Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La - công trình trọng điểm quốc gia có quy mô và công suất lớn nhất Đông Nam Á (2.400 MW) được đầu tư xây dựng tại xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La với phạm vi ảnh hưởng đến 248 bản của 31 xã thuộc 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Trong đó, tỉnh Sơn La có diện tích đất bị ngập lớn nhất (15.700/23.333 ha) và số lượng hộ dân phải di chuyển nhiều nhất (12.584/20.477 hộ) với 58.337 nhân khẩu.
Phát biểu tại hội nghị, ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, qua 15 năm thực hiện dự án (bắt đầu từ dự án mẫu Tân Lập, huyện Mộc Châu năm 2001), tỉnh Sơn La đã hoàn thành nhiệm vụ di dân, tái định cư Dự án Thủy điện Sơn La.
Đặc biệt, với khẩu hiệu "Tất cả vì dòng điện ngày mai của tổ quốc”, đến ngày 15/4/2010, tỉnh Sơn La đã di chuyển 12.584/12.584 hộ dân đến nơi ở mới, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Công cuộc di chuyển dân tái định cư Thủy điện Sơn La ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đảm bảo cho việc khởi công và khánh thành nhà máy sớm hơn 3 năm so với kế hoạch, đem lại lợi ích to lớn cho đất nước.
Nhiều hộ dân tái định cư Thủy điện Sơn La đã thoát nghèo với cuộc sống đầy đủ tiện nghi hơn - Ảnh Huyền Thương
|
Để đáp ứng yêu cầu về ổn định đời sống tại nơi ở mới, tỉnh Sơn La đã tổ chức xây dựng khá đồng bộ kết cấu hạ tầng, kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị tại các điểm tái định cư. Cùng với đó, tỉnh Sơn La đã giao đất sản xuất cho 10.128 hộ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho 11.648 hộ gia đình, đồng thời nghiêm túc thực hiện công tác hỗ trợ, bồi thường với 7.761 phương án cho 12.584 hộ tái định cư và 15.985 hộ dân tại nơi đón nhận nhân dân đến tái định cư.
Tại các nơi tái định cư, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác khuyến nông, hướng dẫn nhân dân áp dụng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt đem lại năng suất cao hơn nhằm tăng thu nhập.
Đến hết năm 2015, thu nhập bình quân đầu người khu tái định cư đạt 1,28 triệu đồng/người/tháng (thời điểm trước khi chuyển dân là 0,34 triệu đồng/người/tháng); 75% nhà ở kiên cố; 99% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% hộ dân tái định cư được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% trẻ em đến tuổi đi học được đến trường; tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học vùng tái định cư là 100%, phổ cập giáo dục THCS là 99%.
Số điểm tái định cư ổn định, có điều kiện phát triển là 169/276 điểm (chiếm 61%), số điểm tái định cư ổn định, có khả năng phát triển là 88/276 (chiếm 32%), số điểm chưa ổn định là 19/276 điểm (chiếm 7%).
Các cháu học sinh tái định cư được học trong cơ sở hạ tầng đầy đủ - Ảnh Huyền Thương
|
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, Sơn La là tỉnh có số dân di chuyển và tái định cư lớn nhất. Trước nhiệm vụ to lớn đó, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Sau 15 năm tỉnh Sơn La đã thực hiện và hoàn thành xuất sắc dự án.
Để tiếp tục ổn định và nâng cao thu nhập người dân vùng tái định cư theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các cấp ủy đảng tỉnh Sơn La phát huy và tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như sau: Hoàn thành các công trình còn dang dở thuộc các dự án trên địa bàn, trong đó bao gồm mô hình sản xuất, kè suối Nậm La... Chủ động thực hiện đề án “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La” trên địa bàn tỉnh Sơn La ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Xây dựng và phê duyệt các dự án duy tu, bảo dưỡng các công trình công cộng khu tái định cư và vùng tái định cư; Tiếp tục lồng ghép các chương trình phát triển trên địa bàn, tăng cường khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp đỡ người dân tái định cư nâng cao thu nhập bền vững tại nơi ở mới.
Cũng tại hội nghị, đã có 5 tập thể và cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 13 cá nhân và tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 7 tập thể và 17 cá nhân được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen; 30 tập thể và 49 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La giai đoạn 2011-2015.