Đảm bảo đủ điện cho đất nước gắn liền với tài chính lành mạnh

Đó là hai nhiệm vụ trọng tâm về công tác tài chính kế toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị trong năm 2016 và 5 năm (giai đoạn 2016 – 2020).

Hội nghị trực tuyến về công tác tài chính kế toán vừa diễn ra tại Hà Nội, do Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An chủ trì.

Hội nghị trực tuyến công tác tài chính năm 2016 - Ảnh: P.Trang.

Báo cáo tại hội nghị, ông Đinh Quang Tri – Phó tổng giám đốc EVN cho biết, trong 5 năm 2011 – 2015, hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp nhiều yếu tố bất lợi như: Lạm phát và lãi suất cao; tỷ giá và giá nhiên liệu biến động theo xu hướng tăng; mất cân đối về tài chính do kết quả lỗ trong sản xuất kinh doanh điện năm 2010 – 2011; hạn hán, bão, lũ xảy ra bất thường hàng năm...

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cùng với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả của EVN và các đơn vị, đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải quyết bài toán cân bằng tài chính.

Tính đến cuối năm 2015, tổng số vốn điều lệ của EVN lên tới 160.000 tỷ đồng. Các chỉ tiêu tài chính đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn.

5 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của cuộc khủng hoảng kinh tế tiền tệ trong nước và thế giới, EVN và các đơn vị đã thu xếp đủ vốn cho các công trình điện. Nhiều công trình trọng điểm đều bám sát và vượt tiến độ đề ra như: Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Duyên Hải 1, Đường dây 500 kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông... nâng cao công suất dự phòng cho hệ thống điện quốc gia, cung ứng đủ điện cho miền Nam và các vùng kinh tế trọng điểm.

Giai đoạn 2011 – 2015:

  • Hơn 492.000 tỷ đồng: Là tổng giá trị khối lượng đầu tư toàn EVN (gấp 2,42 lần so với giai đoạn 2006 – 2010),
  • Hơn 320.000 tỷ đồng: Là tổng giá trị hợp đồng vay của EVN và các đơn vị đã ký với các ngân hàng trong nước và nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế đa phương và song phương;
  • 4,8 tỷ USD: Là tổng giá trị vốn vay ODA
  • 5 tỷ USD: Là tổng giá trị vốn vay thương mại.

Tập đoàn còn đảm bảo vốn đầu tư cho các dự án điện nông thôn và hải đảo như, cấp điện cho các thôn bản chưa có điện khu vực Tây Nguyên, các hộ đồng bào nghèo tại các tỉnh khu vực Tây Bắc Bộ và Tây Nam Bộ, cấp điện cho các huyện đảo Cô Tô, Lý Sơn, Phú Quốc...

Tại hội nghị, các đơn vị đã trình bày các tham luận với nhiều nội dung thiết thực như: Giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động theo kịp các nước tiên tiến trong khu vực vào năm 2020; giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư và tài sản cố định; nhiệm vụ và giải pháp giảm chi phí phân phối; cơ chế tài chính trong thị trường bán buôn; đảm bảo cân bằng tài chính và thu xếp vốn.

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An khẳng định: Mục tiêu quan trọng hàng đầu là đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế đất nước và đời sống của nhân dân gắn liền với sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tài chính lành mạnh.

Xác định trong năm 2016 và các năm tiếp theo phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức liên quan tới công tác tài chính, EVN đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, tập trung hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, đảm bảo đủ vốn cho kế hoạch đầu tư xây dựng; tiếp tục đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư hoàn thành.

Đồng thời, EVN còn yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động; đổi mới quản trị tài chính doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thanh kiểm tra và đào tạo nâng cao trình độ quản lý kế toán.

Cũng tại hội nghị, EVN đã công bố danh sách khen thưởng các tập thể và cá nhân xuất sắc trong công tác tài chính kế toán năm 2015.

Chỉ đạo của Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành về nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong công tác tài chính của EVN thời gian tới:

  1. Xây dựng kế hoạch tài chính giai đoạn 2016 – 2030, trong đó tập trung giai đoạn trước mắt là 2016 – 2020.
  2. Hoàn thiện quy chế tài chính, sửa đổi hoặc bổ sung các quy chế quản lý nội bộ, thực hiện chủ đề năm 2016 là “Nâng cao năng lực quản trị trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”.
  3. Xây dựng kế hoạch huy động vốn và phương án thu xếp nguồn vốn trình HĐTV EVN phê duyệt.
  4. Hoàn thiện cơ chế tiền lương, phân phối quỹ tiền lương đảm bảo khuyến khích CBCNV.
  5. Tiếp tục thực hiện đề án tối ưu hóa chi phí, cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu.
  6. Tiếp tục thực hiện đề án nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động, thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện và rút kinh nghiệm triển khai.
  7. Ban hành đầy đủ các định mức, đơn giá phục vụ công tác quản lý của Tập đoàn, phân tách cụ thể giữa các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối điện và các dịch vụ khác.
  8. Công khai chi phí sản xuất kinh doanh, truyền tải và phân phối điện; phân tách giữa công ích và sản xuất kinh doanh, đề xuất cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo.
  9. Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các tổng công ty phát điện.

 


  • 26/04/2016 10:10
  • Hạ An
  • 7226