Công ty Truyền tải điện 4: Tiên phong trong ứng dụng công nghệ điều khiển xa

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, những năm qua, Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) đã tiên phong trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào điều khiển các trạm biến áp, tạo nền tảng cho tự động hóa và đưa công nghệ điều khiển xa, trạm không người trực vào thực tiễn…

Ông Võ Đình Thủy - Giám đốc PTC 4 cho biết, việc quản lý giám sát, điều khiển TBA bằng phương pháp truyền thống đã bộc lộ một số khuyết điểm như: Chức năng điều khiển từ xa chỉ giới hạn ở khả năng thao tác đóng cắt máy cắt, còn lại các thao tác vận hành khác phải thực hiện bằng tay; chức năng giám sát trạm chỉ được thực hiện thông qua thiết bị tách biệt, rời rạc, chưa có hệ thống tích hợp thông tin và xử lý cảnh báo chung cho toàn trạm. Nhằm khắc phục những hạn chế này, từ năm 2001, PTC 4 đã tiến hành nghiên cứu, triển khai áp dụng công nghệ điều khiển TBA bằng máy tính. Đồng thời, thành lập tổ công tác thường trực để nghiên cứu, biên soạn quy trình quản lý kỹ thuật, vận hành hệ thống điện từ xa.

Ngoài ra, thực hiện chủ trương hiện đại hóa lưới điện, Công ty đã cải tạo nâng cấp và mở rộng trạm biến áp 220 kV Thủ Đức theo hướng điều khiển xa. Đây là công trình đầu tiên của ngành Điện áp dụng công nghệ điều khiển tích hợp hoàn toàn, tạo bước ngoặt quan trọng trong việc chuyển đổi sang tự động hoá cao.

Đến cuối tháng 11/2014, PTC 4 đã lắp đặt thử nghiệm hệ thống Trung tâm giám sát, điều khiển xa đặt tại TBA 220 kV Thủ Đức, có nhiệm vụ giám sát, điều khiển trên lưới truyền tải tại các trạm biến áp 220 kV Bến Tre và Mỹ Phước.

“Thông qua việc ứng dụng Trung tâm điều khiển xa, PTC 4 tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng bước đầu mô hình trạm không người trực, tạo tiền đề cho các cấp, các ngành đánh giá về công nghệ, tạo khung pháp lý cũng như tổ chức vận hành cho mô hình mới”, ông Thủy cho hay.

Vừa qua, PTC 4 cũng đã thực hiện hoàn tất và xây dựng được 2 trung tâm điều khiển xa đặt tại TBA 500 KV Tân Định và 500 kV Mỹ Tho. Mỗi trung tâm này sẽ điều khiển được từ 10 - 12 TBA 220 kV ở các vệ tinh. Hiện các trung tâm này đã sẵn sàng để được đưa vào sử dụng.

Việc ứng dụng công nghệ điều khiển xa đã góp phần giúp PTC 1 từng bước hiện đại hóa lưới điện theo lộ trình phát triển lưới điện thông minh, đồng thời, giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị; rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố TBA... Từ đó, giảm tối đa nhân lực vận hành, giảm khối lượng công việc mà nhân viên vận hành phải thường xuyên theo dõi, ghi chép và báo cáo…

Đặc biệt, hàng năm, PTC 4 cũng bố trí cán bộ đi học tập, tham khảo mô hình Trung tâm điều khiển xa, trạm không người trực tại các nước tiên tiến trên thế giới. Từ đó, đội ngũ cán bộ của Công ty đã biên soạn các tiêu chuẩn thiết kế phù hợp với trạm không người trực của Việt Nam; đồng thời, phổ biến, truyền đạt lại cho các đơn vị.

Bên cạnh việc mạnh dạn đầu tư, thí điểm mô hình Trạm biến áp không người trực và trung tâm điều khiển xa, PTC 4 còn là một trong những đơn vị ứng dụng thành công nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm tỉ đồng như: Cáp ngầm 220kV; thiết bị chuẩn đoán sự cố online; trụ dự phòng xử lý sự cố khẩn cấp; công nghệ hotline…

Theo đề án “Trạm biến áp 220kV vận hành theo tiêu chí trạm biến áp không người trực đến năm 2020”, PTC 4 sẽ triển khai ứng dụng 4 trung tâm điều khiển xa. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Công ty đang tiếp tục tiếp tục đẩy mạnh triển khai, ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần quan trọng trong việc hiện đại hoá, tự động hoá hệ thống lưới điện truyền tải theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh. Đồng thời, nâng cao năng suất lao động, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các tỉnh, thành phía Nam.

PTC 4 phụ trách vận hành lưới điện truyền tải cao áp từ 220 - 500 kV trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố phía Nam với: 5.780 km đường dây và 44 trạm biến áp, tổng dung lượng 26.565 MVA.

 


  • 25/09/2017 10:53
  • Thùy Lê
  • 8574