Phân công chỉ huy giám sát
Theo nhận xét chung, phần lớn các vụ tai nạn lao động chết người tại các điện lực được xác định là do người vận hành, sửa chữa vi phạm quy trình, quy phạm về an toàn, cắt xén các thao tác.
Khi nói về an toàn lao động, ông Phùng Văn Lợi – Giám đốc Điện lực Việt Trì ví von: Cũng giống như người thợ xây dựng một ngôi nhà, cứ vắng chủ nhà, vắng người giám sát là công nhân dễ cắt bớt công đoạn hoặc làm ẩu. Công nhân vận hành, sửa chữa điện, nếu không có giám sát cũng dễ xảy tình trạng bớt xén quy trình thao tác để công việc hoàn thành nhanh hơn. Điều này dễ gây nguy hiểm đến tính mạng người công nhân.
Chính vì vậy, trước khi thực hiện công việc trên lưới điện, đặc biệt là những công việc phức tạp có phạm vi cắt điện rộng, khối lượng công việc lớn, ngoài yêu cầu bắt buộc chung, Điện lực Việt Trì còn mời các tổ, đội, phòng, ban có liên quan đến công việc đó họp lại, phổ biến nội dung công việc trên mỗi công đoạn đường dây, giới thiệu sơ đồ lưới điện, đưa ra các giải pháp an toàn khi thực hiện công việc thao tác trên đường dây… Sau đó phân công trách nhiệm cụ thể từ lãnh đạo, đến các thành viên tham gia công việc trong đó người chỉ huy nhóm công tác có vai trò đặc biệt quan trọng.
Ông Đào Minh Đường – Phó giám đốc Điện lực Việt Trì, người đã nhiều lần chỉ huy hiện trường các nhóm công tác trên lưới điện cho biết: “Sau khi đến hiện trường, người “Chỉ huy” như chúng tôi có trách nhiệm giám sát những công việc được giao như, xác định vị trí làm tiếp địa ở đâu, biện pháp an toàn cần những gì... Chúng tôi có trách nhiệm giám sát công việc từ khi bắt đầu đến khi kết thúc công việc. Tôi cho rằng, việc phân công người “Chỉ huy” đã có tác dụng thúc đẩy tiến độ công việc nhanh hơn, giám sát chặt chẽ hơn. Đó cũng là một trong những bí kíp giúp Điện lực 10 năm liền không xảy ra tai nạn lao động chết người”.
Công tác an toàn lao động được Điện lực Việt Trì rất chú trọng. Ảnh: H. Hiếu
|
Sẽ tiếp tục phát huy…
Với mục tiêu không để xảy ra tai nạn lao động do chủ quan, trong những năm tiếp theo, Điện lực Việt Trì đưa ra các giải pháp tổng thể nhằm bảo vệ an toàn cho người lao động. Cụ thể: năm 2014, Điện lực đã thành lập Ban chỉ đạo “Năm Văn hoá an toàn lao động và Kỷ luật lao động”, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, ban, đồng thời ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, phát động phong trào thi đua giữ vững danh hiệu an toàn lao động trong các tổ, đội, in và phát các băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi về phòng ngừa tai nạn lao động trong sửa chữa, vận hành lưới điện.
“Nói đến ngành Điện là nói đến ngành tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động cao. Để bảo vệ tính mạng người lao động, theo định kỳ, chúng tôi tổ chức huấn luyện lại quy trình, quy phạm an toàn lao động cho CBCNV, đồng thời đưa ra những hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với người vi phạm”, ông Phùng Văn Lợi – Giám đốc Điện lực Việt Trì cho biết.
Ngoài ra, Điện lực Việt Trì luôn tổ chức các đoàn kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất tại hiện trường. Ngoài nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của các tổ trưởng, đội trưởng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thường xuyên còn được giao cho các phòng điều độ, an toàn chuyên trách.
Lãnh đạo Điện lực cũng duy trì công tác kiểm tra, giám sát an toàn tại hiện trường. Việc kiểm tra được quy định theo định kỳ. Ban Giám đốc và Chủ tịch Công đoàn mỗi tuần kiểm tra tối thiểu 3 lần về công tác an toàn.
Đặc biệt, khi Tổng công ty Điện lực miền Bắc hoặc Công ty Điện lực Phú Thọ xảy ra TNLĐ nặng hoặc chết người, Điện lực Việt Trì đều tổ chức họp, thông báo về tình hình TNLĐ và tổ chức rút kinh nghiệm. Đối với những vụ TNLĐ nhẹ, Điện lực Việt Trì đều gửi văn bản cho các tổ đội để thông báo, rút kinh nghiệm. Ngoài ra, lãnh đạo Điện lực còn xuống các tổ, đội trao đổi trực tiếp với người lao động, xem họ có nắm bắt được văn bản cũng như nắm bắt được nguyên nhân xảy ra TNLĐ ở các đơn vị bạn hay không?
“Điện lực Việt Trì cũng có ý tưởng lắp đặt camera giám sát công tác lên lưới điện. Tuy nhiên việc này gặp khó khăn về kinh phí cũng như mua sắm thiết bị công nghệ đồng bộ truyền trực tiếp về văn phòng Điện lực. Trong thời gian tới, Điện lực mong muốn được trang bị xe thang để anh em công nhân không phải trèo cột, đồng thời thao tác được an toàn và hiệu quả hơn”, ông Phùng Văn Lợi – Giám đốc Điện lực Việt Trì chia sẻ.
Điện lực Việt Trì yêu cầu người lao động trước khi làm việc:
- Có đủ sức khoẻ, hiểu rõ nội dung công việc;
- Kiểm tra hiện trường (Cắt điện, thử hết điện, tiếp địa, treo biển báo an toàn trước khi làm việc);
- Kiểm tra trang bị BHLĐ, an toàn lao động, đi dây da, guốc trèo khi làm việc trên cao;
- Từ chối làm việc, nếu không có giải pháp đảm bảo an toàn trong làm việc, chưa hiểu biết và không đảm bảo các điều kiện về an toàn.
|