Cứu hộ nạn nhân sập hầm thủy điện Đạ Dâng: Công việc thầm lặng của Điện lực Lâm Đồng

Có mặt tại hiện trường ngay sau khi vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng Công trình do chủ đầu tư là công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội - trụ sở chính ở TP.Hà Nội triển khai) xảy ra ngày 16/12/2014. Các cán bộ, công nhân viên Công ty Điện lực Lâm Đồng đã huy động nhân lực và trang thiết bị đảm bảo nguồn điện 24/24h phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn. Trắng đêm thức cùng anh em, chỉ đến khi những nạn nhân trong hầm được cứu, đó là những giây phút thở phào nhẹ nhõm của anh em công nhân ngành Điện.

Sáng ngày 16/12, huyện Lạc Dương mưa to tầm tã, gió rít ầm ầm. Bỗng chuông điện thoại reo. Giám đốc và Phó giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng gọi điện cho lãnh đạo Điện lực Lạc Dương yêu cầu tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện hiện có tham gia ứng cứu nạn nhân sập hầm thủy điện Đạ Dâng. Theo xe của Bí thư Huyện ủy Lạc Dương, chúng tôi nhanh chóng tới được hiện trường nơi xảy ra tai nạn. Tại hiện trường, đã có một số đơn vị tại chỗ đang thực hiện công tác cứu hộ, tuy rất khẩn trương, nhưng nhìn nét mặt của họ tôi cảm nhận được sự “mong manh” khi chưa có thông tin gì từ 12 công nhân trong hầm.

Việc đảm bảo tuyệt đối điện lưới để cung cấp dưỡng khí cho các lực lượng tham gia cứu hộ trong hầm đã được lãnh đạo Công ty Điện lực Lâm Đồng quán triệt. Công ty đã điều động một máy phát điện 250 kVA từ Điện lực Đà Lạt vào để đảm bảo điện 24/24. Các lực lượng cứu hộ của Điện lực Đà Lạt và Điện lực Lạc Dương đã nhanh chóng triển khai thực hiện công tác kéo cáp, vận hành song song hai nguồn điện lưới và máy phát vào hầm để phục vụ chiếu sáng và khoan xuyên qua khối đá bị sập nhằm cung cấp dưỡng khí cho các nạn nhân. Công tác được thực hiện xuyên đêm, sang hôm sau, mũi khoan đầu tiên đã hoàn tất để luồn ống dưỡng khí và giúp liên lạc với công nhân bị nạn.

Ngành Điện đã tích cực phối hợp với lực lượng cứu hộ để sớm hoàn thành công tác cứu nạn - Ảnh: Lê Việt

Nước trong hầm càng lúc càng dâng cao, Ban chỉ huy cứu hộ đã điều động thêm một máy khoan chuyên dụng có công suất lớn hơn và một máy phát điện có công suất 500 kVA tới hiện trường. Chúng tôi tiếp tục kéo cáp cấp điện cho thiết bị này. Dây cáp là loại 4 sợi văn xoắn rất nặng, kéo thủ công vào hầm với chiều dài 500 m, không rò rỉ chạm chập là một nhiệm vụ nặng nề. Các chiến sỹ cảnh sát cơ động và một số lực lượng khác đã giúp chúng tôi hoàn thành công tác này một cách nhanh chóng. Chúng tôi nhanh chóng đấu nối vào phụ tải, nguồn điện và vận hành máy phát điện. Mũi khoan công suất lớn này đã xuyên thủng qua lớp đất đá bị sập để cung cấp thêm dưỡng khí, lương thực và thuốc men cho các nạn nhân. Ở cửa hầm phía dưới, công tác cứu hộ cũng diễn ra khẩn trương, các máy khoan công suất lớn đã được huy động hết công suất. Đây là những mũi khoan quyết định cho việc rút nước trong hầm, đảm bảo an toàn cho các nạn nhân. Nước trong hầm thoát ra nhiều đặt nhân viên điện lực nhiệm vụ mới là tránh rò rỉ điện, đảm bảo an toàn cho các lực lượng cứu hộ.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Công ty, việc đảm bảo an toàn lưới điện là nhiệm vụ sống còn. Ngoài các lực lượng ứng trực tại chỗ của Điện lực Đà Lạt và Điện lực Lạc Dương, chúng tôi còn tổ chức kiểm tra chi tiết tuyến đường dây, kịp thời phát hiện nguy cơ và ngăn chặn sự cố, đồng thời bố trí phương tiện, vật tư dự phòng, lực lượng ứng trực tại các vị trí xung yếu, sẵn sàng ứng cứu và xử lý một cách nhanh nhất nếu sự cố xảy ra.

Công tác cấp nguồn dự phòng cho máy thổi dưỡng khí vào hầm để chống ngạt cho các lực lượng cứu hộ cũng đã được triển khai. Mặc dù cũng có những trục trặc nhỏ, nhưng đã được khắc phục trước khi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vào trong hầm để chỉ đạo công tác cứu hộ.

Đêm 18 rạng ngày 19 là một đêm cực kỳ vất vả đối với các anh em trực điện. Cường độ cứu hộ cao hơn, công suất điện được huy động lớn hơn, đòi hỏi thêm các nhân viên ngành Điện phải ứng trực ngay tại vị trí hầm bị sập để phục vụ nhu cầu về điện của các lực lượng cứu hộ.  Mỗi lần anh em nhân viên điện lực thay phiên nhau vào hầm ứng trực là một lần hiểm nguy rình rập vì dưới nền bùn cát, nước trên nóc hầm chảy xuống, khói từ các phương tiện thi công xả ra, thiếu dưỡng khí và rất có thể rủi ro ập đến bất cứ lúc nào. Các nhân viên điện lực thực sự trở thành các chiến sỹ nhận được mệnh lệnh là “xung phong”, bằng mọi quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ.

Giờ “G” đã tới, từng nạn nhân được cứu sống và đưa ra khỏi hầm. Niềm vui “vỡ òa” đến với tất cả mọi người.

Khi các nạn nhân cuối cùng được đưa ra xe để đưa về bệnh viện, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đã bắt tay thân mật và tặng hoa khen ngợi tập thể CBCNV Công ty Điện lực Lâm Đồng.  Có thể nói, với CBCNV Công ty Điện lực Lâm Đồng - đây là một đóa hoa tươi thắm gửi tới ngành Điện nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống. Thêm một lần nữa khẳng định những người làm điện chúng tôi sẽ luôn giữ vững truyền thống của ngành, bất cứ nhiệm vụ gì, dù khó khăn gian khổ tới đâu chúng tôi cũng hoàn thành, hãy tin ở chúng tôi, những con người thầm lặng.

Thủ tướng Chính Phủ khen lực lượng cứu hộ vụ sập hầm thủy điện

Mặc dù đang có chuyến công tác tại Thái Lan, khi nhận được tin cứu hộ thành công 12 công nhân bị kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất vui mừng và đã có thư khen ngợi lực lượng cứu hộ ngay sau khi máy bay hạ cánh xuống Bangkok chiều tối ngày 19/12/2014.

Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng, Công an tỉnh Lâm Đồng; Y tế tỉnh Lâm Đồng; Điện lực tỉnh Lâm Đồng; UBND huyện Lạc Dương; UBND xã Lát; Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Công Thương, Y tế; Cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Công binh (Bộ Quốc phòng); Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (Bộ Công an); Cán bộ, chiến sỹ Quân khu 7, Lực lượng cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Công an TP.HCM; Lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam; Tổng công ty Sông Đà; Y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) và các cán bộ, chiến sỹ, các lực lượng của các ngành tham gia công tác cứu nạn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian sớm nhất, với tinh thần trách nhiệm cao, phát huy truyền thống cao đẹp với tinh thần thương người như thể thương thân...                        (Xuân Tiến)

Được biết, chiều ngày 19/12/2014, Đoàn công tác Công ty Điện lực Lâm Đồng đã đến thăm hỏi Đội cứu hộ Trung tâm cấp cứu Mỏ, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Bộ Công Thương. Thay mặt cho Lãnh đạo Công ty, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng đã trao 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng) để động viên Đội cứu hộ đang trực tiếp tham gia cứu hộ vụ sập đường hầm Thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Trong thời gian cứu hộ, Công ty Điện lực Lâm Đồng cử một Lãnh đạo Công ty, 20 công nhân lành nghề cùng tham gia ứng trực tại hiện trường 24/24h                               (Hồ Ngọc Thiên Phương)

 


  • 22/12/2014 09:42
  • Phạm Hồng Quảng - Phó giám đốc Điện lực Lạc Dương
  • 3765


Gửi nhận xét