Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ tiến hành tự do hóa thị trường bán lẻ điện từ năm 2016; đồng thời tách biệt các chức năng của công ty lớn theo phạm vi hoạt động, như doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp cung ứng. Thời hạn thực hiện kế hoạch tách các doanh nghiệp này là từ năm 2018 - 2020.
Việc tiết kiệm điện tối đa vẫn không làm giàm sức ép thiếu hụt năng lượng tại Nhật Bản trong thời gian qua. Trong ảnh là một góc khu trung tâm mua sắm Outlet ở Osaka Nhật Bản - Ảnh: Vũ Lam
|
Đây là bước cải tổ quan trọng đầu tiên đối với ngành Năng lượng Nhật Bản kể từ đầu những năm 1950, khi các công ty cung cấp điện lớn được thành lập ở các địa phương và từ đó đến nay nắm độc quyền trong lĩnh vực này, bao gồm sản xuất, phân phối và bán lẻ đến các hộ gia đình.
Theo Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Toshimitsu Motegi, kế hoạch cải tổ này liên quan đến toàn bộ ngành Năng lượng, từ mua nguyên liệu đầu vào, sản xuất, đến bán lẻ và tiêu thụ. Việc tự do hóa thị trường sẽ làm tăng tính cạnh tranh, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng thông qua nhiều lựa chọn về dịch vụ và giá cả. Ngoài ra, việc tách biệt các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng năng lượng có thể thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái sinh.
Nhật Bản phải chịu chi phí nhập khẩu năng lượng tăng vọt kể từ khi đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân sau cuộc khủng hoảng tại nhà máy Fukushima. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) điều hành Nhà máy Fukushima đã phải nâng giá bán điện đối với hàng triệu người tiêu dùng để trang trải các khoản bồi thường và dọn dẹp nhà máy.