Tuân thủ sự điều tiết của địa phương

Hạn hán đang diễn ra gay gắt trên diện rộng tại các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, dự báo hạn hán có thể kéo dài tới tháng 9. Vì vậy, dù lượng nước về thấp hơn trung bình nhiều năm, khả năng tích nước để vận hành trong mùa khô là khó khăn, nhưng các công ty thủy điện khu vực này vẫn ưu tiên cấp nước chống hạn, cứu lúa theo sự điều tiết của chính quyền địa phương.

Thủy điện thiếu nước

Tại các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, mùa mưa năm 2015 kết thúc sớm, tổng lượng mưa thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, đến cuối tháng 2, tần suất nước về các hồ thủy điện khu vực miền Trung đạt từ 65% - 98%; khu vực Tây Nguyên đạt từ 82% - 98%.

Ông Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng phòng Vận hành Thị trường điện, Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cho biết, do không bảo đảm mực nước giới hạn nên từ ngày 6/10/2015, Công ty đã tạm thời tham gia gián tiếp thị trường điện. Đến cuối tháng 2, lưu lượng nước về hồ chứa Đơn Dương cũng chỉ đạt trung bình là 7,75 m3/s, thấp hơn trung bình nhiều năm (8,27 m3/s); hồ Hàm Thuận 6,69 m3/s, thấp hơn trung bình nhiều năm (9,18 m3/s).

Tại khu vực miền Trung, lưu lượng nước về hồ A Vương cũng rất thấp. Theo Phó Tổng giám đốc Công ty Thủy điện A Vương Lê Đình Bản, hiện nay, Nhà máy Thủy điện A Vương hầu như không phát điện mà chủ yếu tập trung tích nước hồ chứa theo sự điều hành của UBND tỉnh Quảng Nam. Đến nay, mực nước hồ A Vương chỉ đạt 370,14m, thấp hơn so với trung bình nhiều năm, không bảo đảm mực nước quy định theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, trong tháng 4, mực nước các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên ít thay đổi. Lượng nước trên các sông chính đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 22% - 75%.

Thủy điện A Vương ưu tiên xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp

Các địa phương gồng mình chống hạn

Do thiếu nước, vụ đông xuân 2015 - 2016, hàng chục nghìn hécta đất nông nghiệp phải dừng sản xuất, trong đó có những vùng đã phải dừng sản xuất 5 - 6 vụ liên tiếp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng lương thực và đời sống của nhân dân.

Trong khi đó, những tháng cao điểm mùa khô khu vực Tây Nguyên có thể kéo dài tới tháng 6, khu vực Nam Trung Bộ tới tháng 9, hạn hán tiếp tục diễn ra gay gắt trên diện rộng và kéo dài, có nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ đông xuân, hè thu và ngay cả nước cho sinh hoạt của người dân. Vì vậy, triển khai các giải pháp chống hạn là công việc hết sức cấp bách.

Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, để bảo đảm an ninh cung cấp điện và cấp nước hạ du, từ tháng 12.2015 đến nay, Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia và các địa phương để tập trung tích nước cho các hồ thủy điện. Trong đó, ưu tiên cấp nước cho vùng hạ du tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận - khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn hán.

Dự báo thời gian tới, tình hình khô hạn tiếp tục diễn ra gay gắt trên diện rộng và có thể kéo dài đến hết mùa khô 2016, trong khi đó lưu lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục thấp. Vì vậy, Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi sẽ vận hành Nhà máy theo phương thức ưu tiên hàng đầu cho việc cấp nước chống hạn, sau đó là cấp điện.

Theo ông Lê Đình Bản, mùa khô năm 2016, hồ Thủy điện A Vương không đủ điều kiện vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa và đã tham gia gián tiếp thị trường điện từ ngày 8/12/2015 vì mực nước hồ không bảo đảm. Từ nay đến tháng 8, Công ty Thủy điện A Vương sẽ phối hợp với Sở NN - PTNT tỉnh Quảng Nam xác định lưu lượng chạy máy, đáp ứng nhu cầu thực tế sử dụng nước hạ du và tình hình thủy văn hồ chứa cụ thể theo từng tháng.

Mới đây, tại Văn bản số 36/TB-VPCP về công tác phòng, chống hạn hán tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo:

  • Huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng vào cuộc dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng;
  • Làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, chủ động thông tin kịp thời đến người dân về diễn biến của hạn hán để có nhận thức đầy đủ về tác động nghiêm trọng của hạn hán; chủ động tham gia phòng, chống hạn hán; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. 
  • Cần nghiên cứu các giải pháp tổng thể, căn cơ, dài hạn, có lộ trình, bước đi phù hợp, đồng bộ để chủ động đối phó với hạn hán và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước.

 


  • 13/04/2016 08:50
  • Theo daibieunhandan.vn
  • 5631


Gửi nhận xét