Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng quyết định thành công của mỗi doanh nghiệp. Đối với một đơn vị chịu trách nhiệm quản lý những công trình lớn, công nghệ hiện đại hàng đầu Đông Nam Á như Công ty Thủy điện Sơn La, yếu tố này lại càng quan trọng. Do đó, trong những năm qua, Công ty luôn chú trọng công tác đào tạo nhân lực nhằm tạo ra lực lượng kế cận đủ năng lực, trình độ vận hành những công trình quan trọng hàng đầu đất nước.
Hiện nay, công ty có 554 cán bộ, công nhân viên, thực hiện nhiệm vụ quản lý vận hành 2 nhà máy Thủy điện Sơn La và Lai Châu. Năng suất lao động bình quân của công nhân công ty đạt 6,5 MW/người, ở mức cao so với các nước phát triển trên thế giới. Đội ngũ kỹ sư, công nhân thực hiện nhiệm vụ vận hành, sửa chữa được đào tạo bài bản, có trình độ kỹ thuật cao đã thực hiện tốt công tác quản lý kỹ thuật vận hành 2 nhà máy an toàn, liên tục, phát huy hiệu quả kinh tế.
Cụ thể, qua đánh giá thực tế hiệu quả công việc, các kỹ sư, công nhân đã thực hiện tốt công tác dịch tài liệu kỹ thuật, biên soạn các quy trình quản lý vận hành đảm bảo chất lượng được phê duyệt, kịp tiến độ. Đây là tài liệu kỹ thuật quan trọng, giúp nhân viên vận hành thiết bị đúng quy trình, bảo đảm an toàn.
Vận hành được đánh giá là công việc rất quan trọng đối với mỗi kỹ sư và được nhà máy đảm nhận khá tốt. Nhân viên vận hành ngoài việc hiểu biết các quy trình kỹ thuật vận hành, quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia… còn trải qua các chương trình diễn tập xử lý sự cố với các tình huống giả định để đánh giá trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm trong việc xử lý sự cố các hệ thống thiết bị theo đúng quy trình, an toàn cho người và thiết bị.
Đối với kỹ sư, công nhân thực hiện nhiệm vụ sửa chữa, bảo dưỡng các hệ thống thiết bị của nhà máy, đây là lực lượng phải vừa có kiến thức hiểu biết về lý thuyết, cấu tạo, nguyên lý làm việc, đặc tính kỹ thuật; vừa có kinh nghiệm hiểu biết về thực tế công nghệ của từng thiết bị. Trong thời gian qua, các kỹ sư, công nhân của Công ty ngoài thực hiện thành công các chương trình sửa chữa, bảo dưỡng các hệ thống thiết bị của Nhà máy Thủy điện Sơn La, còn tham gia thực hiện nhiệm vụ đồng bộ vật tư thiết bị, tư vấn giám sát lắp đặt thiết bị công trình Thủy điện Lai Châu; thực hiện công tác sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống thiết bị công nghệ tổ máy số 1, số 2 khi đưa vào vận hành theo quy định của nhà chế tạo.
Giây phút hòa lưới phát điện thành công tổ máy số 2 công trình Thủy điện Lai Châu
|
Bảo đảm vận hành an toàn
Để nhà máy vận hành an toàn, liên tục trong mùa mưa lũ, ngay từ đầu năm 2016, Công ty đã hoàn thành công tác sửa chữa, bảo dưỡng, trung tu, đại tu các tổ máy của 2 nhà máy theo kế hoạch đã được EVN phê duyệt, bảo đảm an toàn, chất lượng và vượt tiến độ đề ra.
Cụ thể, Công ty đã thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ, chạy thử việc nâng hạ các hệ thống cửa xả của 2 nhà máy, bảo đảm vận hành an toàn cho quá trình xả lũ. Tổng kiểm tra, rà soát và khắc phục các hạng mục công trình trụ sở, kho cảng được gia cố mái nhà, địa chất, các khu vực có nguy cơ sạt lở… để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão. Các thiết bị chống sét, tiếp địa khu vực nhà máy, trụ sở, kho cảng của công ty được kiểm tra, bảo dưỡng và thí nghiệm bảo đảm yêu cầu kỹ thuật trước mùa mưa bão. Công ty cũng tổ chức nạo vét, khơi thông cống rãnh khu vực nhà máy, kho cảng để thoát nước nhanh, tránh sự cố ngập nước trong mùa mưa lũ.
Công tác vận hành đập, hồ chứa cũng được Công ty triển khai nghiêm túc theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành. Thực hiện công tác kiểm tra phạm vi bảo vệ hành lang an toàn toàn bộ khu vực vùng lòng hồ của 2 nhà máy trên địa bàn 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Các số liệu quan trắc đập Thủy điện Sơn La và Thủy điện Lai Châu được Hội đồng tư vấn KHCN về an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà đánh giá bảo đảm an toàn.
Công ty xây dựng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) sát thực, cụ thể với tình hình thực tế của 2 nhà máy; thành lập Ban chỉ huy PCTT&TKCN cấp công ty đối với 2 nhà máy; thành lập Đội xung kích PCTT&TKCN tại nhà máy thủy điện Sơn La và nhà máy thủy điện Lai Châu; tổ chức phân lịch trực 24/24 giờ. Với mục tiêu là ngăn chặn và giảm thiểu ảnh hưởng, thiệt hại; khắc phục kịp thời và xử lý triệt để các tình huống do thiên tai gây ra…, phương án PCTT&TKCN của công ty đảm bảo 4 tại chỗ là: Chỉ huy, nhân lực, bố trí phương tiện, vật tư và hậu cần.
Toàn cảnh Nhà máy Thủy điện Sơn La
|
Phấn đấu vượt tiến độ công trình
Trong 8 tháng đầu năm 2016, công ty đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tư vấn giám sát lắp đặt thiết bị, đồng bộ vật tư thiết bị trên công trình thủy điện Lai Châu; phát điện tổ máy số 2 vào ngày 20/6/2016 bảo đảm an toàn, chất lượng, vượt tiến độ trước 10 ngày. Hiện nay, Công ty đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tư vấn giám sát lắp đặt, đồng bộ vật tư thiết bị đối với tổ máy số 3 - tổ máy cuối cùng của công trình, bảo đảm tiến độ đề ra. Theo kế hoạch, ngày 6/9/2016 Công ty tổ chức lễ hạ rotor trọng lượng 1.000 tấn của tổ máy số 3 - tổ máy cuối cùng của nhà máy. Đây là mốc tiến độ quan trọng để bảo đảm phát điện tổ máy số 3 vào cuối năm 2016 và hoàn thành toàn bộ công trình trong năm 2016, vượt tiến độ trước 1 năm so với tiến độ được phê duyệt.
Với những kết quả đã đạt được trong những tháng đầu năm 2016 - năm đầu tiên thực hiện mô hình quản lý vận hành 2 nhà máy trên bậc thang sông Đà, có thể tin tưởng rằng, Công ty Thủy điện Sơn La sẽ thực hiện quản lý vận hành 2 nhà máy an toàn, liên tục, phát huy hiệu quả kinh tế, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và kế hoạch sản xuất mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Trong 7 tháng đầu năm 2016, sản lượng điện sản xuất của Công ty đạt 6,202 tỷ kWh, bằng 48,94% kế hoạch năm; trong đó Thủy điện Sơn La đạt 4,604 tỷ kWh; Thủy điện Lai Châu đạt 1,598 tỷ kWh. Nộp ngân sách nhà nước tính đến ngày 31/7/2016 đạt 1.152,86 tỷ đồng, trong đó tỉnh Sơn La 641,966 tỷ đồng; tỉnh Điện Biên 63,595 tỷ đồng; tỉnh Lai Châu 323,799 tỷ đồng; quỹ phát triển rừng Việt Nam 123,504 tỷ đồng. |