Cuộc sống mới ở các khu tái định cư Thủy điện Sơn La

Đã hơn 5 năm kể từ ngày người dân thuộc 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên phải di dời đến nơi ở mới, hiến đất xây dựng công trình Thủy điện Sơn La. Đến nay, cuộc sống tại các khu tái định cư đang dần đi vào ổn định và từng bước được nâng cao so với những nơi ở cũ…

Vươn lên làm giầu trên quê hương mới

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Điều – Phó ban dự án Di dân Tái định cư huyện Mai Sơn (Sơn La)  hồ hởi nói: “Các nhà báo phải đến tận nơi chứng kiến cuộc sống của bà con chứ!. Ở Mai Sơn này có nhiều điểm tái định cư lắm, danh sách đây, các anh muốn đến điểm nào thì chúng tôi xin  dẫn đường”. Và điểm đến đầu tiên của chúng tôi là bản Sơn Pha, xã Cò Nòi - bản tái định cư xa nhất Huyện.

Một góc khu tái định cư thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) - Ảnh Vũ Lam

Cách trung tâm thị trấn Hát Lót, thủ phủ của huyện Mai Sơn khoảng 15 km, con đường đưa chúng tôi đến bản tái định cư Sơn Pha trải nhựa phẳng lì. Chỉ mất khoảng 20 phút, ô tô đã đưa chúng tôi đến trung tâm bản Sơn Pha. Nhìn những ngôi nhà sàn khang trang, sạch đẹp, những sân bê tông phơi đầy ngô mới thu hoạch, chúng tôi cũng phần nào cảm nhận được cuộc sống đủ đầy của người dân nơi đây. Trên các nóc nhà là hệ thống giàn ăng ten tivi chi chít, lác đác là những giàn nước nóng năng lượng mặt trời.

Đầu tiên, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lò Văn Hội (40 tuổi). Trước đây gia đình anh ở bản Mướn, xã Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai. Vì hiến đất xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, năm 2007, gia đình anh đã chuyển đến bản Sơn Pha và bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Được Nhà nước cấp 1 ha đất, anh thuê thêm 1 ha nữa để trồng mía và trồng ngô. Năm đầu tiên, thu hoạch mía được 91 tấn/ha, ngô được 12 tấn/ha. Ngoài ra, gia đình anh còn nuôi 1 con trâu cày ruộng và 2 con bò. Thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình anh cũng ngót nghét  được trên 100 triệu đồng.

Anh Hội chia sẻ một cách chân tình về cái đói, cái nghèo cứ theo đuổi gia đình anh những  năm trước đây: “Trước kia ở bản cũ khó khăn lắm. Đất thì nhiều, nhưng có trồng được cây gì đâu. Đi làm nương phải qua sông, qua suối vất vả lắm. Toàn đói ăn thôi. Nhờ có Đảng, Chính phủ mà chúng tôi chuyển đến nơi ở mới, cuộc sống bà con khá hơn trước nhiều lắm. Nhà nào ở bản Sơn Pha này cũng có xe máy, ti vi hết rồi”.

Ký ức về cái đói, cái nghèo vẫn còn đeo đẳng trong tâm trí của anh Lò Văn Huyên – người hàng xóm của anh Hội: “Trước, gia đình tôi chỉ quanh quẩn với nương, với vườn, không hiểu biết về canh tác, nên toàn thiếu ăn thôi. Chưa đến vụ thu hoạch mà thóc, ngô trong nhà đã hết sạch rồi. Ngày ấy đói lắm, khổ lắm, đường sá chẳng có mà đi đã đành, đến mái nhà che nắng, che mưa cũng không có. Mơ ước hằng ngày chỉ giản đơn là 2 bữa cơm no mà sao khó thành hiện thực đến thế? Giờ chuyển đến nơi tái định cư, gia đình tôi đã khác trước nhiều lắm”.

Ông Đỗ Văn Điều, người trực tiếp dẫn chúng tôi đi kể rằng: Trước kia vùng này nghèo lắm, nước thiếu, dân không biết trồng cây gì, nuôi con gì. Nhưng giờ đây đã khác nhiều rồi. Bà con đến bản Sơn Pha đều là người dân tộc Thái, hay lam hay làm, tích cực học hỏi những kỹ thuật trồng cây, nuôi con để vươn lên thoát nghèo. Cứ nhìn cảnh người xe tấp nập đi lại  trên đường cũng thấy được bản tái định cư Sơn Pha phát triển như thế nào.

Sau 5 năm dời bản cũ, hiến đất cho Nhà máy Thủy điện Sơn La, đến nay những hộ nông dân của bản Mướn xã Pha Khinh trước đây đã ổn định nơi ở mới. Giai đoạn gian khó đã qua đi. Giờ đây bản tái định cư Sơn Pha không chỉ vươn lên thoát nghèo mà đã tính đến cách làm giàu chính đáng.

“Ở vùng này chỉ trồng được 2 cây chính là mía và ngô. Những năm gần đây,bà con không chỉ biết phát huy nội lực, giúp đỡ nhau, mà còn biết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chọn giống tốt, thực hiện đúng quy trình canh tác nên năng suất mía và ngô rất cao, bà con đã thoát được cái nghèo”. Ông Quàng Văn Hương, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn giải thích thêm với chúng tôi.

Đến nhà anh Lừ Văn Tấm (46 tuổi), nông dân lao động giỏi của xã Cò Nòi. Gia đình anh đang chăn thả  đàn trâu, bò gần chục con. Trước thềm nhà là một cái sân bê tông rộng rãi, phẳng lỳ, trên đó là một đống ngô to như đống rạ.  Nghe anh Tấm chia sẻ về cách thức  làm giàu mà tôi có  cảm giác như người dân vùng này từ lâu đã có ý thức phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Anh Tấm chậm rãi kể: Ra đến bản mới, từ số tiền được Nhà nước đền bù, anh đầu tư vào cây mía và nuôi trâu bò. Trồng mía thì không lo đầu ra vì Công ty Mía đường Sơn La thu mua hết, đồng thời tận dụng lá mía để nuôi trâu, bò rất tốt. 3 con trâu nhà anh nuôi để lấy sức cày, còn 5 con bò thì nuôi đẻ. Mỗi năm sẽ có thêm được 5 chú bê, bán đi cũng được 70-80 triệu đồng. Ngoài ra nhà anh có 1 ha trồng cả ngô và mía, mỗi năm thu được 50 triệu. Như vậy, bình quân mỗi năm gia đình anh cũng thu về được trên 100 triệu đồng tiền lãi.

Người dân bản tái định cư Phiên Cại, xã Chiềng Lao, huyện Mường La lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới  (Ảnh: CTV)

Bên cạnh đó là gia đình chị Điêu Thị Xuân (29 tuổi) cũng về khu tái định cư được 5 năm. Do có con nhỏ, nên vợ chồng chị chỉ trồng mía 1 ha, mỗi năm cũng thu được 40 triệu đồng. Chị Xuân tâm sự: “Để đạt danh hiệu lao động giỏi, xuất sắc của xã, thì thu nhập bình quân là 15 triệu/người/năm. Gia đình tôi đang phấn đấu để đạt danh hiệu đó. Tuy vậy, số tiền tiết kiệm được như vậy là hơn trước nhiều lắm rồi. Số tiền này tôi sẽ thuê thêm nương rẫy vào vụ sau, đồng thời sẽ đầu tư cho con cái học hành lấy cái chữ”.

Ông Nguyễn Đắc Doanh, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Cò Nòi cho biết: “Từ hai bàn tay trắng khi chuyển đến, nay bà con ở bản Sơn Pha đã phát triển được đàn gia súc với trên 100 con trâu, bò cùng hàng ngàn gia cầm, vật nuôi khác. Những mô hình kinh tế VAC, sản xuất gắn với kinh doanh trong kinh tế hộ gia đình ngày nhiều và phát huy được hiệu quả. Bản Sơn Pha đã không còn hộ nghèo mà nhiều hộ đã vươn lên làm giàu. Đó là kết quả của sự đồng lòng vượt khó của bà con Sơn Pha”.

Tình người nơi tái định cư

Vào một buổi sáng cuối tháng 10 năm 2012, chúng tôi có mặt tại điểm TĐC Phiên Luông 2, xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè (Lai Châu), một trong những điểm TĐC cuối cùng của Nhà máy Thủy điện Sơn La. Trước mắt chúng tôi, bãi đất rộng bằng phẳng ngày nào nay đã mọc lên những ngôi nhà sàn, mái lợp tôn đỏ tươi roi rói. Con đường mới vào bản được trải nhựa phẳng lì, uốn theo những ngôi nhà xa  vượt tầm mắt. Dọc hai bên đường nội bản là những hàng quán bầy bán các mặt hàng thiết  yếu phục vụ đời sống nhân dân như: Lương thực, thực phẩm, quần áo, đồ dùng sinh hoạt… Phía xa xa, nhiều nông dân đang tranh thủ làm vườn, trồng rau hoặc làm đất chuẩn bị gieo trồng vụ mới. Bản mới TĐC Phiên Luông 2 đã ra đời và ngày càng phát triển, thỏa lòng mong ước của người dân tái định cư Thủy điện Sơn La.

Theo chân Bí thư Đoàn thanh niên xã Nậm Hàng - Lý A Cờ, chúng tôi đến nhà ông Hoàng Văn Ven, Trưởng bản Phiên Luông 2. Thấy có khách đến nhà, ông Ven đứng dậy, chùi vội đôi bàn tay vẫn còn dính nhựa chuối vào vạt áo, vui vẻ mời chúng tôi vào nhà. Trong phòng khách rộng rãi được bài trí những thiết bị phục vụ sinh hoạt gia đình như tivi, tủ lạnh, máy nghe nhạc… một cách khá bắt mắt. Trên tường treo nhiều bằng khen của tỉnh, huyện dành cho ông trong quá trình vận động di dân TDC đến nơi ở mới.

Cuộc sống mới ở bản tái định cư - Ảnh Anh Đức

Vừa rót trà mời khách, ông Ven vừa kể: “Bản Phiên Luông 2 là điểm di cư cuối cùng của Nhà máy Thủy điện Sơn La với  36 hộ dân, 328 nhân khẩu gồm  nhiều dân tộc khác nhau. Trước đây, người dân sống du canh, du cư,  phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Nay về bản mới, có nhà cửa rộng rãi, cố định. Ðời sống người dân TĐC ngày càng no đủ hơn. Nhớ lại những ngày đầu, bản TĐC như một công trường thu nhỏ. Không phân biệt dân bản mới, bản cũ, mọi người đều vui vẻ, hòa đồng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi tắt lửa, tối đèn”

Dời nhà Trưởng bản, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lý Văn Chính, sống trong một căn nhà sàn khang trang còn thơm mùi gỗ mới. Gia đình anh là một trong những hộ TĐC đầu tiên chuyển đến vùng đất này. Anh Chính nói: “Khi chuyển về bản mới, những ngày đầu, cuộc sống có xáo trộn, nhưng được sự giúp đỡ của bà con trong bản, gia đình nhanh chóng dựng được nhà để ở. Việc kinh doanh cũng dần ổn định, thu nhập khá, đảm bảo được nhu cầu sinh hoạt của gia đình”. 

Ngoài gia đình anh Chính, tại bản Phiên Luông 2 còn rất nhiều gia đình chuyển về đây cũng đều có cuộc sống ổn định. Đi sâu vào bản, đến đâu chúng tôi cũng được người dân tiếp đón niềm nở. Tất cả đều hài lòng với cuộc sống nơi bản mới.

Ông Lù Văn Quy, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Hàng cho biết, xã Nậm Hàng nằm trong Chương trình Tái định cư Thủy điện Sơn La có tổng diện tích tự nhiên là trên 14 nghìn ha, với 10 bản trong đó có 3 bản mới TĐC với 232 hộ và trên 1.000 nhân khẩu. Trong quá trình thực hiện công tác di dân TĐC xã Nậm Hàng đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, cùng với sự đồng thuận của người dân nên đã đảm bảo tiến độ.

Tái định cư theo chiều… thẳng đứng

Đứng trên con đường tránh ngập thuộc tỉnh lộ 127, chúng tôi phóng tầm mắt nhìn về vùng nước mênh mông, nơi dòng sông Nậm Lay đã biến thành lòng hồ thủy điện và hai bên bờ  đã hình thành dãy phố nhà sàn. Nhiều người còn gọi khu vực này là thung lũng nhà sàn! Trong số hơn 4300 hộ dân của tỉnh Điện Biên thuộc diện di dời, đã có hơn một nửa được TĐC tại chính thị xã Mường Lay mới theo cái cách mà người dân nơi đây thường gọi vui là “Tái định cư theo chiều thẳng đứng”.

Cách sống thân tình, gẫn gũi, đầy tình nhân ái  hiển hiện trên miền đất mới. Ranh giới giữa các nhà chỉ là những bức tường nhỏ. Đứng từ nhà sàn gia đình này có thể nhìn thấy hàng dãy cột của các nhà sàn khác. Làm được điều này cũng không hề đơn giản. Người dân thuộc thị xã Mường Lay đã dỡ nhà chuyển khỏi khu vực lòng hồ, sang ở tạm chỗ khác. Rồi ngay chính trên cái nền thị xã ngập trong nước ấy, người ta đã kỳ công bạt núi, chuyển đất đá về, nâng độ cao lên ít nhất 20-30m, tạo thành một nền mới của thị xã Mường Lay.

Người dân bản tái định cư Phiên Cại, xã Chiềng Lao, huyện Mường La lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới  (Ảnh: CTV)

Ban đầu chương trình dự kiến đưa dân về TĐC ở nhiều nơi do diện tích vùng này không đủ để định cư, nhưng người dân lại không muốn xa nơi “chôn rau cắt rốn”. Chuyện đi, ở cứ dùng dằng mãi, khiến hàng ngàn hộ dân phân vân, chần chừ. Rồi phương án TĐC theo chiều thẳng đứng được đưa ra, hầu hết người dân Mường Lay đều muốn ở lại. Từ 450 hộ ban đầu, nay số hộ tái định cư tại đây lên đến hơn 2.800 hộ.

Nếu như trước đây tại nhiều công trình di dân TĐC, người dân không chỉ xót xa rời bỏ quê hương bản quán, mà còn phải sống trong những ngôi nhà xây cùng một khuôn mẫu, thì ở đây những mẫu nhà cũ được người dân mang lên đồi cao dựng lại. Cộng với số tiền hỗ trợ, nhiều hộ dân đã xây thêm công trình phụ khép kín. Một đô thị hiện đại đã mọc lên từ trong lòng bản làng quen thuộc!

Ông Từ Bá Minh – Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay cho biết, nhiệm vụ di dân TĐC theo Dự án Thủy điện Sơn La trên địa bàn thị xã Mường Lay đến nay cơ bản đã hoàn thành. Những cơ chế, chính sách của Nhà nước áp dụng cho việc di dân tái định cư Thủy điện Sơn La đều đồng bộ và minh bạch, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, tạo sự đồng thuận của xã hội.

Theo Chủ tịch UBND xã Mường Lay, thời gian tới xã sẽ tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn tại, sớm ổn định đời sống và việc làm cho các hộ dân TĐC như: Tập trung chỉ đạo triển khai các dự án cải tạo đồng ruộng, xây dựng các công trình thủy lợi bản Đớ, bản Mo và Na Tung, tạo thêm  quỹ đất phát triển nông nghiệp… Ngoài ra, xã cũng tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân tích cực chuyển đổi ngành nghề, hướng dẫn bà con làm tốt thâm canh tăng vụ, áp dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp.

Chúng tôi rời những bản TĐC của 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên khi tổ máy cuối cùng của Thủy điện Sơn La đã hòa lưới quốc gia. Cả công trường đang khẩn trương hoàn tất những công việc cuối cùng, chuẩn bị cho ngày Lễ khánh thành, đưa Nhà máy vào hoạt động chính thức. Núi rừng Tây Bắc đã thực sự chuyển mình. Người dân các khu tái định cư Thủy điện Sơn La đã yên tâm lao động sản xuất. Chúng tôi cảm nhận nhịp sống rộn rã, đang phát triển ở những bản TCĐ - một cuộc sống mới cùng những điều tốt đẹp đang chờ đón họ ở phía trước….

 

 


  • 03/01/2013 10:58
  • Theo sách Thủy điện Sơn La: Trọn vẹn niềm tin
  • 5191


Gửi nhận xét