Tập đoàn Điện hạt nhân Hoa Năng Trung Quốc cho biết, họ sẽ xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ tư bên bờ vịnh Thạch Đạo thuộc thành phố Vinh Thành, tỉnh Sơn Đông. Nhà máy có công suất thiết kế 200 MW và sở hữu một lò phản ứng thế hệ thứ tư. Việc xây dựng bắt đầu từ tháng trước và kinh phí ban đầu là ba tỷ NDT (476 triệu USD), Tân Hoa Xã đưa tin.
|
Một nhà máy điện hạt nhân tại Trung Quốc. Ảnh: morningwhistle.com |
"Lò phản ứng thế hệ mới nhất sẽ bắt đầu sản xuất điện từ năm 2017", Tập đoàn Hoa Năng tuyên bố.
Thông báo của Tập đoàn Hoa Năng cũng nêu rõ, các chuyên gia của Trường Đại học Thanh Hoa đã thiết kế lò phản ứng thế hệ thứ tư dựa trên hệ thống an toàn chủ động và thụ động. Điều đó có nghĩa là, lò phản ứng có thể tự động ngừng vận hành trong trường hợp khẩn cấp xảy ra mà không làm nóng chảy nhiên liệu trong lõi hay làm rò rỉ chất phóng xạ.
Nhiệt độ của lò là 750 độ C, thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn 1.000 độ C của loại lò phản ứng thế hệ thứ tư theo tiêu chuẩn quốc tế mà nhiều nước đề xuất.Tuy nhiên, loại lò này cũng có thể tăng hiệu suất sản xuất điện lên khoảng 40%. Hiệu suất tương tự của các lò phản ứng thế hệ thứ hai và thứ ba chỉ đạt 30%.
Phần lớn lò phản ứng hạt nhân đang và sắp đưa vào hoạt động trên thế giới thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba. Với dự án trên bờ vịnh Thạch Đạo, Trung Quốc sẽ trở thành nước đầu tiên sử dụng lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ tư vì mục đích thương mại. Tập đoàn Hoa Năng cho rằng, nếu lò phản ứng của họ vận hành thành công, sẽ xuất khẩu công nghệ chế tạo lò và thiết bị sang các nước khác.
Sau sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật Bản vào năm 2011, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Nhưng vào tháng 10 năm ngoái, Bắc Kinh đã dỡ bỏ lệnh cấm. Giới truyền thông nhà nước đưa tin, Chính phủ cho phép xây dựng các nhà máy điện hạt nhân dọc theo vùng duyên hải.