Theo báo cáo của Bộ Khoa học & Công nghệ - cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ tổng hợp kế hoạch soạn thảo, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về điện hạt nhân, hiện nay các văn bản pháp quy về vấn đề này đã được xây dựng đầy đủ, từ dự thảo Luật Năng lượng Nguyên tử (sửa đổi), đến các Nghị định hướng dẫn.
Thông tư của các Bộ cũng đã được xây dựng nhằm quy định chi tiết tất cả các vấn đề trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử như: cơ chế, chính sách đặc thù quản lý, thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nghĩa vụ tài chính của tổ chức có nhà máy; lộ trình nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ và phát triển công nghệ; chế độ với người học tập, làm việc trong lĩnh vực nguyên tử…
|
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước dự án điện hạt nhân Ninh Thuận - Ảnh: chinhphu.vn |
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ, cùng với việc đầu tư dự án, chuẩn bị nhân lực vận hành thì xây dựng hệ thống văn bản pháp quy về điện hạt nhân là 1 trong 3 nhóm nhiệm vụ lớn của dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.
Thời gian qua, các Bộ, ngành và tỉnh Ninh Thuận đã triển khai khá tích cực trong việc tạo lập khung pháp lý ban đầu, đặc biệt là các văn bản cần cho việc lập và phê duyệt báo cáo phân tích an toàn và báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Tuy nhiên, khối lượng công việc, văn bản, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn còn rất lớn, các cơ quan cần tích cực và triển khai chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa, nhất là các văn bản phục vụ giai đoạn thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng Nhà máy trong thời gian tới. Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến xử lý về vấn đề cơ chế đặc thù, kinh phí cho việc soạn thảo văn bản pháp quy, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nhà máy điện hạt nhân.
Ngày 18/9, tại Ninh Thuận, Đoàn công tác Quốc hội do ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong năm 2014.
Theo tiến độ ban đầu, dự kiến khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ thực hiện vào cuối năm 2014 và vận hành tổ máy số 1 vào năm 2020. Tuy nhiên, tiến độ này được tính toán từ năm 2006, thời điểm Luật Năng lượng Nguyên tử Việt Nam mới được ban hành, có hiệu lực năm 2009, chưa có Nghị định hướng dẫn và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nên chưa lường hết nội dung, trình tự, các bước thực hiện và thời gian cần thiết cho từng giai đoạn của dự án.
Bên cạnh đó, sau sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát các biện pháp an toàn, yêu cầu tư vấn đưa ra các biện pháp thiết kế an toàn chống động đất, sóng thần, xây dựng các quy định, tiêu chuẩn mới đối với an toàn địa điểm xây dựng điện hạt nhân với mục tiêu số 1 là khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải đảm bảo an toàn cao nhất. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến sự cần thiết phải điều chính tiến độ tổng thể của dự án so với dự kiến ban đầu.
Theo đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát, hoàn thiện dự kiến tổng tiến độ thực hiện các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc khởi công và đưa vào vận hành các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận muộn hơn dự kiến ban đầu cũng đã được Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam, đã bố trí các giải pháp bổ sung các nguồn điện khác thay thế để đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế.
Hiện nay, EVN đang trao đổi, phối hợp với Tư vấn E4 (Nga) bổ sung để hoàn thiện hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, đồng thời đề xuất định hướng lựa chọn công nghệ lò phản ứng hạt nhân cho dự án. Từ nay đến cuối năm 2014, chỉ có thể khởi công một số dự án thành phần hạ tầng phục vụ thi công như đường, nước, điện thi công, dự án trung tâm quan hệ công chúng, dự án khu quản lý vận hành, khu chuyên gia và trụ sở Ban quản lý dự án.
Đối với dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư, qua đó để trình Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sau khi dự án đầu tư được phê duyệt và hiệp định tài chính cho dự án được đàm phán và ký kết với đối tác Nhật Bản, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo chủ đầu tư thống nhất với đối tác thực hiện dự án để xin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ báo cáo với Quốc hội tình hình thực hiện dự án tại kỳ họp vào tháng 10/2014.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh cho rằng, hiện nay việc xây dựng đề cương, xác định các nội dung chủ yếu về cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ cho xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã hình thành. Do đó, tỉnh mong muốn cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để có cơ sở tính toán việc đền bù, giải phóng mặt bằng, tuyên truyền nâng cao sự đồng thuận của người dân, đồng thời quan tâm hỗ trợ, giúp người dân vùng dự án sớm an cư lạc nghiệp.
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, từ khi Ninh Thuận được chọn là nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tuy dự án chưa bắt đầu nhưng bộ mặt kinh tế, xã hội của tỉnh Ninh Thuận đã và đang có sự thay đổi lớn thông qua nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau. Trong thời gian tới, các Bộ, ngành liên quan cần có sự phối hợp đồng bộ, phân công trách nhiệm cụ thể để tiến hành công việc một cách thuận lợi và khoa học. Bên cạnh đó cũng cần tập trung giải quyết những kiến nghị của tỉnh, đồng thời sớm hoàn thiện các công đoạn, các dự án thành phần để sớm báo cáo với Chính phủ, qua đó để trình Quốc hội tại kỳ họp tới này.