Đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch điện VII

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa chủ trì cuộc họp rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VII), hoàn thiện nội dung để trình quy hoạch mới lên Chính phủ.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cùng các cơ quan hoạch định, các chuyên gia đánh giá, rà soát từng nội dung chính, cũng như các vấn đề liên quan trong Đề án, thống nhất các mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ của các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Trong đó, đánh giá kỹ về tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm qua và 5 năm tới, các yếu tố tác động đến nhu cầu, nguồn lực để cung cấp điện, đảm bảo khai thác tối ưu, cũng như đảm bảo nguồn điện cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng chỉ đạo cơ quan xây dựng tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện nội dung Đề án để trình Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch điện VII - Ảnh Lê Tuấn

Đến thời điểm này, Đề án có 4 nội dung chủ yếu: Hiện trạng điện lực quốc gia, kiểm điểm và đánh giá thực hiện Quy hoạch điện VII; cập nhật dự báo phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 có xét đến 2030 và dự báo nhu cầu tiêu thụ điện; cập nhật chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện và liên kết lưới; cập nhật nhu cầu vốn đầu tư và đánh giá hiệu quả của chương trình phát triển điện quốc gia.

Cùng với các nội dung chính trên, Đề án cũng cập nhật các vấn đề về năng lượng sơ cấp, các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật của nguồn và lưới điện, các ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện; đánh giá tác động môi trường trong phát triển điện lực, cơ cấu tổ chức quản lý điện lực quốc gia.

Nội dung chính của Đề án cho thấy, do tình hình phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu phụ tải điện giai đoạn vừa qua thấp hơn nhiều so với dự báo, vì vậy, phát triển nguồn, lưới cũng có sự tăng trưởng tương ứng, phù hợp với thị trường.

Giai đoạn tiếp theo (2016-2020 có xét đến 2030), do điểm xuất phát thay đổi và cũng là để phù hợp với dự báo phát triển kinh tế-xã hội, các nhà hoạch định cũng xây dựng 3 phương án nhu cầu điện cho toàn quốc và các miền theo các mức cao, cơ sở và thấp.

Cả 3 phương án này đều được điều chỉnh giảm xuống so với Quy hoạch điện VII.

Trong phương án cơ sở, năm 2015 điện thương phẩm đạt 141.800 GWh, giảm 28.021 GWh; đến năm 2030 con số tương ứng là 506.000 GWh, giảm 109.204 GWh.

Trên cơ sở đó, chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện và liên kết lưới cũng có các phương án thay đổi, cộng thêm việc đồng bộ với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nguồn thủy điện nhỏ mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt tháng 11/2015 vừa qua.

Tổng công suất nguồn điện tới năm 2030 dự kiến là 115.800 MW, giảm khoảng 29.300 MW.

Cùng với đó là việc xem xét thay đổi trong chương trình phát triển lưới, liên kết lưới, cân bằng nhu cầu than, cung cầu khí cho phát điện, có tính toán kỹ tới việc cân bằng cung cấp điện giữa các vùng, miền.

Tổng vốn đầu tư phát triển ngành Điện giai đoạn 2016-2030 khoảng 148 tỉ USD, trung bình khoảng 7,9 tỉ USD/năm (giai đoạn 2016-2020) và 10,8 tỉ USD/năm (giai đoạn 2020-2030).


  • 24/12/2015 06:02
  • Theo Chinhphu.vn
  • 5826


Gửi nhận xét