Điện “chắp cánh” cho nông nghiệp công nghệ cao

Chuyện “được mùa mất giá” hay “giải cứu nông sản” từ lâu trở thành nỗi ám ảnh đối với nông dân nhiều địa phương. Tuy nhiên, với Lâm Đồng, từ nhiều năm nay điều đó đã không xảy ra…

Những trang trại nhà kính nông nghiệp công nghệ cao phủ trắng ở Lâm Đồng

Nông nghiệp đang khởi sắc 

Trang trại của chị Nguyễn Thị Vân ở Trại Mát, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng có rất nhiều loại rau, củ, quả được trồng và kết nối bằng hệ thống chăm sóc thông minh ứng dụng giải pháp IoT của Intel (dùng công nghệ internet vào quản lý sản xuất). Chị Vân cho biết, hệ thống thông minh này có thể tự động kiểm soát độ ẩm, nước, phân, kiểm soát chất lượng rau, quả và các loại nông sản trên một quy mô lớn. Dâu tây trên giá thể, cà chua, dưa chuột… được kiểm soát chặt chẽ bởi hệ thống công nghệ thông minh, tự động điều chỉnh ánh sáng, độ ẩm, chế độ dinh dưỡng cho cây… Kết quả cuối cùng, các sản phẩm đều đạt chuẩn VietGAP. Ngoài việc giảm được nhân lực, năng suất, chất lượng cà chua và rau quả ở trang trại của chị ngày cũng càng được nâng cao. Mỗi tháng, gia đình chị thu hoạch từ 10 - 20 tấn nông sản sạch/1 ha.

Chị Vân chia sẻ: “Trước khi ứng dụng công nghệ tưới tự động, một khu trồng tối thiểu phải cần từ 2 đến 3 lao động. Mặt khác, trên cùng một diện tích, chúng tôi trồng nhiều loại cây, độ tuổi cây cũng khác nhau, chế độ tưới tiêu cho mỗi loại cây trồng cũng khác. Sau khi ứng dụng chế độ tưới tự động, vấn đề này được giải quyết một cách hiệu quả, chỉ cần duy nhất 1 nhân công sử dụng điện thoại thông minh để theo dõi. Tôi cho rằng, điện năng chính là một yếu tố quan trọng giúp chúng tôi ứng dụng thành công công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp”. 

Là một Việt kiều, ông Tăng Thành Đức đã có hơn 30 năm thành công nhờ trồng nấm mỡ ở Canada. Năm 2010, ông Đức về nước và chọn huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng là nơi xây dựng trang trại nấm mỡ hữu cơ để chia sẻ kinh nghiệm với nông dân và doanh nghiệp trong nước. Trang trại với diện tích gần 3000m2, chỉ có 8 người làm việc. Phần lớn những công việc năng nhọc đều được cơ giới hóa nhờ có nguồn điện ổn định.

Ông Tăng Thành Đức cho biết, trong quy trình trồng nấm, khâu kỹ thuật trồng và nhiệt độ luôn là điều kiện “tiên quyết”. Tất cả các khâu, từ gây men, nấu rơm, chăm sóc và tưới ẩm… đều được tự động hóa. Với một nông trại lớn như vậy, chỉ có 8 người làm việc, nếu không có điện, không sử dụng công nghệ cao, chắc chắn không không thể thành công được. 

Từ khi có điện lưới quốc gia, những trang trại sản xuất theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa, rau củ quả... là hướng phát triển, làm giàu từ đất của nhiều nông dân, trang trại, hợp tác xã ở tỉnh Lâm Đồng.

Yếu tố tiên quyết

Từ năm 2004, tỉnh Lâm Đồng đã xác định, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu, có tác dụng tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Và một trong những điều kiện không thể thiếu khi phát triển nông nghiệp công nghệ cao chính là có nguồn điện ổn định. 

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Hiện nay, Lâm Đồng đã có khoảng gần 55 ngàn ha, trong đó, 20% diện tích đất nông nghiệp được dành cho phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Để phát triển bền vững mô hình nông nghiệp công nghệ cao, phải có nguồn điện ổn định. Những năm qua, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã làm tốt nhiệm vụ cung ứng đủ điện với chất lượng cao phục vụ nông nghiệp công nghệ cao ở cả khu vực đô thị và nông thôn. Nhờ vậy, nông nghiệp ở Lâm Đồng đã vươn lên một tầm cao mới”.

Theo ông Nguyễn Phước Qúy Hùng - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng, giai đoạn 2016-2019, Công ty đã đầu tư hơn 213 tỷ đồng cho hệ thống lưới điện nông thôn. Ngoài ra, Công ty đã đầu tư 37,4 tỷ đồng (xây dựng mới 52,91km đường dây trung thế, 56,17km đường dây hạ thế) cho các công trình cấp điện các  trạm bơm, tưới tiêu trong nông nghiệp. 

Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có hơn 65 ngàn ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, trong những năm tới, bên cạnh việc đảm bảo đủ điện với chất lượng cao, công tác dịch vụ khách hàng cũng được Công ty Điện lực Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh. Ngành Điện đã và đang góp phần quan trọng vào sự thành công của nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng. 

Tỉnh Lâm Đồng:
- Diện tích: 9.783 km2 (lớn thứ 7 cả nước);
- Có 2 thành phố, 10 huyện, 147 xã, phường, thị trấn.
- Hiện PC Lâm Đồng đang quản lý 09 TBA 110kV và 352,78km đường dây 110kV; 3.843,3km đường dây 22kV; cấp điện cho 99,89% số hộ dân trong tỉnh.


  • 09/05/2020 04:41
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 6124