Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã cam kết đảm bảo nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện - Ảnh: H. Hiếu
|
Để đảm bảo cấp điện cho mùa khô 2013, Chính phủ đã yêu cầu EVN và các doanh nghiệp sản xuất điện năng trong cả nước tập trung vào phát triển nguồn điện cũng như chú trọng công tác phân phối và kinh doanh điện năng, sẵn sàng ứng phó với nhu cầu điện tăng cao trong những tháng mùa khô từ 12-13% so với cùng kỳ năm 2012.
Nhận thức được yêu cầu này, 3 tập đoàn kinh tế nhà nước là: Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã chủ động ký kết hợp tác toàn diện trong lĩnh vực sản xuất, phân phối và kinh doanh điện năng.
Sự chủ động hợp tác này thể hiện vai trò, trách nhiệm của các tập đoàn nhà nước với nhiệm vụ đảm bảo nguồn năng lượng quốc gia. Có những ý kiến cho rằng, đây là sự thỏa thuận liên kết, biến sự độc quyền nhà nước thành độc quyền của doanh nghiệp, phục vụ lợi ích nhóm. Tuy nhiên, theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, đây là sự kết hợp thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có kế hoạch cân đối lại nhu cầu sản xuất tại một số nhà máy như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, từ đó tăng thêm nguồn khí cho các nhà máy nhiệt điện tại Nhơn Trạch và Cà Mau. Bên cạnh đó, PVN cũng quyết định điều chuyển khí thấp áp cấp cho các hộ công nghiệp, bổ sung cho Nhà máy Nhiệt điện Bà Rịa trong quý II/2013 với mức từ 0,2 - 0,8 triệu m3/ngày, tăng lượng điện chạy từ khí cho hệ thống điện.
Theo ông Phùng Đình Thực - Chủ tịch HĐTV PVN, PVN đã chuẩn bị phương án sẵn sàng huy động tối đa công suất các nhà máy điện thuộc phạm vị quản lý để bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia. Tùy theo những diễn biến cụ thể của tình hình cung ứng điện, nếu EVN yêu cầu bổ sung nguồn điện phát dầu, PVN sẽ chỉ đạo các đơn vị huy động dầu để phát điện. “Khi đổ dầu phát điện, giá thành sản xuất điện sẽ cao hơn, nhưng các đơn vị sản xuất điện sẽ không phải lo lắng về tài chính bởi giá điện dầu sẽ được tính theo giá dầu của thị trường”, ông Thực nói.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo EVN: “Chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi có thể xảy ra. Phối hợp chặt chẽ với Vinacomin, PVN, Tổng công ty Khí Việt Nam, các công ty phát điện thành viên của TKV, PVN và các đơn vị phát điện khác nhằm chủ động, đảm bảo nguồn phát cho hệ thống điện quốc gia.
(Thông báo số 140/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ) |
Theo báo cáo của PVN, hiện công suất đặt các nhà máy điện của PVN đang vận hành chiếm khoảng 11% tổng công suất toàn hệ thống. PVN đã hoàn thành đầu tư xây dựng 4 nhà máy nhiệt điện Turbin khí chu trình hỗn hợp với công nghệ hiện đại là Cà Mau 1, Cà Mau 2, Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 2 với tổng công suất lắp đặt 2.700 MW. Ngoài ra PVN còn đang đầu tư một số dự án có công suất lớn như, Nhiệt điện Vũng Áng 1, Long Phú 1, Thái Bình 2, Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1, Thuỷ điện Hủa Na, Đăkdring, Phong điện Hoà Thắng...và phấn đấu đến năm 2020 có tổng sản lượng điện sản xuất chiếm 15-20% tổng sản lượng điện quốc gia, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam - Vinacomin có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và liên tục sản lượng than cho các nhà máy nhiệt điện than ở miền Bắc, đảm bảo phát công suất tối đa trong các tháng mùa khô năm 2013. Ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch HĐTV Vinacomin cam kết: “Ngành Than luôn ưu tiên tối đa sản lượng than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, đáp ứng đầy đủ về nguồn nguyên liệu phát điện cho đất nước”. Bên cạnh đó, Vinacomin cũng phối hợp với EVN chuẩn bị phương án sẵn sàng huy động tối ta công suất các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý để đáp ứng nhu cầu điện cho hệ thống điện quốc gia.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Vinacomin đang gấp rút hoàn thành thẩm định, lựa chọn địa điểm cho dự án xây dựng cảng trung chuyển than ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cung cấp than cho các nhà máy điện ở khu vực phía Nam. Cùng với các chủ đầu tư các dự án nhiệt điện đốt than khác, sớm ký hợp đồng nguyên tắc cung cấp than dài hạn cho các nhà máy nhiệt điện.
Cũng theo ông Hòa, về lâu dài PVN, EVN hay các nhà máy nhiệt điện cần phải tính toán toán khả năng nhập khẩu than từ Indonexia, hoặc Ôxtrâylia để sản xuất điện, giảm áp lực cho ngành Than.
Như vậy, với trách nhiệm đảm bảo cung ứng điện nói riêng và an ninh năng lượng của quốc gia nói chung, 3 tập đoàn kinh tế nhà nước đã hợp sức xây dựng các phương án cụ thể, sẵn sàng ứng phó với những tình huống thiếu điện, đảm bảo cung ứng điện an toàn liên tục cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân. Chắc chắn rằng, sự chung tay góp sức này sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp đáp ứng nhu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Tổng sản lượng điện tiêu thụ trong mùa khô năm 2013 ước khoảng 64,137 tỉ kWh, chiếm gần 50% tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn quốc.
Năm 2013, EVN dự kiến huy động 1,57 tỉ kWh điện chạy bằng dầu FO và DO, riêng mùa khô là 1,113 tỉ kWh. |