Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia phải gắn với bảo vệ môi trường​​​​​​​

Phát triển ngành năng lượng Việt Nam với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia gắn với bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước - đây là chủ đề chính của Diễn đàn năng lượng Việt Nam – hiện tại và tương lai, diễn ra ngày 4/5, tại Hà Nội.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, ngành năng lượng là ngành hạ tầng giữ vai trò cốt yếu trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Những năm qua, Chính phủ đã quan tâm và dành sự ưu tiên cao để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Nhu cầu điện năng của Việt Nam đã tăng rất nhanh, đặc biệt trong 15 năm trở lại đây, với mức tăng trưởng điện năng thương mại lên đến 9,3%/năm. Dự kiến, ít nhất trong 10 năm tới, nhu cầu điện tăng trưởng sẽ trên dưới 10%.

Năm 2015, tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc vào khoảng 55 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050, đề ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Cụ thể, đến năm 2020, nhu cầu năng lượng sẽ vào khoảng 100 - 110 triệu TOE và 310 – 320 triệu TOE vào năm 2050.

"Diễn đàn năng lượng Việt Nam - hiện tại và tương lai" thu hút đông đảo các đại biểu tham dự

Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức như nhu cầu năng lượng tăng cao, trong khi ràng buộc về môi trường ngày càng chặt chẽ và nặng nề hơn. Điều này một mặt gây áp lực cho việc đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, mặt khác tạo sức ép cho nền kinh tế trong việc huy động đủ nguồn vốn đầu tư cho ngành năng lượng.

Để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam đang chuyển đổi từ một nước xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng. Trước đây, Việt Nam từng xuất khẩu điện sang Campuchia, Lào và cũng xuất khẩu than lớn với cao điểm lên đến 20 triệu tấn than/năm. Nhưng từ năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu gần 10 triệu tấn than, và mua điện từ Trung Quốc thời điểm cao nhất lên đến 5 tỷ kWh (hiện sản lượng đã giảm, chỉ còn trên dưới 1 tỷ kWh).

Dự kiến, Việt Nam sẽ nhập 17 triệu tấn than, chiếm khoảng 31% sản lượng than cho nhu cầu phát điện năm 2020, và tiếp tục tăng mạnh hơn vào những năm sau đó.

Để giải quyết bài toán năng lượng cho phát triển kinh tế đất nước, Bộ Công Thương đang xây dựng cơ chế chính sách theo 2 cách tiếp cận, một là sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, hai là sử dụng công nghệ thân thiện môi trường để sản xuất năng lượng.

Hướng tới nền kinh tế sử dụng cacbon thấp, thay đổi mô hình sản xuất và tiêu thụ điện năng bền vững, Việt Nam đang chuyển đổi từ giai đoạn sử dụng kém hiệu quả nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh phát biểu tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam

Tại Diễn đàn, vấn đề được các đại biểu quan tâm và thảo luận sôi nổi là liệu có nên tiếp tục phát triển nhiệt điện than. Theo ông Hoàng Quốc Vượng, với bối cảnh của nước ta hiện nay, vấn đề không phải là có phát triển nhiệt điện than hay không mà làm sao phát triển nhiệt điện than nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng, vừa không hủy hoại môi trường.

Cùng quan điểm trên, theo Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh, trong bối cảnh các nguồn thủy điện khai thác hết, điện hạt nhân đã dừng đầu tư, năng lượng tái tạo dù có tiềm năng nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ, nguồn khí dần suy giảm thì nhiệt điện than vẫn là nguồn điện quan trọng cho đất nước trong những năm sắp tới.

“Vấn đề quan trọng là phát triển nhiệt điện than phải gắn với việc sử dụng công nghệ hiện đại, tiến tiến, đặc biệt là công nghệ siêu siêu tới hạn. EVN đang từng bước triển khai áp dụng đối với các nhà máy nhiệt điện than do EVN quản lý” - ông Nguyễn Tài Anh cho biết.

Một vấn đề nữa cũng được các đại biểu quan tâm là giá năng lượng và giá điện. Theo PGS. TS Trần Đình Thiên – Viện Kinh tế Việt Nam, giá năng lượng, giá điện hiện nay chưa thực sự là giá thị trường khiến cho quan hệ cung - cầu "méo mó".

“Giá điện thấp chỉ kích thích tiêu thụ điện nhưng không khuyến khích sản xuất điện và thu hút đầu tư. Đây là bài toán chúng ta cần đưa ra nhiều phương án giải quyết” - ông Trần Đình Thiên khẳng định.

Cũng theo ông Thiên, trong tương lai, Việt nam cần xem xét đặt chiến lược phát triển năng lượng trong tổng thể chiến lược phát triển nền kinh tế, đáp ứng cả cung và cầu.

Thực tế, ngành năng lượng Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đất nước, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Diễn đàn năng lượng Việt Nam – hiện tại và tương lai là cơ hội cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các viện nghiên cứu, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng trao đổi và thảo luận về Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050 với mục tiêu bảo vệ nguồn tài nguyên năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường của đất nước.


  • 04/05/2017 03:12
  • Hạ An
  • 11735