Thành công bước đầu
Trao đổi với chúng tôi về thị trường phát điện cạnh tranh sau 1 năm vận hành chính thức, ông Trần Đăng Khoa - Trưởng ban Thị trường điện (EVN) cho biết: Một trong những đơn vị tham gia tích cực, mang lại hiệu quả cao trong thị trường phát điện cạnh tranh là Công ty DHD. Đây là đơn vị điển hình có chiến lược chào giá vào loại tốt nhất, tăng lợi nhuận.
Trước tiên, câu trả lời nằm trong khâu chuẩn bị tốt nhất. Ngay từ năm 2007, DHD đã bắt tay ngay vào việc chuẩn bị nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, sẵn sàng tham gia thị trường phát điện. Nguồn nhân lực triển khai công tác này của Công ty được tuyển chọn từ những trưởng ca giỏi và có kinh nghiệm từ các nhà máy. Lực lượng này trực tiếp tham gia tìm hiểu, phân tích đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường, thiết lập các bản chào giá thử nghiệm, lựa chọn những giải pháp hợp lý phù hợp với những tình huống khác nhau. Bên cạnh đó, Công ty còn tổ chức nhiều khóa học, hội thảo, tham quan học hỏi, trao đổi kinh nghiệm tại các đơn vị bạn. Tính đến nay, đã có hàng chục cán bộ công nhân viên của Công ty được đào tạo về thị trường phát điện cạnh tranh và hàng trăm hội nghị, hội thảo đã được tổ chức.
Ông Đỗ Minh Lộc – Phó tổng giám đốc DHD cho biết: Để chuẩn bị cho thị trường phát điện, DHD đã hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin. Đó là: Hệ thống mạng thông tin nội bộ thị trường phát điện; Hệ thống đọc công tơ đo đếm từ xa; Hệ thống quản lý lệnh điều độ, Hệ thống chào giá, Hệ thống hỗ trợ tính toán thanh toán...
Chuẩn bị tốt cả về hạ tầng và nhân lực là yếu tố quan trọng để DHD tham gia TTĐ thành công - Ảnh: Xuân Tiến
|
Tất cả các thông tin phục vụ thị trường phát điện đều tập trung về trụ sở chính của Công ty với đội ngũ CBCN vận hành đã có kỹ năng thành thạo trong công tác chào giá, áp dụng mô hình Trưởng ca điều hành tại 2 phân xưởng sản xuất luân phiên kiêm nhiệm công tác thị trường điện.
“Do kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống giám sát và thu thập dữ liệu từ các nhà máy được xây dựng hoàn chỉnh, đã góp phần quan trọng vào thành công bước đầu của Công ty trong việc tham gia chính thức thị trường phát điện cạnh tranh”, ông Lộc nhấn mạnh.
Ngoài ra, Công ty luôn chú trọng nâng cao chất lượng bảo trì, bảo dưỡng thiết bị…, đảm bảo các tổ máy sẵn sàng hoạt động theo yêu cầu của thị trường.
Kể từ khi chính thức tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, hoạt động sản xuất – kinh doanh của DHD ngày càng hiệu quả, doanh thu và lợi nhuận ngày càng tăng vượt kế hoạch. Trong năm 2012, DHD sản xuất được 2.925 triệu kWh điện (kế hoạch là 2.576 triệu kWh điện), đạt 113,55% kế hoạch. Năm 2013, Công ty đặt ra mục tiêu sản xuất 2.576 triệu kWh điện, doanh thu sản xuất điện đạt 1.393 tỷ đồng, lợi nhuận là hơn 50 tỷ đồng, đảm bảo hiệu quả cao trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh gắn với cơ chế kiểm soát và hạn chế rủi ro.
Bài học kinh nghiệm
Theo ông Lộc, muốn tham gia thị trường phát điện cạnh tranh hiệu quả, trước hết các đơn vị cần có đội ngũ nhân lực chuyên trách chất lượng cao, có kiến thức và am hiểu các quy luật của thị trường; có khả năng phân tích hệ thống và nắm vững các đặc tính vận hành hồ chứa, tình hình thuỷ văn cũng như hoạt động của các thiết bị tại các nhà máy tham gia thị trường.
Ngoài ra, các tổ máy khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh phải luôn sẳn sàng đáp ứng công suất theo yêu của thị trường. Mặt khác, đơn vị phải luôn theo sát, nắm bắt kịp thời các thông tin về diễn biến trên thị trường phát điện, các điều kiện vận hành tổ máy, kịp thời bổ sung, hiệu chỉnh bản chào giá theo đúng các quy định, đảm bảo được doanh thu cao nhất.
Chia sẻ về hoạt động của DHD trong thời gian tới, ông Lộc cho biết: Theo xu hướng thì thị trường phát điện cạnh tranh sẽ ngày càng khó khăn phức tạp. Vì vậy, để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh 2013 cũng như các năm tiếp theo, Công ty đang tiếp tục đầu tư nâng cấp thiết bị, kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực tham gia tốt công tác vận hành thị trường điện. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị nhằm đảm bảo tính sẵn sàng của các tổ máy ở mức cao nhất, luôn đáp ứng kịp thời việc huy động công suất của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia.
Mặt khác, DHD tiếp tục phát huy những lợi thế riêng sẵn có, chủ động thu thập các thông tin về việc vận hành hệ thống điện, tổ chức nghiên cứu thị trường nhằm thiết lập được các bản chào tối ưu trong quá trình tham gia thị trường điện, cũng như đảm bảo yêu cầu cấp nước cho địa phương.
DHD chuẩn bị đầy đủ hạ tầng công nghệ để chủ động tham gia thị trường điện - Ảnh: PV
|
Còn nhiều việc phải làm…
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ sau 1 năm tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, DHD vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Cụ thể, các nhà máy thủy điện thuộc Công ty quản lý và các nhà máy thủy điện khác đều phải làm nhiệm vụ cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nên khi tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh sẽ rất bị động trong việc tính toán, lập bản chào giá, vì có những thời điểm buộc phải phát điện, đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt và nông nghiệp, trong khi giá thị trường rất thấp, nên doanh thu sẽ bị giảm.
Bên cạnh đó, quy định giới hạn mực nước hồ cũng như việc phân bổ sản lượng điện theo hợp đồng cho các nhà máy chưa phù hợp theo tần suất thủy văn đối với các hồ chứa. Có những thời điểm sản lượng điện theo hợp đồng giao cho các nhà máy cao hơn khả năng của nhà máy. Điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của Công ty. Hoặc nếu phát đủ sản lượng điện theo hợp đồng sẽ dẫn đến nhà máy bị vi phạm quy định về giới hạn mực nước hồ, dẫn đến việc không được tiếp tục tham gia thị trường điện. Mặt khác, các thông tin ràng buộc của hệ thống điện trong quá trình vận hành thị trường cũng chưa được công bố đầy đủ theo quy định, khiến các nhà máy điện đôi khi còn bị động trong khâu dự báo về hệ thống điện, từ đó khó đưa ra bản chào giá phù hợp.
Ông Lộc cho biết thêm: “Ngoài ra, trong quá trình tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, còn gặp một số các vướng mắc cũng như những hạn chế trong việc chào giá, tính giá trên thị trường. Ví dụ: Các phần mềm chào giá, hỗ trợ tính toán thanh toán chưa được cập nhật kịp thời và đồng bộ giữa đơn vị vận hành thị trường và đơn vị tham gia thị trường dẫn đến công tác tính toán thanh toán mất nhiều thời gian đối chiếu kết quả. Các số liệu về thuỷ văn của các hồ chứa được đơn vị vận hành thị trường dự báo để đưa ra quy định giới hạn mực nước hồ hàng tuần chưa phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho việc tính toán chào giá”.
Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi:
- Thành lập ngày 21/5/2001
- Tổng công suất đặt: 642,5 MW (13 tổ máy)
- Điện lượng bình quân 2,6 tỷ kWh/năm
- Quản lý, vận hành 4 nhà máy thủy điện:
- Nhà máy Thủy điện Đa Nhim (160 MW)
- Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận (300 MW)
- Nhà máy Thủy điện Đa Mi (175 MW)
- Nhà máy Thủy điện Sông Pha (7,5 MW)
|