Thái Lan bên bờ vực khủng hoảng năng lượng

Để có một lễ hội đón năm mới Songkran tưng bừng trọn vẹn, các cấp, bộ, ban, ngành của Thái Lan đang phải “vắt óc” tìm giải pháp đối phó với nguy cơ thiếu hụt năng lượng, do nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Myanmar sẽ bị gián đoạn từ ngày 5/4  tới. Thậm chí, Bộ Năng lượng Thái Lan đã phải tính đến phương án ban bố tình trạng khẩn cấp.

Tiết kiệm là quốc sách hàng đầu

Những năm gần đây, vào tháng 4, Thái Lan  thường xuyên phải đối phó với nguy cơ thiếu hụt điện năng do nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ hai mỏ Yetagu và Yadana (Myanmar) phải tạm dừng để bảo trì định kỳ. Thường thì việc bảo trì này diễn ra trùng với lễ hội té nước đón năm mới của người Thái, mà thời điểm này mức tiêu thụ khí đốt dự báo sẽ thấp, nên việc gián đoạn nguồn cung khí đốt không phải là vấn đề to lớn lắm với “Xứ sở chùa Vàng”.

Tuy nhiên, năm nay, việc bảo trì được thực hiện sớm hơn mọi năm, bắt đầu từ ngày 5/4, trong khi đến ngày 12/4, lễ hội Songkran mới diễn ra. Sự gián đoạn kéo dài trong 9 ngày (từ ngày 5 đến 13/4), dự kiến sẽ khiến lượng cung khí đốt từ Myanmar giảm sẽ tác động tiêu cực tới 6 nhà máy nhiệt điện, với tổng công suất 6.000 MW, ở miền Tây của Thái Lan.

Trong khi đó, 25% các nhà máy nhiệt điện chạy khí phụ thuộc vào nguồn cung khí từ Myanmar, cung cấp tới 70% sản lượng điện ở Thái Lan. Nhiệt điện chạy than chỉ chiếm 20% trong tổng cung điện năng. Phần còn lại là các nguồn năng lượng khác như thủy điện và năng lượng tái tạo. Thường thì mọi năm, Thái Lan có thể bù đắp nguồn thiếu hụt này bằng cách tăng sản lượng điện từ các nguồn cung cấp khác như thủy điện hay dầu, song năm nay các nguồn này có thể không đủ để đáp ứng với nhu cầu sử dụng điện đang tăng lên nhanh chóng .

Lễ hội Té nước Songkran năm nay của người Thái Lan đang lo thiếu điện - Ảnh CTV

Theo lãnh đạo Ủy ban Điện lực Thái Lan (EGAT) Sutas Patamasiriwat, nhu cầu công suất nguồn điện ở Thái Lan dự kiến sẽ đạt mức đỉnh 27.000 MW vào tháng 4/2013, tăng 1.000 MW so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, trong tháng 4, việc mất điện tuy không diễn ra ở quy mô toàn quốc nhưng khả năng xảy ra ở một số địa phương không phải là không có.

Mặc dù đã có kế hoạch tăng dự trữ điện bằng cách mua thêm điện từ các nước láng giềng và yêu cầu các nhà máy điện nhỏ tăng cường sản xuất, bổ sung công suất điện cho hệ thống điện quốc gia nhưng 3 nhà cung cấp điện lớn nhất Thái Lan là EGAT, MEA và PEA vẫn thống nhất xây dựng 4 kịch bản đối phó với trường hợp xấu nhất.

Theo kịch bản thứ nhất, sẽ cắt giảm 30% lượng điện cung cấp cho thủ đô Bangkok và 70% lượng điện cung cấp cho các khu vực khác trong thời gian không kéo dài quá 2 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, nếu nguồn cung cấp điện không quá căng thẳng, sẽ chỉ xem xét hạ điện áp. Các kịch bản còn lại bao gồm áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện trong sản xuất, khuyến khích các cơ sở công nghiệp tự chủ trong việc sản xuất điện năng hoặc tránh hoạt động sản xuất vào giờ cao điểm từ 13-17 giờ; kêu gọi người dân tiết kiệm và hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm từ 13 đến 15 giờ và từ 18 giờ 30 đến 21 giờ; đồng thời, điều phối máy phát điện di động để đảm bảo phục vụ nhu cầu nhân dân trong trường hợp khẩn cấp.

Theo tờ Bưu điện Bangkok (Bangkok Post), ngày 5/3, các nhà lãnh đạo ngành Công nghiệp Thái Lan đã đồng ý tạm dừng hoạt động sản xuất vào ngày 5/4 để chia sẻ áp lực với ngành Điện. Dự kiến, việc tiết giảm tiêu thụ điện ở khu vực tư nhân sẽ giúp tăng công suất dự phòng điện của Thái Lan từ 767MW lên 1.291MW. Con số chính xác lượng điện dự trữ được sẽ được đánh giá lại vào cuối tháng 3 này. Ngoài ra, mặc dù đã tính đến khả năng cắt điện nhưng các cơ quan chức năng của Thái Lan đã lên tiếng đảm bảo cung cấp đủ điện cho các hoạt động thương mại, tài chính, ngân hàng, giao thông, bệnh viện. Nếu có cắt điện ở Bangkok, địa bàn lựa chọn sẽ là các huyện ngoại ô xa thủ đô.

Bài toán khó giải

Trong bối cảnh đó, có thể nói, chưa bao giờ việc bảo đảm cung cấp điện lại đặt ra những thách thức gai góc như thế với Thái Lan. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thái Lan Pongsak Raktapongpaisal thừa nhận, việc phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt nước ngoài, đặc biệt là từ Myanmar, là một mối đe dọa với an ninh năng lượng của Thái Lan và việc này sẽ làm suy giảm khả năng cạnh tranh của ngành Công nghiệp nước này do chi phí sản xuất và dịch vụ sẽ tăng nếu sử dụng các nguồn nhiên liệu khác.

Thực tế, ngay cả khi huy động được các nguồn cung cấp bổ sung đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong những ngày thiếu khí đốt thì câu chuyện đi tìm lời giải cho bài toán đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài của Thái Lan cũng chưa kết thúc ở đây. Bởi, theo Cục Chính sách và Kế hoạch Năng lượng của Thái Lan, nhu cầu điện năng của nước này có thể sẽ tăng từ 31.500 MW/năm hiện nay lên 70.000 MW/năm vào năm 2030 nếu nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng với tốc độ trung bình 3,7%/năm.

Bên cạnh đó, phe chỉ trích cho rằng, các quan chức Chính phủ Thái đang phóng đại khả năng cắt điện lên, tạo ra “cuộc khủng hoảng năng lượng giả” và “bầu không khí lo sợ trong dân” để tìm kiếm sự ủng hộ đối với việc xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện chạy than đang vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía người dân. Mặc dù Bộ trưởng khẳng định: “Công nghệ đã được cải thiện và sạch hơn. Nếu người dân hiểu được điều này họ sẽ dễ dàng chấp nhận các nhà máy nhiệt điện chạy than hơn” nhưng người Thái thì chắc vẫn chưa quên ám ảnh tình trạng ô nhiễm không khí từ nhà máy nhiệt điện chạy than ở tỉnh Lampang trong quá khứ.

Họ đã từng kiện thành công Bộ Công nghiệp và EGAT vì không giải quyết được vấn đề ô nhiễm. Bên cạnh đó, nếu dựa vào khí đốt thì nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên ở Vịnh Thái Lan dự đoán cũng sẽ cạn kiệt trong 12-15 năm nữa. Đến lúc đó, đầu vào cho các nhà máy điện khí của Thái Lan vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nước láng giềng.

Các chuyên gia năng lượng cho rằng, để đảm bảo an ninh năng lượng, Thái Lan cần phải đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, trong đó cần chú ý đến năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, các nhà máy nhiệt điện có thể chuyển sang sử dụng dầu diesel và dầu nhiên liệu. Tuy nhiên, chi phí phát điện từ dầu diesel và dầu nhiên liệu cao gần gấp đôi so với khí đốt tự nhiên. Bên cạnh đó, sử dụng năng lượng nguyên tử cũng là một gợi ý. Tuy nhiên, Bộ trưởng Pongsak bác bỏ phương án này, với lý do chính quyền Thái Lan chưa tiến hành các cuộc nghiên cứu thích hợp.

Tuy vẫn đang “loay hoay” tìm lối ra cho cuộc khủng hoảng năng lượng đang cận kề, nhưng cũng có thể Chính phủ Thái Lan không phải không có những dự tính xác đáng khi nghiên cứu khả năng đầu tư vào việc sản xuất điện ở nước ngoài và tăng cường nhập khẩu điện từ các nước láng giềng. Việc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Thái Lan (PTT) đang đẩy mạnh đầu tư tìm kiếm, khai thác khí đốt ở Myanmar là một ví dụ.

 


  • 27/03/2013 03:43
  • Theo Năng lượng mới
  • 4607


Gửi nhận xét