Điện hạt nhân tại Pháp: Tăng cường cơ quan an toàn

Sau sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima – Nhật Bản (tháng 3/2011), một số quốc gia trên thế giới đã có xu hướng thu hẹp phạm vi hoặc ngừng phát triển điện nhân. Tuy nhiên, Pháp đã chọn con đường củng cố niềm tin với công chúng và tăng cường an toàn điện hạt nhân.

Gian hàng điện hạt nhân của Pháp tại Triển lãm quốc tế về điện hạt nhân tổ chức tại Hà Nội (tháng 10 /2012) Ảnh: HT

Từ năm 1970, dự đoán trước năng lượng hóa thạch sẽ cạn kiệt vào cuối thế kỷ 20, Pháp đã quyết định phát triển chương trình điện hạt nhân. Trong vòng 20 năm, 58 lò phản ứng đã được xây dựng rải rác trên khắp cả nước, với tổng công suất thiết kế là 63,1 GW, chiếm 75% sản lượng điện quốc gia – đưa nước Pháp lên hàng thứ hai thế giới về điện hạt nhân.

Tuy nhiên, sau sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima, Chính phủ Pháp đã yêu cầu Cơ quan an toàn hạt nhân (ASN) thực hiện đánh giá an toàn hạt nhân tại tất cả các nhà máy để xem khả năng chịu được đến mức độ thảm họa nào và thời gian phóng xạ rò rỉ vào môi trường sẽ là bao lâu, sau khi nhà máy mất hoàn toàn nguồn cung cấp điện hoặc nguồn làm mát.

Chương trình đánh giá an toàn còn được thực hiện tại 79 cơ sở nghiên cứu, nhà máy sản xuất thanh nhiên liệu…. “Điều quan trọng là chúng tôi đã tăng cường các biện pháp an toàn để không phát tán phóng xạ ra khỏi khu vực nhà máy, ngay cả trong những tình huống cực đoan nhất”, ông Bernard Bigot, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Năng lượng nguyên tử và Năng lượng thay thế Pháp (CEA)  khẳng định.

Đồng thời, Pháp cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm củng cố niềm tin của công chúng đối với năng lượng hạt nhân. Bất cứ thắc mắc nào của công dân về sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân đều được giải đáp kỹ lưỡng. 3 cơ quan cùng tham gia chịu trách nhiệm về vấn đề này, đó là: Cơ quan An toàn hạt nhân quốc gia, Ủy ban thông tin về điện hạt nhân tại các địa phương (đại diện của chính quyền và người dân địa phương) và Ủy ban cấp cao về minh bạch và an toàn hạt nhân (gồm đại diện của 5 thành phần, trong đó, có nhà máy điện hạt nhân và cả những người phản đối năng lượng hạt nhân).

Lòng tin của người dân đối với khai thác điện hạt nhân chỉ có thể có được theo thời gian và thực tế của hoạt động các nhà máy điện hạt nhân. Mặt khác, thông qua các hoạt động tuyên truyền dựa trên các nguyên tắc minh bạch, cởi mở và đối thoại cũng như việc đảm bảo nhà máy được xây dựng hài hòa, không phá vỡ cảnh quan môi trường và hòa nhập với kinh tế xã hội của địa phương.

Ông Bernard Bigot, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Năng lượng nguyên tử và Năng lượng thay thế Pháp (CEA) khẳng định “Pháp không có lý do nào để từ bỏ điện hạt nhân, với hệ thống các cơ quan và văn hóa an toàn, chúng tôi đã xây dựng được lòng tin của công chúng vào năng lượng hạt nhân”

- Điện hạt nhân tại Pháp đã tạo việc làm cho hơn 450 công ty, doanh nghiệp với gần 125.000 lao động trực tiếp và hơn 400.000 lao động gián tiếp.

- Tại Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận 2, Pháp có thể tham gia trên tinh thần liên kết với đối tác Nhật Bản bằng việc cung cấp công nghệ lò phản ứng Atmea-1, thuộc thế hệ 3+, với công suất 1.100 MW. Thế hệ lò phản ứng Atmea - 1 đã được chứng nhận về an toàn bởi Cơ quan an toàn về năng lượng hạt nhân Pháp đầu năm 2012 sau 18 tháng kiểm nghiệm và có đủ khả năng chống chọi lại sự cố như đã xảy ra tại Fukushima.

 

 


  • 12/12/2012 06:55
  • PV
  • 3498


Gửi nhận xét