DHD ứng phó với hạn hán

Nhiều hồ thủy điện khu vực miền Trung, Tây Nguyên thiếu nước, các nhà máy thủy điện phải hoạt động cầm chừng. Các  hồ thủy điện của Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DHD) cũng rơi vào tình trạng tương tự khi lưu lượng nước về thấp nhất từ trước đến nay. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Quang – Phó tổng giám đốc DHD xung quanh vấn đề này.

ông Lê Văn Quang – Phó tổng giám đốc DHD

Phóng viên (PV): Được biết những tháng đầu năm 2015, DHD đã gặp khó trong sản xuất điện năng do lưu lượng nước về hồ thủy điện giảm mạnh?

Ông Lê Văn Quang: Đúng vậy! Trong quý 1/2015, lưu lượng nước về 3 hồ thủy điện của DHD đều thấp hơn nhiều so với TBNN. Đối với hồ Đơn Dương (cấp nước cho Nhà máy Thủy điện Đa Nhim), theo tính toán lưu lượng nước về thấp nhất trong 10 năm gần đây (trung bình quý 1 khoảng 7 m3/s).  Đối với hồ Hàm Thuận, lưu lượng nước về trung bình trong quý 1 chưa đến 9m3/s (thấp nhất từ khi đưa vào vận hành (năm 2001), có thời điểm nước về rất thấp chỉ 1- 2 m3/s, không đủ nước tưới cà phê.

PV: Vậy DHD đã có các giải pháp ứng phó với diễn biến thời tiết cực đoan này như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Văn Quang: Thứ nhất, ngay từ cuối năm 2014, Công ty đã tích nước ở các hồ chứa Đơn Dương, Hàm Thuận, Đa Mi đến mực nước dâng bình thường (đầy hồ). Thứ hai, Công ty cũng tiến hành bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị, máy móc từ cuối năm 2014 với mục tiêu đảm bảo cho các tổ máy, vật tư, thiết bị sẵn sàng, đồng thời chuẩn bị thiết bị dự phòng trong trường hợp xảy ra sự cố có thể xử lý một cách nhanh nhất. Thứ ba, Công ty chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các công ty khai thác thủy lợi ở các  tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, cấp nước suốt mùa khô năm 2015 với mục tiêu đảm bảo hài hòa lợi ích phát điện và cấp nước sao cho hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất. Với sự chuẩn bị này, chắc chắn sẽ giúp Công ty giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng từ thời tiết bất lợi trong năm 2015.

PV: Mặc dù đang gặp khó khăn, nhưng DHD vẫn cam kết xả nước với lưu lượng lớn hơn nhiều so với lưu lượng nước về hồ, phục vụ chống hạn cho hạ du 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận?

Ông Lê Văn Quang: Ngay từ cuối năm 2014 khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận bị hạn hán rất nặng. Tại Ninh Thuận, lượng nước các hồ chứa chỉ còn 20-30%. Tỉnh Bình Thuận có khá hơn một chút, nhưng áp lực cấp nước cho các huyện Đức Linh, Tánh Linh (vựa lúa chính của Bình Thuận) rất lớn. Trước tình hình đó, nhiệm vụ cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp được Công ty xác định quan trọng, cần ưu tiên. Vì vậy, đối với hồ thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2014-2015 và hè Thu năm 2015, lưu vực sông La Ngà – sông Lũy của tỉnh Bình Thuận, chúng tôi cam kết đáp ứng 30 m3/s với thời gian tối thiểu là 12h/ngày từ ngày 1/4 đến 30/4. Sau đó sẽ được duy trì ở mức 35-37 m3/s với thời gian 12-14 giờ/ngày đến hết tháng 5. Giai đoạn từ tháng 6 đến hết tháng 8 cũng tùy thuộc khả năng nguồn nước sẽ vận hành điều tiết phù hợp với nhu cầu sử dụng nước.

Đặc biệt, để phục vụ chống hạn cho lưu vực sông Cái Phan Rang (Ninh Thuận), hồ thủy điện Đơn Dương cũng cam kết đáp ứng lưu lượng nước 17-18m3/s từ 1/4 đến 15/4/2015, sau đó được duy trì ở mức 8-17 m3/s từ 16/4 đến 31/5. Từ tháng 6/2015 đến 31/8/2015, tùy khả năng nguồn nước, sẽ vận hành điều tiết phù hợp với nhu cầu sử dụng nước.

Ngoài ra, nếu tình hình hạn hán tiếp tục kéo dài,chúng tôi còn phải bơm nước từ hồ Đơn Dương xuống vùng hạ du huyện Đơn Dương thuộc tỉnh Lâm Đồng. Đây cũng là một thách thức nữa đối với DHD. Theo dự báo tình hình khô hạn này còn tiếp tục kéo dài đến hết tháng 8.

Mức nước tại các hồ thủy điện của DHD đang xuống thấp - Ảnh: Minh Ngọc

PV: Với khó khăn như vậy, kế hoạch sản xuất điện trong năm 2015 của DHD như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Văn Quang: Do thời tiết khô hạn, đồng thời vừa phải phát điện, vừa cấp nước cho hạ du nên hiệu suất của các tổ máy bị giảm, khi phải duy trì lượng phát chạy máy thấp nhưng phải kéo dài thời gian thay vì phát cao nên hiệu suất thấp, tổn thất cao hơn. Tháng 10/2014, Công ty đưa ra kế hoạch năm 2015 sản lượng điện sản xuất bằng sản lượng điện thiết kế (2,576 tỷ kWh) nhưng đến nay, do diễn biến thời tiết bất lợi, Công ty đã điều chỉnh kế hoạch với sản lượng điện dự kiến bằng 90% sản lượng điện thiết kế (khoảng 2,4 tỷ kWh). Với sản lượng này, lợi nhuận năm 2015 của Công ty có khả năng chỉ bằng 50% so với năm 2014.

PV: Song song với việc chống hạn là công tác phòng chống lụt bão (PCLB). Vậy vấn đề này được DHD quan tâm, chuẩn bị ra sao trong năm 2015?

Ông Lê Văn Quang: DHD luôn coi đây là công tác ưu tiên hàng đầu với mục tiêu đảm bảo vận hành an toàn công trình đầu mối, giảm thiệt hại cho hạ du trong mùa mưa lũ. Trước, trong và sau mùa mưa lũ, Công ty đều tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác chuẩn bị cũng như ứng phó với những diễn biến thời tiết bất thường có thể xảy ra. Các hạng mục công trình đầu mối cũng như các thiết bị vận hành tại cửa xả tràn được Công ty đặc biệt quan tâm và thường xuyên kiểm tra. Qua kiểm tra cho thấy, các thiết bị này đang vận hành ổn định, sẵn sàng cho việc vận hành điều tiết hồ chứa.

Công ty đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền cho người dân vùng hạ du về phòng tránh giảm nhẹ thiên tại trong mưa, lũ. Công ty thường xuyên kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, cảnh báo, đồng thời cung cấp những thông tin chính xác, kịp thời và cùng với địa phương tổ chức kiểm tra khu vực hạ du trong mùa mưa lũ cũng như trước khi điều tiết xả lũ để người dân có sự chuẩn bị, thu hoạch hoa màu nếu có, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng trong quá trình điều tiết vận hành xả lũ hồ chứa.

Công ty cũng thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực và Ban chỉ huy PCLB địa phương để trao đổi, nắm bắt thông tin, kịp thời  có phương án vận hành hợp lý với mục tiêu đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối, giảm thiệt hại cho hạ du, đảm bảo quy trình vận hành hồ chứa.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mức nước các hồ chứa thủy điện của DHD (tính đến 9h ngày 12/5)

Hồ chứa

Mực nước dâng bình thường (m)

Mực nước hiện tại (m)

Lưu lượng nước về hồ (m3/s)

Lưu lượng nước xả m3/s)

Hồ Đơn Dương

1.042

1.027

13

13

Hồ Hàm Thuận

605

585

44

53

Hồ Đa Mi

325

324

53

50

 


  • 02/06/2015 03:32
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 7209


Gửi nhận xét