Công ty Truyền tải điện 1: Sẵn sàng các kịch bản ứng phó với thời tiết bất thường

Do quản lý lưới điện truyền tải thuộc các tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão và giông lốc bất thường, Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) luôn chủ động xây dựng kịch bản theo mọi diễn biến của thời tiết, kể cả tình huống xấu nhất.

Hiểm nguy luôn rình rập…
 
Ông Trần Minh Tuấn - Phó Giám đốc PTC1 cho biết, quản lý lưới điện truyền tải trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố ven biển như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh - nơi thường xuyên “đón bão sớm” - nên PTC1 gặp rất nhiều khó khăn. Tại các địa phương này, nhiều tuyến đường dây và trạm nằm ngay ven biển nên khi bão đổ bộ, hệ thống đường dây, trạm ở đây thường phải hứng chịu sự tàn phá trực tiếp của thiên nhiên...
 
Chia sẻ về những ảnh hưởng của bão gây ra cho ngành Điện, ông Tuấn cho biết, năm 2012, khi cơn bão số 8 đổ bộ vào Quảng Ninh, gió lớn đã làm vỡ kính tầng 2 Trạm 500 kV Quảng Ninh, làm thiệt hại, mất mát nhiều tài liệu, thiết bị. Lúc này, xác định mục tiêu hàng đầu là phải bảo vệ  công tác  vận hành, không để gió, mưa gây ảnh hưởng đến việc cung cấp điện, Lãnh đạo Công ty, Lãnh đạo Trạm đã không quản mưa, gió, cùng cán bộ công nhân viên chung sức, đồng lòng khẩn trương bảo vệ phòng vận hành hoạt động an toàn trong mọi diễn biến phức tạp của thời tiết.
 
Cũng theo ông Tuấn, một sự cố điện mà những người lính truyền tải phía Bắc còn nhớ mãi, đó là vào năm 2013, các thiết bị phân phối ngoài trời của Trạm Đình Vũ (Hải Phòng) bị phóng điện bề mặt do nhiễm hóa chất. Nguyên nhân là do gió lốc mạnh trong cơn bão số 14 đã cuốn các chất thải và hóa chất của Nhà máy Sản xuất phân đạm (DAT) ở gần đó vào Trạm, làm cho các thiết bị trong Trạm phóng điện. Công ty buộc phải huy động lực lượng truyền tải trên địa bàn đến ứng cứu và tiến hành cắt điện từng thiết bị để vệ sinh, khắc phục sự cố.
 
Với PTC1, khó khăn trong mùa mưa bão không chỉ là ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp mà hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, đá… ở các tỉnh miền núi phía Bắc còn nguy hiểm hơn nhiều. Hoàn lưu sau bão không chỉ đe dọa đổ cột, ngừng cung cấp điện mà còn làm sạt lở, chia cắt các tuyến đường, gây nguy hiểm đến sự an toàn, tính mạng công nhân khi đi kiểm tra, khắc phục sự cố… “Chính vì vậy, bên cạnh yêu cầu xử lý sự cố nhanh, kịp thời, Lãnh đạo Công ty cũng chỉ đạo các đơn vị phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và tài sản”, ông Tuấn cho biết thêm.
 
Khó khăn, nguy hiểm là vậy, nhưng trong mưa lũ, lính truyền tải của PTC1 vẫn luôn sẵn sàng bám trụ, bám trạm, khắc phục các sự cố một cách nhanh nhất, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục. 
 

Kiểm tra tụ điều khiển trung gian TBA 220 kV Hà Đông trong mưa bão (năm 2009)

 
 
Chủ động, kịp thời
 
Tuy thường xuyên phải “hứng” bão sớm, nhưng nhờ chủ động làm tốt công tác phòng chống và ứng phó kịp thời, nhiều năm qua,  lưới truyền tải khu vực phía Bắc đều vận hành ổn định trong các mùa mưa bão. Với những cơn bão lớn, sự cố là khó tránh, nhưng về cơ bản đều được các đơn vị khắc phục kịp thời, không gây gián đoạn nhiều đến cung cấp điện.
 
Cũng theo ông Trần Minh Tuấn, ngay từ đầu năm 2015, các phương án phòng chống lụt bão đã được Công ty chuẩn bị sẵn sàng. Theo đó, Công ty yêu cầu tất cả đơn vị chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư dự phòng; lên phương án phòng chống bão, chủ động ứng phó kịp thời khi bão đổ bộ. Trước mỗi mùa mưa bão, các trạm biến áp đều được kiểm tra, đảm bảo điều kiện vận hành an toàn. 
 
Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm 2015, PTC1 đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp đề phòng hậu quả của mưa to, gió lớn và lũ quét. Cụ thể, với các trạm ven biển, Công ty chỉ đạo các đơn vị tiến hành che chắn, thay thế và gia cố các thiết bị có nguy cơ bị va đập trong gió bão gây đổ vỡ; tiến hành cải tạo, nâng cấp các thiết bị ngoài trời có nguy cơ bị gió bão gây ảnh hưởng đến việc cung cấp điện… Riêng những khu vực có nguy cơ, sạt lở, khi bắt đầu có dấu hiệu mưa bão, các đơn vị truyền tải sẽ bố trí công nhân lên “cắm chốt” tại chỗ, trang bị đầy đủ vật tư, thiết bị, lương thực... sẵn sàng làm nhiệm vụ. “Nếu không “cắm chốt”, khi có sự cố công nhân mới bắt đầu di chuyển trong tình trạng lở đường, sạt núi… không chỉ nguy hiểm đến tính mạng mà còn rất khó để tiếp cận vị trí cần khắc phục”, ông Tuấn cho hay.
 
Năm nay, công tác diễn tập phòng chống bão lũ của PTC1 cũng được tiến hành hiệu quả hơn, chi tiết hơn. Tất cả các đơn vị đều phải diễn tập tình huống mất điện toàn trạm và phương án xử lý; các đội đường dây phải diễn tập tình huống huy động các đơn vị ứng cứu lẫn nhau khi gặp sự cố… PTC1 cũng đặc biệt chú trọng đến việc khắc phục các sự cố trong đêm, trong tình trạng mất điện, đường khó đi. Các đơn vị luôn chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị như đèn báo hiệu, biển chỉ đường… hỗ trợ hiệu quả nhất khi sự cố xảy ra. 
 
Mỗi khi có thông báo bão sắp đổ bộ, Lãnh đạo Công ty đều xuống hiện trường, trực tiếp giám sát và đồng hành cùng đơn vị xử lý các tình huống kịp thời, hiệu quả. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, dù đã có  2 cơn bão và một trận mưa lũ lớn, nhưng lưới điện truyền tải do PTC1 quản lý vẫn vận hành an toàn, liên tục. 
 
Khối lượng quản lý của PTC1: 
 
Quản lý vận hành lưới truyền tải điện trên địa bàn 25/28 tỉnh thành miền Bắc từ Đèo Ngang trở ra gồm: 
- Đường dây 500 kV: Chiều dài 1.568 km (940 km mạch đơn, 628 km mạch kép).
- Đường dây 220 kV: Chiều dài 3.186 km (1228 km mạch đơn, 1894 km mạch kép, 40 km mạch tam, 24.4 km mạch tứ).
- Trạm biến áp 500 kV: 6 trạm, 8 máy biến áp, tổng dung lượng 4.050.000 kVA.
- Trạm biến áp 220 kV: 29 trạm, 48 máy biến áp, tổng dung lượng 7.875.000 kVA.
 
 
 


  • 05/11/2015 10:06
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3789


Gửi nhận xét