"Cõng" điện lên "cổng trời" Hua Đán

Chật vật vượt qua con đường ngổn ngang đất đá, đầy cua dốc, một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là vách núi cheo leo, với nhiều cú cua thót tim, tính mạng như treo lơ lửng trên sợi tóc, chúng tôi đã đến Hua Đán - nơi được gọi là “cổng trời” của huyện Than Uyên (Lai Châu). Tại nơi “thâm sơn cùng cốc” với chỉ 50 hộ dân sống biệt lập này, cách đây hơn nửa năm, đã có điện lưới quốc gia. Câu chuyện “cõng điện” lên “cổng trời” phục vụ 50 hộ dân sống biệt lập nơi đây với biết bao tốn kém, khó nhọc của ngành Điện đã khiến chúng tôi kinh ngạc và xúc động.

Đầu tư hàng tỷ đồng, thu mỗi tháng 200-300 ngàn
Bắt đầu chuyến công tác, ông Lò Văn Tiến – Chủ tịch UBND xã Khoen On hồ hởi: “Đường vào Hua Đán vừa mới thông xong, giờ xe máy có thể vào đến tận nơi rồi”. Ông Tiến nói vậy, chúng tôi cũng mừng lây. Trước nay, nhắc đến Hua Đán, ai cũng ngán ngẩm, vì bản nhỏ ấy ở tít trên núi cao, quanh năm mây phủ. Đường vào khó khăn đến nỗi có khi mất cả ngày trời mới tới nơi. 
 

Điện đã về Hua Đán

 
Chúng tôi di chuyển từ trung tâm xã đến Trường Tiểu học số 2 xã Khoen On (cách trụ sở xã 7 km) thì ô tô buộc phải dừng lại để “tăng bo” bằng xe máy. Cùng đi với chúng tôi còn có anh Nguyễn Xuân Thuần - Phó giám đốc Điện lực Than Uyên (thuộc Công ty Điện lực Lai Châu) và anh Nguyễn Hữu Thắng – công nhân  Điện lực Than Uyên. Quãng đường còn lại chừng 6 - 7 cây số, anh Thắng ước tính, chúng tôi sẽ cần khoảng 30 - 45 phút mới tới nơi. 
 
“Mới mấy tháng trước, con đường này chỉ là một lối đi ngoằn nghèo, vô cùng chật chội, mỗi khi mưa xuống thì sình lầy, trơn trượt nên muốn vào bản cũng chẳng có cách nào khác ngoài… cuốc bộ” – anh Thắng cho biết.
 
Trước mắt tôi là con đường dẫn lên bản Hua Đán. Rộng thì có rộng đấy, nhưng đất đá lổn nhổn, mới chỉ được san gạt sơ sài. Anh Thắng bảo, chúng tôi rất may mắn vì hôm nay nắng ráo nên xe máy vẫn đi được.  
 
Bản Hua Đán được cấp điện từ tháng 5/2015, nằm trong một gói thầu cấp điện cho 565 khách hàng xã Khoen On và xã Mường Cang, với mức đầu tư hơn 8,6 tỷ đồng, do Tổng công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư, giao cho Công ty Điện lực Lai Châu thực hiện. 
 
Riêng tại Hua Đán chỉ có hơn 50 hộ, tất cả đều là đồng bào Mông. Mỗi tháng, tiền điện của cả bản tổng cộng khoảng… 200 – 300 nghìn đồng. Tôi nhẩm tính, hơn 50 hộ ở đây sử dụng điện còn chưa bằng mức tiêu thụ của một hộ gia đình bình thường ở thành phố. 
 
Đường sá vất vả như vậy thì đủ hiểu là ngành Điện kéo điện lên non khó nhọc đến chừng nào. Từ vận chuyển vật tư, thiết bị, dựng cột kéo dây, đến vận hành, phục vụ bán điện… là biết bao mồ hôi, công sức và nếu chỉ tính giá trị kinh tế của dự án, nếu không đủ tâm huyết, quyết tâm thì không doanh nghiệp nào có thể vượt qua được những dãy núi khó khăn trùng điệp này. 
 
Từ khi tiếp nhận quản lý vận hành và bán điện cho bà con Hua Đán, thợ điện Than Uyên vẫn đều đặn thực hiện công việc của mình, lên bản kiểm tra hành lang tuyến thường kỳ, ghi chỉ số hằng tháng. Bình thường, khi lên bản, anh Thắng “một mình một ngựa” gài số 2 là có thể an tâm vượt dốc, vượt đèo. Nhưng hôm nay, chở thêm tôi, chiếc xe wave do Công ty Điện lực Lai Châu cấp cho công nhân đi làm, trở nên ì ạch hơn nhiều dù đã về số 1.
 
Anh Thắng bặm môi, dùng cả 2 chân để chống, vừa giữ thăng bằng, vừa cố đẩy xe vượt lên khỏi những viên đá sắc cạnh ngổn ngang trên mặt đường. Tay lái có lúc chao đảo. Càng đi càng thấy dốc. Hết cua này đến cua khác. Tôi ngồi đằng sau, ngó bên này là vách núi cheo leo, nghiêng bên kia là vực sâu thăm thẳm, bỗng thấy lạnh gáy. 
 
Có lẽ, cảm nhận được tôi đang lo sợ, anh Thắng trấn an: “Đường thế này là khá hơn nhiều rồi. Mỗi khi lên bản gặp trời mưa, cứ 10 mét thì xe nằm ngang 2 lần là bình thường”. Nghe “chuyện vui” của anh, tôi chẳng biết nên khóc hay cười, trong lòng thầm nghĩ thợ điện miền núi thực quá vất vả. 
 
Đang đi, bỗng sương mù kéo đến dầy đặc. Anh Thắng bảo, thế là sắp tới bản rồi. Quả nhiên, thoát ra khỏi đám sương, trời lại quang đãng, xanh ngắt. 2 bên đường hiện ra những mảnh ruộng, nương nhỏ hẹp, chỉ còn trơ gốc rạ. Đằng xa, thưa thớt những nếp nhà lá hoặc mái phibroximang lẩn khuất sau đám cây rừng. 
 
Ngay đầu bản là Điểm trường Hua Đán, thuộc Trường Tiểu học số 2 xã Khoen On. Tôi gặp  thầy giáo Bùi Văn Đặng, năm nay 27 tuổi, quê tận Ninh Bình, đã cắm bản ở đây gần 1 năm. Trước đó, thầy Đặng cũng luân phiên dạy tại các điểm trường khác của xã Khoen On, toàn những nơi vùng sâu vùng xa cả.
 
Điểm trường này có 27 học sinh với 3 thầy giáo cắm bản. Thầy Đặng cho biết, từ khi có điện thì việc dạy và học nơi đây có nhiều thuận lợi hơn. Mùa đông ở Hua Đán sương mù dầy đặc nên ban ngày vẫn phải thắp điện mới đủ ánh sáng cho cả thầy và trò. “Trước đây phải dùng nhờ thủy điện mini của người dân nên điện lúc có lúc không, rất vất vả” – người giáo viên tiểu học vùng cao chia sẻ.
 
Lũ trẻ con Hua Đán, mặt mũi lấm lem, các gia đình ăn nhiều lúc không đủ no, mặc còn chưa đủ ấm. Thế nên, phải yêu nghề, yêu trẻ lắm thì các thầy mới có thể kiên trì đến vậy.
 
Trên đỉnh núi này, từ thứ 2 đến thứ 6, cuộc sống của các thầy giáo không có tivi, không có internet. Vì vậy, từ khi có điện lưới, thầy Đặng an tâm… sạc điện thoại và không còn lo bị… mất liên lạc với người nhà. Những chia sẻ chân thành của thầy giáo trẻ bám lớp bám trường khiến tôi vừa thương, vừa cảm phục.
 

Phó giám đốc Điện lực Than Uyên – Nguyễn Xuân Thuần (bên phải) trò chuyện cùng ông Sùng A Pủa (bên trái)

 
Vào sâu trong bản, chúng tôi men theo lối mòn, hỏi thăm gia đình Trưởng bản Sùng A Pủa. Ngôi nhà lợp mái phibroximang, vách bưng gỗ nằm chênh vênh bên sườn núi. Đi một vòng quanh nhà mới tìm thấy cửa ra vào, chỉ vừa đủ cho 1 người lách qua. 
 
Khi chúng tôi đến, Sùng A Pủa đang rít thuốc lào bên bếp lửa. Trong nhà tối om, chỉ thấy ánh lửa hồng và nghe có tiếng mỡ nổ lép bép của chảo thịt trên bếp, có lẽ là đang nấu bữa trưa. 
 
Thợ điện vốn đã không còn là khách lạ đối với dân bản, nên chúng tôi bước vào nhà mà ông cũng chẳng buồn đứng lên. Lúc này, ông chủ tịch xã Lò Văn Tiến lên tiếng giục gia đình bật điện cho sáng thì chiếc đèn compact bé xíu, treo giữa nhà mới tỏa ra thứ ánh sáng nhàn nhạt, mất hồi lâu mới nhìn rõ mặt người. 
 
Trưởng bản Hua Đán Sùng A Pủa trạc 45 – 46 tuổi, nhưng trông như lão niên ngoài 60. Ông là 1 trong 5 đảng viên ở bản này. Ông Sùng A Pủa cho biết, dân bản mỗi năm chỉ có thể làm 1 vụ lúa, vì thời tiết quá lạnh. Năm nay, nhà ông thu hoạch được cỡ 70 bao thóc, loại 45 kg/bao. “Gạo không đến nỗi thiếu, nhưng gà thì chết dịch cả rồi” – ông bảo thế.
 
Ông chẳng ngại cho tôi mượn chiếc đèn pin đi “thăm quan” khắp nhà. Một chiếc ti vi cũ kỹ, bụi bẩn phủ dầy hằng cen-ti-mét. Trưởng bản Sùng A Pủa chỉ lên cái bóng compact “trước chưa có điện này, phải dùng thủy điện mini, chập chờn quá nên nó hỏng từ lâu lắm rồi.”
 
Từ khi có điện lưới, nhà ông đã mua thêm nồi cơm điện, máy xát ngô, nhưng vẫn chưa sửa tivi vì “sợ lũ trẻ con mải xem phim, không chịu đi học”.
 
Tôi hỏi, mỗi tháng, gia đình dùng hết bao nhiêu tiền điện, ông ngẫm nghĩ hồi lâu rồi bảo, “cũng nhiều, phải hai, ba mươi nghìn đấy”. Theo lời ông Pủa, hằng tháng, dân bản đóng tiền cho đồng chí công an viên rồi họ sẽ mang xuống xã nộp chứ không phải đi nộp riêng lẻ.
 
Tôi lại hỏi, có nhà nào không đủ tiền trả không, Trưởng bản Sùng A Pủa ngoảnh ra nhìn Phó giám đốc Điện lực Than Uyên – Nguyễn Xuân Thuần đang ngồi bên cạnh, cho biết, nhân viên điện lực luôn luôn nhắc nhở mọi người phải nộp tiền điện đầy đủ và dặn dân bản không cho người lạ phá phách công tơ.
 
Khi rời Hua Đán, tôi nhớ lại lời chia sẻ chân tình của Chủ tịch xã Lò Văn Tiến, Khoen On là xã đặc biệt khó khăn, địa hình đồi núi phức tạp, dân trí còn thấp. “Chúng tôi biết ngành Điện đầu tư đưa điện đến các bản làng vùng cao là để giúp dân từng bước đến gần với cuộc sống văn minh, chứ ở đây thì lấy gì mà kinh doanh. Anh em công nhân Điện lực không kể mưa nắng, không quản ngại trèo đèo lội suối giữ điện, đưa điện đến cho dân, chúng tôi rất hiểu và thực lòng cảm ơn”. 
 
Trên đường trở về, tôi – một lần nữa được mục sở thị nỗi vất vả của thợ điện vùng cao. Lúc đi lên, toàn leo dốc đã khó, nay đi xuống, đổ đèo thẳng đứng mà trong lòng cũng kinh sợ không kém.
 
Tôi buột miệng hỏi anh Thắng: “Anh đã bao giờ bị hỏng xe giữa đường chưa?”. Chẳng may, vừa dứt lời thì chiếc xe wave phát tiếng kêu sàn sạt, sàn sạt. Lại thủng săm rồi, anh Thắng thở dài. Vậy là ở chốn “thâm sơn cùng cốc” ấy, chúng tôi buộc phải vi phạm luật giao thông vì “tải ba”, nhưng nếu không làm thế thì chẳng biết bao giờ mới xuống được đến nơi. Còn anh Thắng cắn răng một mình lái chiếc xe “thương binh” cà rập, cà rập đi tiếp vì cung đường này nhà dân còn chẳng có, lấy đâu chỗ sửa xe! 
 

Ông Sùng A Pủa nghe thợ điện hướng dẫn sử dụng điện

 
Sẽ còn nhiều chông gai
 
Hua Đán là một trong số hàng trăm bản, làng được hưởng lợi từ Dự án Mở rộng và cải tạo lưới điện nông thôn vùng sâu, vùng xa tỉnh Lai Châu mà Công ty Điện lực Lai Châu là đơn vị trực tiếp thực hiện nhiều năm qua.
 
Ông Cao Ngọc Lạc, Giám đốc Công ty Điện lực Lai Châu cho biết, trong 10 năm qua, tại địa phương, ngành Điện đã đầu tư trên 1.400 tỷ đồng để đưa điện đến các thôn, bản. Tính đến tháng 7/2015, 100% số xã, gần 97% số thôn, bản và xấp xỉ 90% số hộ dân của tỉnh Lai Châu đã được sử dụng điện lưới quốc gia.
 
“Chúng tôi cũng hết sức vinh dự được Tập đoàn giao trọng trách đưa điện lưới quốc gia về đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Đến nay, toàn tỉnh Lai Châu còn 64 thôn, bản vẫn chưa có điện lưới. Mục tiêu của EVN là đến năm 2020, 100% số thôn, bản trên toàn tỉnh sẽ có điện lưới quốc gia” – Giám đốc Cao Ngọc Lạc khẳng định. 
 
Cũng như Hua Đán, những nơi chưa có điện ấy là những nơi khó khăn nhất về kinh tế, cô lập nhất về vị trí địa lý… và chúng tôi hiểu rằng, để đưa điện thắp sáng nơi đây, bước chân của những người làm điện đã và sẽ còn gặp không ít chông gai…  
 
Tính đến cuối năm 2015, trên toàn quốc:
 
- 100% số huyện có điện lưới và điện tại chỗ; 
- 99,8% số xã với 98,76% số hộ dân nông thôn có điện lưới, vượt 0,76% so với chỉ tiêu được giao cuối năm 2015.
 
23,7 triệu khách hàng được EVN cung cấp điện trực tiếp trên cả nước. Tập đoàn đã cơ bản hoàn thành công tác tiếp nhận và tiến hành cải tạo nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp đến các hộ dân với mục đích để người dân nông thôn được hưởng lợi từ chính sách giá điện của Chính phủ. 
 


  • 11/04/2016 03:05
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 5907


Gửi nhận xét