đến cuối tháng 6/2013, Công ty hoàn thành nâng cấp chuyển đổi 13 Chi nhánh Điện trực thuộc lên cấp Điện lực. Mô hình tổ chức được ổn định đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn tại các đơn vị. Về khó khăn trong việc chuyển đồi này, Công ty Điện lực Cao Bằng kiến nghị tiếp tục đánh giá việc chuyển đổi để hoàn thiện theo đặc thù của đia phương vực miền Bắc. Công tác đào tạo nhân lực cho đội ngũ lãnh đao Điện lực trực thuộc. Đề nghị EVN và Tổng công ty hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà cho CBCNV đang đi thuê nhà ở tại các Điện lực vùng sâu, vùng xa nhiều khó khăn.

Cần một tư duy mới…

 Tại buổi làm việc với Công ty Điện lực Cao Bằng, Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh đã giải đáp các vấn đề: Tại sao EVN lại lấy năm 2013 là năm dịch vụ khách hàng? Việc chuyển đổi nâng cấp Điện lực trực thuộc để làm gì? Đưa ra các quy chế về kinh doanh, tiêu chí độ tin cậy cung cấp điện là gì?.

Để trả lời câu hỏi này, theo Tổng giám đốc EVN việc nâng cao công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng không nằm ngoài mục đích đưa hình ảnh EVN chuyên nghiệp, phát triển trong tình hình mới. “EVN là tập đoàn nhà nước chịu trách nhiệm trước Chính phủ về đáp ứng điện cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Nâng cao mô hình quản lý từ Điện lực chính là bộ mặt của Công ty tại các địa phương. Nếu không cải tiến sẽ mất niềm tin từ chính đối tượng khách hàng của chúng ta” - Tổng giám đốc EVN nói.

Lấy dẫn chứng từ việc thực hiện các chỉ số về độ tin cậy cung cấp điện của Cao Bằng còn thấp, trong đó trung bình 6 ngày mất điện 1 lần là chỉ số làm người dân rất không bằng lòng. Trong khi sản lượng điện thương phẩm cả năm ở mức gần 300 triệu kWh, tỷ lệ điện trên đầu người mới đạt 600 kWh/người/năm là thấp so với mặt bằng chung cả nước. Hàng năm, EVN vẫn phải bù lỗ khoảng 165 tỷ cho tỉnh Cao Bằng là thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao phó…. Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh cho rằng, mô hình Điện lực phải được nâng cấp từ cách quản lý, quản trị doanh nghiệp đến công tác tổ chức, kế hoạch tại đơn vị để có tư duy mới về một doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo luật doanh nghiệp trong cơ chế thị trường.

Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh tin tưởng với sự đoàn kết nhất trí của đội ngũ CBCNV ngành Điện cách mạng, Công ty Điện lực Cao Bằng sẽ hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao phấn đấu để trở thành đơn vị kiểu mẫu của Ngành.


  • 17/08/2013 01:22
  • Văn Lương
  • 3684