Điện hạt nhân ở Nhật Bản: Còn nhiều điều cần tìm hiểu và rút kinh nghiệm

Tiếp tục chương trình của hai khóa học trước với nội dung "Sự đồng thuận của công chúng về điện hạt nhân" được tổ chức vào năm 2011 và đầu năm 2012, khóa học về truyền thông điện hạt nhân lần này diễn ra trong 5 ngày từ 10 – 14/9/2012 tại Tsuruga, Fukui, Nhật Bản. Đoàn công tác của EVN gồm 8 người đã đặt chân đến mảnh đất được cho là "cái nôi" của điện hạt nhân Nhật Bản.

Cảm nhận đầu tiên khi đoàn công tác của chúng tôi đến Tsuruga là bầu không khí trong lành, mát mẻ của thời tiết vùng biển và sự thân thiện tuyệt vời của con người nơi đây. Mặc dù là một thị trấn nhỏ, xa xôi  (theo cách mô tả của người Nhật thì chúng tôi liên tưởng nơi đây như thể là vùng Mù Căng Chải ở Việt Nam), nhưng chúng tôi không bị cảm giác rơi vào một khu biệt lập, vắng vẻ và quê mùa. Mọi hoạt động đều rất tấp nập từ con người, phương tiện giao thông đến nhà hàng, quán xá. Mọi thứ đều ngăn nắp, trật tự, sạch sẽ, và tôi hiểu tại sao người Nhật lại vượt qua thảm họa động đất và sóng thần cũng như sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Fukuishima Daiichi 1 nhanh đến vậy. Thiết nghĩ, sau sự cố điện hạt nhân tại Nhật Bản đã có rất nhiều bài học được rút ra từ thực tế và đó là lý do vì sao chúng tôi đến Fukui.

Tham gia giảng dạy cho khóa đào tạo này là các giảng viên đến từ các đơn vị khác nhau làm công tác điện hạt nhân tại Nhật Bản với nhiều nội dung phong phú.

Các cán bộ EVN đã được học hỏi nhiều kinh nghiệm từ khóa đào tạo

Từ thực tế sự cố …

Sau sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Fukuishima Daiichi 1, nhiều bài học kinh nghiệm cần được sẻ chia cho toàn thế giới. Nhật Bản rút ra 28 bài học sau sự cố và đã gửi báo cáo lên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA. Với tư cách là cơ quan hàng đầu thế giới về năng lượng nguyên tử, IAEA đã công bố 15 kết luận và 16 bài học về sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Fukuishima Daiichi 1 làm tài liệu để các quốc gia đã, đang và sẽ triển khai điện hạt nhân rút kinh nghiệm.

Hậu sự cố Fukuishima Daiichi là các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản đã phải lần lượt tạm thời dừng vận hành để xem xét. Tất cả các tổ máy thuộc tỉnh Fukui cũng dừng hoạt động để thực hiện các thử nghiệm bắt buộc do Ủy ban An toàn hạt nhân của Chính phủ Nhật Bản phê chuẩn. Ngày 13/4, Chính phủ đã xác nhận độ an toàn để tái khởi động Nhà máy Điện hạt nhân Ohi. Tỉnh Fukui đã xem xét một cách nghiêm khắc các nhà máy điện hạt nhân và xác nhận cả về mặt an toàn và sự đồng thuận của công chúng. Trước khi đồng thuận để đưa Nhà máy Điện hạt nhân Ohi tái khởi động, Fukui đã tìm kiếm sự ủng hộ từ chính quyền và công chúng vùng Kansai và cuối cùng Kansai đã công bố và phê chuẩn tái khởi động Nhà máy Điện hạt nhân Ohi. Ngày 8/6 Thủ tướng Nhật Bản đã tổ chức cuộc họp báo và công bố nhu cầu phải tái khởi động Nhà máy. Trước khi thị trấn Ohi cho phép tái khởi động thì Ủy ban An toàn Hạt nhân của tỉnh Fukui đã xác nhận độ an toàn của Nhà máy và tháng 8/2012 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của tỉnh Fukui là Ohi đã vận hành thương mại trở lại.

Có thể thấy nỗ lực trong việc tái khởi động một lò phản ứng hạt nhân là một công việc lâu dài và khó khăn. Bởi không chỉ là sự đảm bảo an toàn về mặt kỹ thuật mà còn phải có sự đồng thuận từ phía công chúng tại địa bàn đặt nhà máy điện hạt nhân.

… đến những cải cách sau này

Một trong những địa điểm ấn tượng trong chuyến thăm quan học hỏi kinh nghiệm của chúng tôi là Trung tâm Ứng cứu an toàn hạt nhân và Công nghiệp (NISA) hay còn gọi là off-site Center. Với diện tích bên trong tầm 500 m2, NISA chỉ có 7 người điều hành với hàng trăm máy móc hiện đại các loại. Được thành lập từ 6/1/2011, NISA trực thuộc Bộ Công Thương Nhật Bản, nhưng sau sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Fukuishima Daiichi 1, sắp tới NISA sẽ được chuyển giao sang Bộ Môi trường Nhật Bản quản lý để đảm bảo tính công minh trong quá trình thực thi nhiệm vụ của Trung tâm.

Công việc hằng ngày của cán bộ Trung tâm là đến các nhà máy điện hạt nhân thuộc Trung tâm giao quản lý để kiểm tra các điều kiện vận hành, sau đó gửi các thông tin về trung tâm hệ thống cảnh báo. Hệ thống cảnh báo hiển thị hàm lượng phóng xạ là bao nhiêu và khu vực ảnh hưởng đến đâu để có thể đưa ra các hình thức cảnh báo hay phạm vi cần phải di tản và vị trí có thể ẩn náu tránh phóng xạ. Trung tâm có một phòng điều khiển rộng lớn, để trong trường hợp khẩn cấp các thành phần liên quan đến vấn đề xử lý an toàn sự cố sẽ có mặt và đưa ra những quyết định quan trọng để xử lý sự cố. Rút kinh nghiệm từ sự cố Fukuishima Daiichi 1 là off-site Center không hoạt động được khi sự cố xảy ra, Trung tâm đã được trang bị thêm hệ thống liên lạc bằng vệ tinh.

Hệ thống máy móc hiện đại và toàn bộ những trang thiết bị, lương thực thực phẩm tại off-site Center (Fukui, Nhật Bản) đều luôn trong tình trạng sẵn sàng khi có sự cố điện hạt nhân

Hiện tại trên cả Nhật Bản có 3 off-site Center. Một năm một trung tâm tổ chức 4 cuộc họp định kỳ để đánh giá độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân, như vậy sẽ có tới 12 cuộc họp trong một năm cho 3 trung tâm. Ngoài các cuộc họp này, hằng năm trung tâm còn tổ chức một cuộc diễn tập về ứng cứu trong tình huống khẩn cấp. Có khoảng 300 người sẽ tham gia vào cuộc diễn tập này và thành phần gồm các cơ quan hành chính trên địa phương đặt trung tâm, các lực lượng quân đội, cảnh sát, phòng cháy chữa cháy, bộ phận truyền thông, …

Bên cạnh yếu tố tiên tiến về mặt kỹ thuật, off-site Center còn rất quan tâm đến yếu cố con người. Trung tâm có một phòng về hậu cần là nơi để người dân và những người xử lý sự cố có thể lánh nạn trong một thời gian. Tại đây luôn có sẵn chăn, màn, lương thực thực phẩm. Có thể nói, off-site là một trung tâm khá hiện đại đảm bảo về mặt an toàn kỹ thuật và an toàn xã hội.

Và xu hướng điện hạt nhân trên thế giới sau sự cố Fukuishima Daiichi

Có thể nói đa phần các quốc gia trên thế giới vẫn giữ quan điểm ban đầu của nước mình về phát triển điện hạt nhân, trong đó có các quốc gia lớn là Mỹ, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Braxin, Nam Tư, Phần Lan,… Các quốc gia trong khu vực châu Á tiếp tục các kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân của mình.

Theo thông tin từ IAEA thì từ năm 2011 - 2030 dự báo số lượng các tổ máy điện hạt nhân sẽ tăng từ 90 – 350 tổ (từ tổng 522 tổ máy lên 782 tổ máy). Trong đó năm 2011, có 7 lò phản ứng đi vào hoạt động. Năm 2012, đã có 2 lò phản ứng ở Hàn Quốc đi vào hoạt động. Còn tại Nhật Bản cũng đã có nhiều tranh luận xảy ra trên khắp nước Nhật sau sự cố Fukuishima Daiichi về việc liệu có nên tiếp tục sử dụng năng lượng hạt nhân nữa hay không. Và ba kịch bản đã được Nhật Bản đưa ra để lựa chọn. Mặc dù cho đến thời điểm này Nhật Bản chưa đưa ra quyết định cuối cùng nhưng điện hạt nhân vẫn là lựa chọn hai trong ba kịch bản (xem bảng). Nhật Bản vẫn cần năng lượng hạt nhân vì an ninh năng lượng và giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính.

3 kịch bản chính sách năng lượng của Nhật Bản

đến năm 2030 sau sự cố Fukuishima (đơn vị %)

Kịch bản

1

2

3

2010

Trước sự cố

Năng lượng hạt nhân

0%

15%

20 - 25%

26%

53%

Nhiên liệu hóa thạch

65%

55%

50%

63%

27%

Năng lượng tái tạo

35%

30%

25 - 30%

11%

20%

Như vậy, sau sự cố Fukuishima Daiichi, năng lượng hạt nhân tiếp tục phát triển nhằm đáp ứng sự gia tăng nhu cầu điện năng và tiết kiệm các nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Sẽ còn nhiều điều chúng ta cần tìm hiểu và rút kinh nghiệm không chỉ từ Nhật Bản mà còn từ các nước trên thế giới trong quá trình triển khai điện hạt nhân tại Việt Nam. Và đó là lý do vì sao chúng tôi tới Nhật Bản.

5 nội dung chính trong 28 bài học rút ra của Nhật Bản

  • Tăng cường các biện pháp phòng ngừa đối với sự cố nghiêm trọng,
  • Nâng cao các biện pháp ứng phó với sự cố nghiêm trọng,
  • Nâng cao việc ứng phó với trường hợp khẩn cấp về hạt nhân,
  • Củng cố cơ sở hạ tầng về an toàn,
  • Nâng cao nhận thức về văn hóa an toàn.

4 điểm lưu ý trong 15 kết luận của IAEA

  • Thiếu dự phòng lương thực thực phẩm cho vùng nguy hiểm,
  • Thực hiện công tác cập nhật các yêu cầu và hướng dẫn về quy định,
  • Cơ cấu và tổ chức phức tạp có thể làm trì hoãn việc đưa ra quyết định khẩn cấp,
  • Cần xem xét liên kết định kỳ giữa các quy định và hướng dẫn quốc gia để xây dựng các tiêu chuẩn và chỉ dẫn mang tính quốc tế.

 


  • 13/09/2012 09:21
  • Thu Trà
  • 5436


Gửi nhận xét