Hiệu quả thiết thực
DHD quản lý, vận hành 4 nhà máy thủy điện (Đa Nhim, Sông Pha, Hàm Thuận, Đa Mi) nằm rải rác tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, nhưng trụ sở Công ty lại ở tỉnh Lâm Đồng.Vì vậy, việc quản lý điều hành sản xuất kinh doanh gặp những khó khăn và hạn chế nhất định. Năm 2012, DHD đã nghiên cứu, đầu tư xây dựng OCC và đưa vào vận hành từ tháng 12/2013 (đối với cụm nhà máy Hàm Thuận – Đa Mi) và từ tháng 3/2014 đối với cụm nhà máy Thủy điện Đa Nhim – Sông Pha.
Sau gần 5 năm hoạt động chính thức, đến nay OCC đã vận hành ổn định, hệ thống truyền dẫn, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống thu thập dữ liệu đều hoạt động tin cậy, hiệu quả, không xảy ra các sự cố do chủ quan. Tất cả các thao tác được thực hiện tại OCC đều kịp thời, chính xác theo yêu cầu của Điều độ quốc gia và Điều độ miền.
Mỗi ca trực vận hành của DHD hiện nay chỉ cần 2-3 người
|
Việc đưa OCC vào vận hành đã đáp ứng cơ bản những yêu cầu về chiến lược phát triển của Công ty theo mô hình quản lý tập trung, phát huy hiệu quả quản lý vận hành sản xuất điện. OCC đã tổng hợp và cung cấp một cách đầy đủ, kịp thời các thông tin về thiết bị các nhà máy, tình hình thủy văn trên các lưu vực hồ chứa và các số liệu liên quan phục vụ phân tích, đánh giá kết quả SX- KD, từ đó thiết lập bản chào giá hợp lý đối với các nhà máy điện, tham gia hiệu quả vào thị trường phát điện cạnh tranh. Ngoài ra, nhờ có OCC, Công ty đã tiết kiệm chi phí thuê kênh truyền viễn thông do giảm từ 20 kênh thuê truyền dẫn xuống chỉ còn 5 kênh.
Ông Đỗ Minh Lộc – Phó Tổng giám đốc DHD cho biết, với OCC, mỗi ca trực vận hành của Công ty chỉ cần bố trí Trưởng ca vận hành Trung tâm và 01 nhân viên vận hành, thực hiện chỉ huy vận hành các nhà máy. Hiện nay, Công ty vẫn tiếp tục duy trì bộ phận trực ca vận hành tại các nhà máy, mỗi ca trực vận hành tại chỗ được bố trí từ 2 đến 3 người/1 ca, theo dõi hỗ trợ, giám sát, thao tác các thiết bị tại chỗ. Việc sắp xếp, bố trí tăng cường lực lượng vận hành tại chỗ sẽ được tiếp tục xem xét điều chỉnh trong thời gian tới sao cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
Sẽ nhân rộng mô hình
Theo lãnh đạo DHD, khó khăn nhất trong việc xây dựng mô hình chính là yêu tố con người. Để vận hành thử nghiệm hệ thống OCC vào tháng 12/2013, Công ty đã phối hợp với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), tổ chức đào tạo và kiểm tra công nhận 5 Trưởng ca vận hành cấp Công ty đủ điều kiện chỉ huy vận hành và xử lý sự cố các cụm nhà máy điện Đa Nhim - Sông Pha và Hàm Thuận - Đa Mi tại OCC. Đồng thời, đã ban hành Quy trình vận hành và xử lý các sự cố thiết bị tại các nhà máy Đa Nhim, Sông Pha, Hàm Thuận, Đa Mi và hệ thống thiết bị OCC.
Công ty cũng phối hợp với A0 xây dựng và ban hành Quy trình phối hợp vận hành giữa A0 với Công ty, trong đó đã thống nhất về cơ chế điều độ, huy động và phối hợp vận hành, xử lý sự cố thiết bị tại các nhà máy điện trong Công ty. Đến nay, nguồn nhân lực của DHD đã có thể đảm bảo vận hành hệ thống điều khiển xa OCC hiệu quả, ổn định.
Với những lợi thế về nguồn nhân lực hiện có, trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào quản lý kỹ thuật và sửa chữa bảo dưỡng, nâng cấp thiết bị. Đồng thời, sẽ tự động hóa hoàn toàn Nhà máy Thủy điện Sông Pha; xây dựng mô hình không người trực tại Nhà máy Điện mặt trời Đa Mi (dự kiến đưa vào vận hành tháng 6/2019).