Theo đó, để làm tốt công tác này, EVN yêu cầu các đơn vị rà soát thường xuyên tình hình vận hành của đường dây và trạm biến áp, hoàn thiện và liên tục cập nhật hệ thống hồ sơ quản lý chi tiết đường dây và trạm (cả nhất thứ và nhị thứ), hệ thống ghi chép thông số vận hành trong các ca/kíp trực.
Chỉ thị nêu rõ, các sự cố xảy ra phải được xử lý ngay, sau đó phân tích rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp chống tái diễn, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các bộ phận liên quan. Mọi thiết bị có nguy cơ hư hỏng, đe dọa sự cố phải được chủ động thay thế.
EVN yêu cầu lãnh đạo các Tổng công ty trực tiếp chỉ đạo quyết liệt công tác giảm sự cố ở những đơn vị đang có suất sự cố cao hơn nhiều so với mức trung bình của Tổng công ty và đơn vị bạn. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng (đặc biệt là lực lượng công an, cảnh sát đường thủy, đường bộ, an ninh kinh tế địa phương) để có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh các điểm/hoạt động vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp và xử lý các điểm vi phạm cũ còn tồn tại.
Kiểm tra vận hành thiết bị tại TBA 500 kV Hòa Bình - Ảnh Mao Điền
|
Về trang thiết bị, công cụ sản xuất, vật tư dự phòng, EVN yêu cầu các đơn vị rà soát ngay cơ số vật tư thiết bị dự phòng sản xuất hiện có và lên phương án bổ sung khẩn cấp nếu cơ số vật tư dự phòng không đủ, không để tình trạng không có thiết bị thay thế khi sự cố xảy ra. Bố trí hợp lý cơ số vật tư dự phòng tại các địa điểm để dễ dàng ứng phó khi sự cố xảy ra. Lập kế hoạch để bổ sung sớm trang thiết bị cần thiết hỗ trợ cho công tác quản lý vận hành, quản lý kỹ thuật như các trang thiết bị phục vụ theo dõi tình trạng vận hành đường dây và trạm, thiết bị thí nghiệm, giám sát on-line, các xe nâng, xe thang, thiết bị sửa chữa hot-line,...
Trong công tác quản lý tiến độ và chất lượng công trình đường dây và trạm biến áp, Tập đoàn yêu cầu các đơn vị nhất quán nhận thức công tác quản lý kỹ thuật phải được bắt đầu ngay từ khâu lập dự án đầu tư của các công trình xây dựng đường dây và trạm biến áp cho đến khi công trình được nghiệm thu và đưa vào vận hành.
Trong quý 2/2015, yêu cầu các đơn vị ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các qui định để bộ phận kỹ thuật - vận hành tham gia sâu và chịu trách nhiệm tương ứng ngay từ khâu lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, xác lập đặc tính kỹ thuật của thiết bị khi lập hồ sơ mời thầu mua sắm, xét thầu phần kỹ thuật, nghiệm thu đóng điện trong các dự án đầu tư xây dựng và sửa chữa/cải tạo, nâng cấp.
Trước mắt, trong năm 2015 và nửa đầu năm 2016, tập trung khắc phục tình trạng quá tải, đầy tải đường dây và trạm biến áp hiện hữu. Yêu cầu các đơn vị ưu tiên lập kế hoạch và bố trí vốn để thực hiện trước các công trình có tác dụng chống quá tải/đầy tải, giảm tổn thất điện năng.
Ngoài ra, việc kiểm soát chất lượng vật tư thiết bị lưới điện; áp dụng công nghệ mới; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành EVN yêu cầu các đơn vị chủ động và hết sức lưu ý thực hiện.
Được biết, trong thời gian qua, việc quản lý kỹ thuật, vận hành lưới điện của EVN đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, không để xảy ra thiếu điện. Quy mô hệ thống điện phát triển nhanh, đưa hệ thống điện Việt Nam vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á và thứ 31 trên thế giới vào cuối năm 2014.
Hệ thống lưới điện Việt Nam tính đến hết năm 2014
- Đường dây 500 kV: 6.755 km với 23 TBA 500 kV
- Đường dây 220 kV: 12.380 km với 87 TBA 220 kV
- Đường dây 110 kV: 16.701 km với 535 TBA 110 kV
- Đường dây trung áp/hạ áp: hơn 417.000 km với gần 160.000 TBA phân phối.
- Tỷ lệ điện khí hóa nông thôn cuối năm 2014 đạt 99,59% số xã, 98,22% số hộ dân nông thôn có điện (vượt trước 1 năm so với chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 mà Thủ tướng Chính phủ giao cho EVN);
- Tỷ lệ tổn thất điện năng giảm: từ 9,23% năm 2011 xuống còn 8,49% năm 2014;
- Thời gian mất điện bình quân giảm từ 8.077 phút/khách hàng trong năm 2012 (năm đầu tiên áp dụng phương pháp quản lý mới) xuống còn 3.242 phút/khách hàng trong năm 2014.
|