Điện đang về bản Mông

Bên cạnh đường sá, trường học,…điện là yếu tố không thể thiếu để hỗ trợ người Mông định cư và từng bước nâng cao đời sống.

Trong cái lạnh buốt của mùa đông vùng cao Bắc Kạn, những người làm điện đang khẩn trương hoàn thiện việc kéo dây về một trong những bản làng heo hút nhất. Điện sẽ mang ánh sáng đến trong ngôi nhà của người Mông nơi đây đúng độ xuân về...

Cái nghèo đeo bám

Khuổi Đẩy và Vằng Doọc là hai thôn đặc biệt khó khăn ở xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Phần lớn dân cư của hai thôn là người Mông, bao gồm 105 hộ và hơn 500 khẩu. Vì một số hộ vẫn giữ lối sống du canh du cư, nên cán bộ công an xã luôn phải thực hiện thống kê dân số hằng tháng.

Anh Hoàng Văn Hỷ - Phó công an xã Bình Trung cho biết: “Cao điểm nhất là thời điểm năm 2007, có trên 140 hộ dân tộc Mông di chuyển từ các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang đến Bình Trung. Đó là lần di cư với số lượng lớn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, đồng bào lại bỏ đi gần hết vào miền Nam”.

Đi tìm bản người Mông thật khó. Có lẽ thấy tôi nhìn con đường đất ghồ ghề, khúc khuỷu phía trước với vẻ “đăm chiêu”, anh phó công an xã cười “trấn an”: “Cứ đếm đủ 7 con suối sẽ thấy ngôi nhà đầu tiên của người Mông”. Rồi thong thả tiếp lời: “Còn muốn gặp ngôi nhà kế tiếp thì… phải qua con suối thứ tám”. Quả đúng như vậy! Những dòng suối nhỏ đổ nước trong vắt cắt ngang lối đi. Trong lòng suối, những viên đá lớn dựng đứng, lổn nhổn đá cuội. Anh Hỷ thận trọng dắt xe máy đi trước. Tôi chỉ còn cách tháo giầy rồi… lội bì bõm theo sau. Nhìn sang bờ bên kia chỉ thấy núi và núi.

Người Mông vốn quen sống rải rác trên những triền núi cheo leo, xa xôi hẻo lánh. Lối sống phụ thuộc tự nhiên của bà con nơi đây vẫn còn rất đậm nét. Tìm thấy nơi nào có đất để trồng ngô, trồng lúa là họ chuyển đến. Sau vài ba năm, đất bạc màu thì lại bỏ đi. Lác đác trong rừng sâu, đôi nếp nhà lụp xụp bên mảnh ruộng con thật hiu quạnh. Những con lợn, con gà còi cọc được chủ nhà thả rông như một nét “chấm phá” giúp khung cảnh trở nên sinh động hơn. Nhờ cán bộ xã tích cực thăm hỏi, vận động, nên nạn chặt phá rừng tự do của người dân cũng đã hạn chế. Nương rẫy không còn nhiều, bà con bỏ đi, còn người ở lại bắt đầu học cấy lúa nước trên những mảnh đất trũng. Như một tất yếu, năm nào địa phương cũng phải cứu đói, nhà nào ít thì 1 tháng, nhiều thì 3, 4 tháng. 100% số hộ ở hai thôn đều là hộ nghèo.

Một góc thôn Khuổi Đẩy

Gian nan con chữ vùng cao

Con đường dân sinh nối liền các thôn Khuổi Đẩy, Vằng Doọc ra chợ xã mà chúng tôi vừa đi qua được gọi là đường 135. Người dân bảo gọi thế cho tiện vì vốn làm đường là do Nhà nước đầu tư. Tuy vậy, sau vài năm “chịu trận” cùng mưa rừng lũ quét, nó đã không còn nguyên vẹn nữa. Đáng sợ nhất là những vực sâu đen ngòm bên đường sẵn sàng “nuốt” bất kỳ chiếc xe máy nào vào “cua” không chắc tay. Đi trên con đường này mới thấy cảm phục tấm lòng của các cô giáo vùng cao.

Cô Nông Thị Nga - Hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Trung chia sẻ: “Người Mông quen sống manh mún, nhỏ lẻ, nên đồng bào ở đâu là trường lớp cũng được mở theo tới đó. Hai Phân trường Khuổi Đẩy và Vằng Doọc đều đã được xây kiên cố, nhưng học sinh cứ “hụt” dần qua từng năm. Em thì nằng nặc đòi lấy vợ, em thì theo gia đình di cư. Cô giáo vẫn kiên trì động viên học trò bám lớp bám trường, cho dù năm nay lớp 4 ở Khuổi Đẩy chỉ còn duy nhất… 1 học sinh”.

Cô Nga cũng bày tỏ, khó khăn nhất là làm sao để đồng bào hiểu được ích lợi của việc đưa con em đến trường. Cái lý của người dân là đi học chẳng thấy được gì. Mỗi sáng con họ mất cả tiếng đồng hồ đi bộ, nhiều hôm đến được lớp thì trời đã quá trưa, như thế chẳng bằng lên rừng còn kiếm được củ măng, củ sắn.

Vì đời sống kinh tế khó khăn như vậy, nên từ khi có chính sách trẻ em đi học được nhà nước trợ cấp 140 nghìn đồng/em/tháng theo diện con hộ nghèo thì số học sinh đông hơn hẳn. Năm học 2010 - 2011, nhờ sự nỗ lực của các cô giáo vượt đèo, lội suối, vạch rừng đến từng gia đình vận động, lớp 1 Phân trường Vằng Doọc cũng đón được 4 em đến lớp, tính ra cả Phân trường có 13 học sinh theo học từ lớp 1 đến lớp 3. Còn Phân trường Khuổi Đẩy có 24 học sinh. Sự động viên lớn nhất đối với các cô giáo là từ mái trường này, 2 anh em ruột Thào Seo Khoa và Thào Seo Sì đã được đưa ra trường nội trú huyện, tỉnh học tiếp và bây giờ đang học đại học ở thủ đô Hà Nội. Hy vọng rằng đây sẽ là những cán bộ nòng cốt tại thôn, bản của đồng bào Mông mai sau.

Tết này điện sáng bản Mông

Bên cạnh đường sá, trường học,…điện là yếu tố không thể thiếu để hỗ trợ người Mông định cư và từng bước nâng cao đời sống. Trước đây, nhiều hộ ở hai thôn  này đã từng bị kẻ xấu lợi dụng để gây chia rẽ mối đoàn kết giữa các dân tộc trong địa phương. Một phần nguyên nhân phải kể đến là do thiếu điện, nên những thông tin quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa… trên tivi, đài phát thanh chưa “chạm” tới mảnh đất này. Người dân chưa hiểu rõ vì sao phải cho con đến trường, chưa hiểu vì sao đồng bào Mông nghèo và làm sao để thoát nghèo, không hiểu vì sao bị kẻ xấu lợi dụng…

Hiện nay, một dự án gần 4,5 tỉ đồng do Công ty Điện Lực Bắc Kạn làm chủ đầu tư đang được triển khai để đưa dòng điện quốc gia về với bản Mông. Dự án với gần 5 km đường dây trung thế và 2,644 km đường dây hạ thế, 1 trạm biến áp 75 kVA. Trước mắt sẽ đưa điện về Vằng Doọc. Đứng trên lưng chừng núi trông xuống, cây cối um tùm, rậm rạp, nên chúng tôi không thể nhìn thấy những người công nhân đang kéo dây, chỉ nghe những tiếng hiệu lệnh “hai, ba…” dội lại từ đâu đó giữa núi non điệp trùng.

Các gia đình ở thôn Khuổi Đẩy đã có điện phục vụ sinh hoạt

Ông Nông Văn Giang - Chủ tịch xã Bình Trung vui vẻ thông báo: Tết Nguyên Đán năm nay, hơn 60 hộ dân tộc Mông ở đây sẽ được dùng điện quốc gia. Có điện là có ánh sáng, có tivi... Từ đây, đời sống bà con sẽ dần no ấm, văn hóa tinh thần sẽ được nâng cao. Ông nói dứt khoát, trong giọng nói chất phác ấy chứa đầy sự lạc quan và niềm tin tưởng và chúng tôi cũng mang niềm tin trọn vẹn giống như ông.

 


  • 15/02/2011 04:48
  • Hoàng Hạnh
  • 4338