Khô hạn, tình trạng thiếu nước xảy ra sớm
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2015 - 4/2016, lượng mưa ở khu vực Trung Bộ thiếu hụt tới 30-50%, khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và Bình Thuận lượng mưa ở mức thấp hơn 20-40% so với TBNN và mùa mưa kết thúc sớm. Điều này làm ảnh hưởng đến nguồn nước của các hồ thủy điện.
Hiện nay, trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn có 6 hồ thủy điện (tổng công suất đặt là 870 MW) với tổng dung tích hữu ích là 1,18 tỷ m3, trong đó, 4 hồ có khả năng điều tiết đáp ứng nhu cầu nước hạ du là Thủy điện A Vương, Đăk Mi 4, Sông Tranh và Sông Bung 4.
Trong năm 2015, lượng nước về các hồ chứa trên địa bàn các tỉnh từ Thanh Hóa trở vào thiếu hụt từ 40-60% so với TBNN, nhiều hồ không xuất hiện lũ như Ialy, Pleikrong, A Vương, Sông Bung 4. Tính đến 01/01/2016, nhiều hồ không đạt được mực nước dâng bình thường (NDBT), hay như mức nước tối thiểu đầu mùa cạn theo quy định của Quy trình điều tiết liên hồ chứa, dẫn đến tổng sản lượng thủy điện thiếu hụt khoảng 3,2 tỷ kWh so với mực NDBT.
Đến thời điểm 01/03/2016, mực nước hồ Thủy điện A Vương là 370,21 m, thấp hơn 3,99 m so với mực nước tối thiểu theo quy định. Trong khi đó, Thủy điện Sông Tranh 2 là một trong số ít hồ chứa tích đủ nước đến mực NDBT, nhưng vẫn phải xả cầm chừng, giữ nước cho mùa khô. Các nhà máy thủy điện lớn như A Vương, Sông Bung 4, Sông Tranh 2… ngoài việc hoạt động để đảm bảo sản lượng điện theo hợp đồng với các đối tác, còn phải đảm bảo phân bổ nguồn nước hợp lý cho hạ du.
Tình hình thủy văn khó khăn, nhưng thủy điện A Vương vẫn ưu tiên điều tiết nước chống hạn cho hạ du
|
Nỗ lực chống hạn
Sáng ngày 03/03/2016, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Công Thương có buổi làm việc với các nhà máy thủy điện và lãnh đạo 2 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, bàn phương án đảm bảo cung cấp nước cho hạ du trong mùa khô 2016 kết hợp với việc vận hành các hồ thủy điện hiệu quả. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đề nghị: “Quy trình vận hành liên hồ chứa Chính phủ ban hành đã có hiệu lực và đi vào hoạt động được 5 tháng, đề nghị các nhà máy thủy điện, các chủ hồ chứa tập trung thực hiện đúng theo chỉ đạo. Trong vận hành, các nhà máy thủy điện cần phải có quy trình cụ thể cho mùa lũ và mùa khô, tránh tình trạng chồng chéo, tuyệt đối không được lãng phí nguồn tài nguyên nước. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ hồ chứa. Việc lắp đặt camera cho các nhà máy thủy điện phải được tiến hành ngay lập tức trong tháng 3 theo đúng quy trình”.
Ngay trong năm đầu tiên vận hành quy trình liên hồ mùa cạn, các nhà máy thủy điện trên sông Vu Gia - Thu Bồn lại phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, thiếu nước nghiêm trọng. Tuy nhiên, từ những khó khăn đó, các thủy điện và địa phương đã phối hợp chặt chẽ, có các giải pháp hợp lý trong điều tiết nước tại các hồ thủy điện, đảm bảo vận hành hồ chứa theo đúng quy trình mà vẫn đạt được hiệu quả cấp nước cho hạ du.
Theo ông Phạm Phong, Tổng giám đốc Công ty Thủy điện Sông Ba: “Từ tháng 10 hàng năm, Sông Ba đã theo dõi dự báo nước về hồ cho năm sau. Do đó, Công ty đã phân bổ kế hoạch theo hướng tăng dần đến tháng 9, đảm bảo an toàn hạ du. Tuy vậy, hồ K’Rông H’Năng cũng chỉ đóng góp khoảng 50 triệu m3 nước cho hạ du. Sở Công Thương, tỉnh Phú Yên đang chỉ đạo hồ Sông Hinh, Sông Ba Hạ phối hợp để giải quyết tốt cho mùa cạn. Tôi nghĩ vụ mùa năm nay tại Phú Yên sẽ ít bị ảnh hưởng như các địa phương khác”.
Ông Lê Đình Bản, Phó Tổng giám đốc Công ty Thủy điện A Vương cũng cho biết thêm: “Trong mùa lũ năm 2015, lượng nước về hồ rất thấp. Để đảm bảo tích nước đến cuối mùa lũ và đầu mùa cạn năm 2016, Nhà máy Thủy điện A Vương đã tham gia gián tiếp thị trường phát điện cạnh tranh từ 0h ngày 08/12/2015 cho đến nay”.
Vào đầu mùa cạn, mực nước hồ chứa Thủy điện A Vương chỉ đạt 357 m (mực nước dâng bình thường là 380 m). Thời gian qua, do mực nước hồ chứa Thủy điện A Vương ở mức thấp và không đảm bảo mực nước theo quy định, nên Nhà máy không phát điện, chủ yếu tập trung tích nước hồ chứa để chống hạn cho hạ du theo sự điều hành của UBND tỉnh Quảng Nam.
Ông Trương Xuân Tý, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam: Tôi đánh giá rất cao những đóng góp của các công ty thủy điện trong việc phối hợp điều tiết nước cho hạ du vào mùa cạn của các năm. Với mục đích chung vì lợi ích của nhân dân và hài hòa hiệu quả phát điện, trong năm 2016, Chi cục sẽ lập kế hoạch nhu cầu nước hạ du một cách chi tiết và hiệu quả nhất, nhằm tiết kiệm từng “giọt nước” của các hồ thủy điện. Hiện nay, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đang xây dựng những kịch bản đối phó với các tình huống đặc biệt nhằm giải quyết tình hình thiếu nước chung của Tỉnh. Đối với các hồ chứa thiếu hụt nước dự trữ cho mùa hạn, Chi cục đã và sẽ tiếp tục có những yêu cầu giảm phát điện để giữ nước, tập trung dự trữ nước cho sản xuất vụ Hè Thu 2016. |