Điện cho miền Nam: Trước mắt và lâu dài

Năm 2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chọn chủ đề “Điện cho miền Nam”  với mục tiêu đảm bảo cung ứng đủ điện cho khu vực miền Nam. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nhiệm vụ trước mắt còn về lâu dài phải đảm bảo cân đối nguồn điện cho tất cả các miền.

Mất cân đối giữa các miền

Trong giai đoạn từ năm 2005 – 2012, sản lượng điện thương phẩm của cả nước liên tục tăng, từ 45.603 GWh lên 105.390 GWh (tăng 59.787 GWh). Đáng chú ý, trong tổng sản lượng điện thương phẩm của cả nước, khu vực miền Nam luôn có sản lượng điện cao nhất và tăng nhanh hơn so với miền Bắc và miền Trung. Từ 23.355 GWh (năm 2005), sản lượng điện thương phẩm của miền Nam đã tăng lên 54.348 GWh năm 2012. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm của miền Nam cũng luôn ở mức cao, trên 10%, đặc biệt vào năm 2010 lên tới 16,3%. Điều này đã được phản ánh rõ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Nếu tỷ trọng các ngành sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2012 chỉ tăng 3,4% so với năm 2011, thì công nghiệp tăng 4,8%. Bên cạnh đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm các tỉnh TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Bình Phước là nơi tập trung các khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung đòi hỏi sản lượng điện tiêu thụ rất lớn.

Năm 2013, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,42 % (năm 2012 là 5,03%), ngành Điện cũng đã có bước phát triển vượt bậc. Năm 2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam không chỉ cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, mà còn có dự phòng. Tuy nhiên, gần 20% nhu cầu phụ tải khu vực miền Nam được nhận thông qua hệ thống đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc Nam, theo chiều từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam. Riêng mùa lũ của khu vực miền Trung – Tây Nguyên (từ tháng 9 – 12), hướng truyền tải theo chiều từ miền Trung ra miền Bắc và từ miền Trung vào miền Nam.

Khí thế thi đua khẩn trương trên công trình đường dây 500 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông để đảm bảo cấp điện cho miền Nam. Ảnh: H.T

Năm 2013, nhu cầu phụ tải của hệ thống điện miền Nam khoảng trên 10.000 MW, nhưng nguồn điện sản xuất tại chỗ chỉ đáp ứng được 8.000 MW, còn lại 2.000 MW phải truyền tải từ phía Bắc và miền Trung qua đường dây 500 kV. Dự kiến trong năm 2014, phụ tải hệ thống điện miền Nam sẽ tăng lên khoảng 11.000 MW. Như vậy, khu vực miền Nam sẽ cần nhận khoảng 3.000 MW từ miền Trung và miền Bắc.

Vì vậy, nếu không nhanh chóng nâng cấp, cải tạo và tăng cường đầu tư cho lưới điện thì nguy cơ quá tải sẽ ngày càng nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều sự cố, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho khu vực phía Nam.

Không chỉ là nhiệm vụ của năm 2014

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), cân bằng công suất toàn hệ thống điện giai đoạn 2013 – 2020 cho thấy nguồn dự phòng khá lớn, tuy nhiên có sự mất cân đối giữa các miền. Trong khi hệ thống điện miền Bắc và miền Trung có dự phòng công suất từ 50 – 80%, thì hệ thống điện miền Nam không có dự phòng công suất trong giai đoạn 2013 – 2016, giai đoạn từ năm 2017 trở đi vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Anh Tuấn đề xuất hướng giải quyết bằng cách đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn khu vực miền Nam từ nay đến năm 2018. Đồng thời, tăng khả năng truyền tải trên hệ thống điện 500 kV, 220 kV nhằm đảm bảo khả năng truyền tải cao từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam giai đoạn 2013 – 2020.

Chọn chủ đề “Điện cho miền Nam”, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng xác định đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng năm 2014 mà còn tạo ra tiền đề quan trọng cho những năm tiếp theo, đảm bảo cung ứng đủ điện và cân đối giữa các miền. Cụ thể, EVN đặt mục tiêu đảm bảo tiến độ các công trình nguồn điện đang xây dựng tại khu vực miền Nam như: Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng. Đối với các công trình lưới điện, Tập đoàn đang chỉ đạo phải đảm bảo tiến độ 6 cụm công trình và các dự án đấu nối khác. Trong tháng 4/2014 phải hoàn thành đường dây 500 kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông và tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2.

Trong trường hợp các dự án nguồn và lưới điện được thực hiện theo đúng tiến độ, từ năm 2017, miền Nam có thể tự cân đối được sản lượng nội miền.

Theo đánh giá của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) và báo cáo của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (tháng 6/2013), lưới điện Việt Nam đang bị quá tải và xuống cấp, thực trạng năng lực truyền tải đang không theo kịp nguồn.

 


  • 29/04/2014 11:01
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3221


Gửi nhận xét